Nghề đan lát có từ bao giờ thì đến những bậc cao niên trong xã cũng không biết chính xác. Chỉ biết, hầu hết phụ nữ ở đây khi lớn lên đều biết đan và thành thạo các công đoạn của nghề như chọn nguyên liệu, ra nan, nhuộm màu và đan các loại vật dụng... Cứ từ đời này qua đời khác "mẹ truyền, con nối", nghề đan lát được lưu giữ và phát triển thành nghề truyền thống.
Đối với những cây tre, luồng, cây song dùng để làm khung xương, cạp viền thì phải khai thác vào cuối mùa đông, khi cây già tích ít nước và tinh bột sẽ cứng cáp và không bị mốc, mọt.
Còn đối với cây lấy về làm nan đan (cây mai, trúc, giang, nứa) thì cần cây không quá già để có độ dẻo và dễ nhuộm màu.
Với nguyên liệu là tre, nứa, mai, luồng lấy từ trên rừng, các bà, các mẹ và các cô gái Tày đã khéo léo đan những vật dụng dùng trong gia đình rất đẹp mắt và bền bỉ theo thời gian.
Trong các sản phẩm đan lát của người Tày Nghĩa Đô, tiêu biểu nhất phải kể đến là chiếc hộp đựng đồ trang sức, chiếc mâm ăn cơm, chiếc nôi cho trẻ…
Để hoàn thiện một sản phẩm đan lát bền đẹp có khi phải mất ít nhất từ 5 - 7 ngày, thậm chí cả tháng trời.
Muốn học thành thạo nghề đan lát, các cô gái Tày phải nắm vững những bí quyết riêng ở từng khâu, từ việc chọn nguyên liệu, kỹ thuật vót nan, định hình khung… rồi cách nhuộm màu, cách hong dẻo nan.
Nghề đan lát đã gắn với đời sống của người Tày ở Nghĩa Đô từ bao đời nay.
Ngày nay, ở Nghĩa Đô, các bà, các mẹ vẫn đang miệt mài vừa sáng tạo ra sản phẩm mới có giá trị thẩm mỹ vừa truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho thế hệ trẻ.
Vũ Sơn - Phạm Bằng - Lê Nam