Ký ức về ba
Gia đình ta cũng như bao gia đình bộ đội, thường xuyên là cảnh cha xa nhà, mẹ một mình chăm sóc các con. Vì là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc nên những năm đầu khi chúng con còn nhỏ, ba công tác biền biệt nơi xa, một tay má vừa công việc bệnh viện, đi trực, phấn đấu chuyên môn, vừa chăm lo hai con nhỏ. Chúng con thương má vất vả nhiều.
Có lần má kể: "Lúc con còn bé, nhà mình ở khu tập thể số 3 Quang Trung, con sốt cao phải đưa đi cấp cứu trong đêm, may sao đúng hôm đó ba về. Đến mãi khuya, con bớt sốt, bệnh viện cho về thì cổng khu tập thể đã khóa. Không còn cách nào khác, ba trèo cổng vào trong, má ở ngoài đưa con qua song cửa cho ba bế, rồi má mới trèo cổng vào sau".
Năm 1963, ba về lại B khi con đang học mẫu giáo lớn, đã biết mặt chữ cái và mỗi lần má gửi thư cho ba, con lại viết chữ "Minh" để khoe với ba, ba vui lắm. Ba viết thư cho con chữ rất to, viết cẩn thận, rõ ràng dễ đọc. Kỷ niệm về ba là những bức thư thắm tình cha con, những lời hỏi thăm, dặn dò, động viên. Có lần ba viết: "Ngày 5-10-1968. Ba được tin hai con đi học xa, khỏe mạnh ba rất mừng. Ba mong gặp hai con xem đã lớn cao đến đâu, học có giỏi và có ngoan không, nhưng ba còn bận đánh giặc Mỹ nên chưa gặp được... Ba thưởng cho Ngọc Minh và Thắng mỗi đứa một tấm ảnh chú bộ đội giải phóng ở miền Nam, con có biết chú nào không? Ba đi đánh giặc Mỹ có mệt nhưng ba vẫn khỏe mạnh lắm. Mong hai con khỏe mạnh, ngoan, học giỏi ba mừng...".
Năm 1969, ba lần đầu tiên trở ra Bắc sau khi đi B. Gặp lại ba, con cảm thấy là lạ nên cũng có ý tránh, ba rất buồn. Một buổi tối, ba đã nói chuyện việc học hành của con nơi sơ tán, có ý chê trách, con không nói gì cả ngồi im làm ba bực mình, nói to. Sáng hôm sau thức dậy, con đã thấy ba ngồi bên giường và hỏi: "Có giận ba không?". Lúc đó, con trào nước mắt, không còn thấy lạ nữa mà chỉ thấy thương ba vô cùng! Từ đó, con mới hết cảm giác xa cách. Má dạo đó đang đi học, cuối tuần mới về, cả nhà đoàn tụ đúng một ngày rồi ai ở đâu lại về đấy.
Tháng 4-1972, ba ra công tác gặp đúng thời điểm Mỹ ném bom trở lại miền Bắc. Thế là ba đưa 5 bà cháu đi sơ tán. Đến nơi sơ tán ba tự tay đào hầm chữ A đủ chỗ cho mấy bà cháu và cả gia đình chủ nhà rồi mới về lại Hà Nội. Ba về lại chiến trường khi nào con cũng không biết, vô tình xem tập ảnh cũ mới biết ba đã chụp ảnh khi về tới chiến trường nhưng không ghi rõ thời gian!
Vào những năm 1980, khi chúng con đã trưởng thành, ba viết thư kể chuyện như với người bạn. Năm 1983, thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, ba kể: "Ba đã đến Phnom Penh sáng 7-11, một ngày khó quên, đầy tình quốc tế vô sản. Lúc này, Phnom Penh thỉnh thoảng có mưa chút ít nhưng đã bắt đầu vào mùa khô. Phnom Penh đã có hơn nửa triệu dân, có nhiều đổi thay vui vẻ so với lần trước ba đến. Về công việc, ba xác định rõ: Lâu nay cũng đã có theo dõi nhưng dù sao vẫn còn nhiều nơi chưa đến, chưa biết. Công việc của cả một nước, nên chắc phải mất nhiều thì giờ đi và nghe, tìm hiểu nữa mới có thể làm gì được".
Điều này được thể hiện qua những chuyến đi liên tục của ba trên đất nước Angkor. Ba kể: "Ba đã đến Xiêm Riệp, xem đền Angkor và hồ nuôi cá sấu. Ba gửi con tấm ảnh chụp ở Angkor Wat, rất tiếc là mắt mệ bây giờ mờ không thấy được, con xem đấy mà tả cho mệ nghe, ba vẫn khỏe thế đấy và cảnh đền Angkor vẫn đẹp. Ba cũng đã đến cảng Kongpongxom... Cảng Kongpongxom không rộng như Đà Nẵng nhưng là một cảng đẹp... Ba cũng đã ra các điểm tựa nơi biên giới và mắc võng ngủ lại với bộ đội trên tuyến biên giới Campuchia. Có điều lý thú là đến năm tuổi 60 trong đời ba lại được thưởng thức “xe ôm”, nhưng có ngày đi bộ, trèo dốc hơn 20km. Các chú, các anh thanh niên theo kịp ba cũng khá vất vả!". Và kết quả là những trận thắng lớn ở mùa khô năm 1984, 1985.
Chuyện ba kể nghe như chuyện thường ngày, bình thường nhưng đến bây giờ khi đã ở tuổi 60 rồi con mới thấy thật thấm thía sự hy sinh gian khổ của thế hệ ông cha để chúng con được sống trong hòa bình như ngày hôm nay.
Ngày nhỏ, con vẫn thường được nghe bà nội nói: “Khuê ta không ốm đau bao giờ, chỉ duy nhất có một lần bị nôn do ăn no đi tắm vào buổi trưa”. Ba có niềm tin vào sức khỏe của mình. Cuối năm 1996, sau khi khám sức khỏe có kết quả tốt, ba đã vui vẻ thông báo: “Gì chứ, sống 80 tuổi là chắc chắn! Lúc nào về hưu, ba sẽ nấu ăn cho, ở tù ba đã làm bếp mãi rồi”. Thấy mình đã không chăm lo cho má trong công việc gia đình được mấy, ba nghĩ rằng bây giờ là lúc có thể phụ lo được rồi. Tình thương yêu của ba dành cho má thật sâu lắng, nhưng tiếc là thời gian ngắn quá!
ĐOÀN THỊ NGỌC MINH (con gái Đại tướng Đoàn Khuê)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/ky-uc-ve-ba-749088