Ký ức về những năm tháng thanh xuân đầy nhiệt huyết của một cựu chiến binh
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước những đoàn 'Tàu không số' huyền thoại đã vượt biển, vượt muôn vàn gian khó, hiểm nguy chở vũ khí, thuốc men, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1970, thực hiện 'nhiệm vụ đặc biệt' được giao, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Bá Cương, xã Phù Vân, Trưởng ban liên lạc truyền thống CCB Hải quân TP Phủ Lý cùng đồng đội vượt biển trên một trong những chuyến 'Tàu không số' cập Bến Tre an toàn.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước những đoàn “Tàu không số” huyền thoại đã vượt biển, vượt muôn vàn gian khó, hiểm nguy chở vũ khí, thuốc men, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1970, thực hiện “nhiệm vụ đặc biệt” được giao, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Bá Cương, xã Phù Vân, Trưởng ban liên lạc truyền thống CCB Hải quân TP Phủ Lý cùng đồng đội vượt biển trên một trong những chuyến “Tàu không số” cập Bến Tre an toàn.
Theo lời kể của bác Cương, tháng 4/1968, vừa tròn 20 tuổi, hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Bác Hồ, bác viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ (vào Đoàn 4, Bộ Tư lệnh Thông tin). Những năm tháng đầu tiên trong quân ngũ, bác Cương được cử đi học thông tin báo vụ 15W ở Trường Báo vụ 15W tại Yên Dũng, Hà Bắc. Học xong, tháng 5/1969 bác Cương được Bộ Tư lệnh Hải quân tuyển chọn về Đoàn 126, Bộ Tư lệnh Hải quân, đóng quân ở thị trấn Hồng Quảng, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Tháng 9/1970, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định thành lập Đoàn công tác đặc biệt Z100, bác Cương được điều động sang làm nhiệm vụ ở Đoàn công tác Z100. Thời gian ở Z100, bác Cương (thuộc đơn vị Z1) cùng đồng đội được học tập, huấn luyện những kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng về hàng hải, hải quân. Sau khi được lãnh đạo đơn vị quán triệt chuẩn bị đi làm “nhiệm vụ đặc biệt”, tháng 9/1970 bác Cương được ô tô của đơn vị đưa về thăm nhà vài tiếng rồi quay trở lại đơn vị trong ngày.
Trở lại đơn vị, trước khi lên đường làm nhiệm vụ, đồng chí Tư lệnh Hải quân quán triệt, chuyến công tác “đặc biệt” này đi vào Bến Tre, bằng đường biển. Nhiệm vụ hết sức quan trọng, các đồng chí phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau buổi lễ chia tay, đúng 12 giờ đêm chuyến “Tàu không số” xuất phát tại cảng quân sự Hải quân ở Đồ Sơn, Hải Phòng.
Gọi là “Tàu không số” vì tàu chỉ sơn một màu, không có số hiệu để đánh lạc hướng của địch. Thực tế, tàu vẫn có phiên hiệu, chuyến tàu tôi đi mang mật danh C121, thuyền trưởng là đồng chí Dương Tấn Kịch, thuyền phó là đồng chí Vũ Thanh Suông – bác Cương nói. Suốt hành trình, trên boong tàu phủ lưới đánh cá để ngụy trang, vũ khí trang bị được ép sát vào mạn tàu, cán bộ, chiến sỹ đều mặc áo xanh như dân thường đi đánh cá... Trải qua nhiều thời khắc rất khó khăn, nguy hiểm, thật may mắn, chuyến đi an toàn. Sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển, cuối cùng tàu đã cập bến Cồn Lợi, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre (gọi là bến nhưng đó chỉ là rạch lách to trong khu vực rừng già nước mặn hoang sơ). Vũ khí, thuốc men được thả xuống, Đoàn Tự túc Bến Tre huy động cán bộ, chiến sỹ bơi ra đưa vào bờ.
Tháng 9/1970, chuyến “Tàu không số” cập bến an toàn, thành công. Tháng 11/1970 chuyến “Tàu không số” thứ 2 tiếp tục khởi hành. Không may, chuyến “Tàu không số” này bị lộ, phải nổ hủy tàu ở ngoài khơi.
Bác Cương nhớ lại: Khi vào đến Bến Tre, anh em trong đơn vị phải chặt cây rừng dựng lán đơn sơ để ở, để hoạt động, làm việc. Tổ đài của chúng tôi gồm hai người, ở cách xa lán chỉ huy tới vài cây số. Khi nhận được mật mã, thông tin, bất cứ lúc nào, dù đêm hôm hay mưa bão hai anh em trong tổ đài nhanh chóng cắt cử, phân công nhau băng rừng, nhận dạng đường đi bằng những dấu hiệu, đặc điểm xung quanh để chuyển mật mã, thông tin tới các đồng chí cơ yếu, báo cáo chỉ huy kịp thời... Trong suốt hành trình, tổ đài thường xuyên nhận được thông tin, mật mã từ chuyến tàu thứ 2 liên lạc với đơn vị trong đất liền. Khi đột nhiên thấy mất tín hiệu, không thể liên lạc được, chúng tôi đoán ngay tàu đã gặp sự cố. Lán của tổ đài cách biển khoảng hơn 1km, giữa đêm tối mịt mùng bỗng một tiếng nổ vang trời. Biết chắc là cán bộ chiến sỹ đã phải hủy tàu ngoài khơi, như vậy sẽ có người còn, người mất, nhưng phần hy sinh, mất mát sẽ nhiều hơn... chúng tôi lặng đi. Theo quy định, trước khi hủy tàu, tàu phải quay mũi hướng vào bờ để cán bộ, chiến sỹ nhận biết được hướng bơi vào bờ khi nhảy xuống biển. Thật may, sau đó đơn vị đón được đồng chí thuyền trưởng (bị mất một chân), đồng chí thuyền phó, một đồng chí cơ yếu, một đồng chí chiến đấu viên bị thương, hai đồng chí báo vụ (một đồng chí vào đến bờ thì hy sinh)...
Từ năm 1970 đến năm 1975, bác Cương làm nhiệm vụ thông tin liên lạc giữa Bộ Tư lệnh Miền (Quân khu 8) và tỉnh Bến Tre với Bộ Tư lệnh Hải quân ngoài Bắc. Trong thời gian ở Bến Tre, bằng nỗ lực, cố gắng vượt mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tháng 8/1971, bác Cương vinh dự được kết nạp Đảng. Sáng 15/8/1971, tại khu rừng ở Cồn Lợi, Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre, trong căn lán đơn sơ có treo cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ, bác Cương đã xúc động tuyên thề, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Buổi lễ kết nạp Đảng diễn ra nhanh gọn, chỉ có 5 đồng chí đảng viên tham dự nhưng không khí hết sức trang nghiêm…
Hơn 50 năm đã trôi qua, những kỷ niệm sâu sắc về thực hiện “nhiệm vụ đặc biệt” trên đoàn “Tàu không số”, về những năm tháng hoạt động tại Bến Tre bác Cương luôn ghi nhớ trong lòng. Bác Cương tâm sự: Xác định rõ, ra đi là hiểm nguy, là cảm tử, nhưng vì nhiệm vụ thiêng của Tổ quốc, chúng tôi – những người lính hải quân tuổi đời còn rất trẻ luôn sẵn sàng lên đường; sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao dù biết đó là hết sức khó khăn và nguy hiểm. Tôi là người may mắn, chuyến “Tàu không số” của tôi đã cập bến an toàn. Trong hành trình vượt biển chở vũ khí, thuốc men, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam, nhiều chuyến “Tàu không số” không may bị lộ, phải nổ hủy tàu ngoài khơi, nhiều cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Tuổi trẻ các anh mãi mãi nằm yên trong lòng biển cả mênh mông, rộng lớn...
Được biết, khi nước nhà thống nhất, trở về với cuộc sống đời thường bác Cương tìm cách liên lạc với những đồng đội một thời gắn bó, chia sẻ trong thời gian tham gia lực lượng Hải quân, nhưng người thì mất liên lạc hoàn toàn, người khi tìm được địa chỉ liên lạc thì đã mất…
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã yên tiếng súng, nhưng những năm tháng tuổi trẻ tình nguyện lên đường đi đánh Mỹ, trực tiếp tham gia làm “nhiệm vụ đặc biệt” trên chuyến “Tàu không số” mãi là ký ức tươi đẹp, đầy tự hào của CCB Nguyễn Bá Cương. Đó là những năm tháng tuổi xuân đầy nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.