Ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô của nữ chiến sĩ quân y Hà thành

Nói về Ngày Giải phóng Thủ đô thì mỗi người dân Hà Nội lại lưu giữ một kỷ niệm riêng. Với bà Tạ Quế Anh, người con gái đất Hà thành đi kháng chiến và trở về tiếp quản Thủ đô tháng 10-1954, ký ức tháng 10 thật thiêng liêng biết mấy.

Bà Tạ Quế Anh là con gái thứ trong một gia đình truyền thống của Hà Nội, có bố là Tạ Ngọc Hàm, Chủ tịch Ủy ban hành chính khu Đống Đa (nay là quận Đống Đa); mẹ là Lều Thị Mỹ, người làng Nhị Khê gần với làng Định Công quê chồng.

Năm 1946, khi Hà Nội “tiêu thổ kháng chiến”, ông Tạ Ngọc Hàm vận động và cùng nhân dân khu Đống Đa lên Phú Thọ tản cư. Nếu như những chiến sĩ vệ quốc ra đi kháng chiến mang theo ký ức “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng” thì những người dân đi tản cư gồng gánh đồ đạc cùng con trẻ trên những chiếc quang gánh bằng mây tre. Trẻ nhỏ thì được ngồi trong quang gánh, còn trẻ lớn hơn phải tự đi.

Chứng minh thư thời kháng chiến của ông Tạ Ngọc Hàm (bố của bà Tạ Quế Anh), Chủ tịch Ủy ban hành chính khu Đống Đa.

Chứng minh thư thời kháng chiến của ông Tạ Ngọc Hàm (bố của bà Tạ Quế Anh), Chủ tịch Ủy ban hành chính khu Đống Đa.

Cứ thế, chị cả Lan Anh và em gái thứ Quế Anh giúp mẹ tần tảo chăm nuôi các em để bố đi làm nhiệm vụ phân bổ chỗ ở, vận động nhân dân địa phương đi di tản, giúp dân tản cư làm nhà, chăn nuôi lợn, gà. Có lẽ do vất vả và do rừng thiêng nước độc nên ông Tạ Ngọc Hàm mất ở nơi tản cư khi mới 38 tuổi.

Thế là gánh nặng nuôi con, chăm lo việc nhà dồn lên người vợ và các cô con gái lớn. Mãi tới tháng 7-1949, cô gái 17 tuổi Tạ Quế Anh được mẹ đồng ý cho đi kháng chiến. Đầu tiên Quế Anh làm việc ở tờ báo “Vui sống” thuộc Cục Quân y đóng tại Thái Nguyên, rồi chuyển sang Phòng Tiếp tế, Cục Quân y.

Tháng 7-1950, cô thanh niên Tạ Quế Anh hăm hở đi Chiến dịch Biên Giới đóng tại Cao Bằng, miệt mài pha chế thuốc trong hang núi thuộc bản Thà. Công việc này rất thủ công, từ đóng nước cất; hàn, luộc ống tiêm, pha chế, dán nhãn, đóng thùng các loại thuốc đều được nhóm dược sĩ làm chuẩn chỉ, dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ.

Các cơ quan, đoàn thể phường Định Công thăm, tặng quà bà Tạ Quế Anh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Các cơ quan, đoàn thể phường Định Công thăm, tặng quà bà Tạ Quế Anh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lúc đầu Quế Anh làm trợ lý cho các dược sĩ chính như chị Viết, chị Tích. Sau khi được về chiến khu học lớp dược tá chiến dịch, Quế Anh tốt nghiệp loại giỏi. Năm 1954, Quế Anh được điều động đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm dược sĩ phục vụ thương binh. Trong giai đoạn khó khăn, gian khổ của chiến tranh, Quế Anh miệt mài học hỏi, làm việc và được cấp trên giao làm Trung đội phó.

Với năng lực và những thành tích trong kháng chiến, tháng 10-1954, dược sĩ Tạ Quế Anh vinh dự được Cục Quân y điều về tiếp quản Thủ đô. Nữ chiến sĩ quân y lúc ấy không khỏi bồi hồi khi nghĩ rằng sẽ được về gặp mẹ và các em nơi Thủ đô yêu dấu (làng Định Công, huyện Thanh Trì, nay là quận Hoàng Mai). Nhưng không, những đoàn xe tiếp quản Thủ đô ở mỗi đơn vị thực hiện nhiệm vụ bí mật khác nhau. Xe của Quế Anh không đi qua những đường phố Hà Nội mà băng qua con phố dài Kim Mã đi thẳng lên Sơn Tây. Thế là cô không được gặp mẹ và các em.

Tiếp đến là những ngày luyện tập gian khổ của bà và đồng đội tại sân bay Hòa Lạc rồi lại về sân bay Bạch Mai để tổng duyệt chuẩn bị cho lễ duyệt binh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 1-1-1955. Trong quá trình tập luyện, có lần Bác Hồ tới thăm và đã trao huy hiệu của Bác tặng các chiến sĩ, trong đó có nữ chiến sĩ quân y Quế Anh. Trong đội ngũ duyệt binh lịch sử năm 1955, người con gái Hà Nội đi đầu trong đội ngũ nữ quân y.

Bà Tạ Quế Anh.

Bà Tạ Quế Anh.

Bà Tạ Quế Anh (thứ hai từ bên trái sang) cùng các phụ nữ tiêu biểu tham gia kháng chiến và tiếp quản Thủ đô.

Bà Tạ Quế Anh (thứ hai từ bên trái sang) cùng các phụ nữ tiêu biểu tham gia kháng chiến và tiếp quản Thủ đô.

Sau lễ duyệt binh, bất ngờ em trai của Quế Anh là Tạ Ngọc Bích tìm đến gặp chị. Tay bắt mặt mừng, Tạ Ngọc Bích cho chị gái biết, anh xung phong đi bộ đội, được biên chế vào Sư đoàn 308 có nhiệm vụ kéo pháo lên Điện Biên, sau đó được giao nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô. Hóa ra, hai chị em cùng tham gia trên một mặt trận, cùng về tiếp quản Thủ đô, cùng tập luyện duyệt binh tại một nơi nhưng không hề gặp nhau suốt quá trình đó...

 Bà Tạ Quế Anh cùng các con cháu.

Bà Tạ Quế Anh cùng các con cháu.

Vì lẽ đó, ký ức tháng 10 với riêng bà Quế Anh thật khó tả. Ở đó có niềm vui Hà Nội hoàn toàn giải phóng, lòng tự hào của một công dân Thủ đô, một người lính Cụ Hồ sẵn sàng nén niềm vui sum họp gia đình để hoàn thành nhiệm vụ được giao… Hà Nội mãi là tiếng gọi thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Thủ đô nói riêng, người Việt Nam nói chung.

Bài và ảnh: HÀ MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/ky-uc-ve-ngay-tiep-quan-thu-do-cua-nu-chien-si-quan-y-ha-thanh-797969