Ký ức tự hào qua tranh cổ động

Tranh cổ động là một thể loại tranh được ra đời từ những cuộc cách mạng, cứu nước của dân tộc Việt Nam, gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc.

Hà Nội trong tôi:

Tác phẩm "Hòa bình, hạnh phúc" của họa sĩ Hà Huy Chương đạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác tranh cổ động dịp kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô

Tác phẩm "Hòa bình, hạnh phúc" của họa sĩ Hà Huy Chương đạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác tranh cổ động dịp kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô

Trong những năm 20 của thế kỷ XX, khi Việt Nam đang bị thực dân Pháp và phong kiến đô hộ, nhiều tổ chức cách mạng đã xuất bản báo chí - cơ quan ngôn luận riêng của mình và trên các tờ báo ấy, những bức tranh biếm họa, châm biếm, đả kích đã xuất hiện mang sứ mệnh phục vụ công nông, phục vụ cách mạng. Đó chính là tiếng nói trực diện và sắc sảo có sức mạnh tuyên truyền lớn lao cả trong thời chiến và thời bình.

Và trong không khí hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, một sự kiện lớn, trọng đại không chỉ đối với Thủ đô Hà Nội mà còn có ý nghĩa lớn với cả dân tộc Việt Nam thì những nét vẽ, sắc màu của dòng tranh cổ động sẽ là những góc nhìn mới mẻ, không theo lối mòn, giàu ý nghĩa về tuyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo.

Không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng cứ gần tới ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô, tôi và những bạn bè của mình như được sống lại những năm tháng ấy, hòa chung niềm vui lớn với Thủ đô và cả nước. Dịp này, tôi không chỉ ấn tượng bởi các hoạt động chào mừng, cờ hoa rợp phố phường mà trong lòng thực sự có cảm giác hân hoan, niềm tự hào được nhân lên khi ngắm nhìn những bức tranh cổ động mang nhiều màu sắc khắp các con đường lớn của Hà Nội. Ở đó, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; về sự anh dũng, hy sinh “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Hà Nội đã chiến đấu kiên cường và quả cảm, biến mỗi góc phố, mỗi căn nhà thành một pháo đài, mỗi người dân thành một chiến sĩ, bám trụ trong suốt 60 ngày đêm khói lửa đều được tái hiện một cách sống động.

Qua màu sắc, hình khối, chữ,... tôi cảm nhận được thông điệp và thông điệp đó tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào thị giác một cách ấn tượng, làm hình thành cảm xúc thẩm mỹ, thẩm thấu vào suy nghĩ, khiến tôi như được thôi thúc, giục giã, được sống trong không khí hào hùng của những năm tháng đó.

Những bức tranh cổ động ấy đã ghi dấu lại mốc son và ký ức hào hùng, ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, khát vọng xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Trong thời bình, sức mạnh của những bức tranh cổ động là lời nhắc nhở con cháu thế hệ hôm nay về những hy sinh xương máu, về chiến công hiển hách của cha ông những năm tháng khói lửa trong suốt 60 ngày đêm, gửi gắm thông điệp về tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do cổ vũ tinh thần quân và dân ta vượt mọi khó khăn gian khổ để đến ngày thống nhất đất nước. Tôi trào dâng niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn với những mất mát, hy sinh ấy. Những hình ảnh, hình khối, những dòng chữ kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô hôm nay còn có thêm những thành tựu của Thủ đô đạt được qua 70 năm xây dựng và phát triển và sau gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới trên các lĩnh vực để chúng ta thêm tự hào, vững tin về tương lai của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Hà Nội tổ chức phát động cuộc thi Sáng tác tranh cổ động. Chúng ta sẽ lại được ngắm nhìn những gam màu, những hình ảnh, những dòng chữ rực rỡ khắp phố phường Hà Nội.

Mai Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-uc-tu-hao-qua-tranh-co-dong-382310.html