Ký ức về những ngày bật đài cassette nhẩn nha nghe các ca khúc nổi tiếng
Buổi ra mắt cuốn sách 'Celine Dion-Câu chuyện đời tôi, giấc mơ trong tôi' do Tân Việt Books tổ chức đã đưa người nghe trở về thập niên 90 với cách thưởng thức âm nhạc có phần chậm rãi, thủ công. Celine Dion không chỉ là ca sĩ gắn liền với thời thanh xuân tươi đẹp của thế hệ 7X, 8X mà còn là người truyền cảm hứng sống, học tập bằng những ca khúc ca ngợi tình yêu.
Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách, chị Nguyễn Thu Trang, Phó Tổng Giám đốc Tân Việt Books cho biết, với chị, thập niên 90 như thập niên đẹp đẽ nhất còn sót lại, trước khi công nghệ khiến mọi thứ trở nên nhanh chóng và tiện lợi hơn, đặc biệt trong cách thức thưởng thức âm nhạc. Và chị may mắn được trưởng thành trong thập niên ấy. Lúc đó, việc nghe nhạc và tìm kiếm thông tin về những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng không nhanh chóng như hiện nay. Tất cả đều rất thủ công như bạn cần xem báo, đọc sách để tìm kiếm thông tin, ra các cửa hàng băng đĩa nhạc để mua từng album mới, nhưng chị Trang tin rằng, những việc làm thủ công như vậy sẽ để lại dấu ấn rất lâu trong tâm trí người nghe nhạc.
"Celine Dion-Câu chuyện đời tôi, giấc mơ trong tôi" là cuốn sách cuối cùng trong bộ sách hồi kí về các diva huyền thoại của thập niên 90 bao gồm: "Ý nghĩa của Mariah Carey", "Thương nhớ Whitney", và "Celine Dion - Câu chuyện đời tôi, giấc mơ trong tôi" do Tân Việt Books tổ chức thực hiện.
Chia sẻ về lý do thực hiện bộ sách này, chị Nguyễn Thu Trang cho biết, thập niên 90 ghi dấu ấn khi 3 giọng ca vàng được mệnh danh là những diva của thế kỷ cùng tỏa sáng một lúc và đem lại cho người nghe trên toàn thế giới những bài ca bất hủ về tình yêu đó là Mariah Carey, Whitney Houston và một đại diện ngoài nước Mỹ là Celine Dion. May mắn của người yêu nhạc thời điểm đó là được chứng kiến sự huy hoàng trong sự nghiệp và thưởng thức âm nhạc của họ bằng những cách thức thủ công nên ấn tượng càng lưu trữ được dài lâu.
"Tôi tin rằng dù hai mươi năm đã đi qua, bạn vẫn còn nhớ rất nhiều về họ. Đó chính là lý do vì sao tôi tổ chức xuất bản 3 cuốn hồi ký về 3 nữ danh ca này", chị Thu Trang cho biết.
Cũng tại buổi ra mắt, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh cho biết, không sành về âm nhạc nhưng anh bị ảnh hưởng bởi nhạc xưa vì suốt thời học sinh sống ở vùng quê mà cả xóm chỉ có một, hai chiếc đài cassette
Lên đại học, được học ở môi trường tiếng nước ngoài, anh không bắt kịp cách nghe nhạc quốc tế của nhiều bạn trong lớp, đa số đến từ các thành phố lớn và thông thạo ngoại ngữ. Cho đến gần hết năm thứ hai (năm 1996), anh mới tự tin nghe nhạc quốc tế và ca sĩ quốc tế đầu tiên khiến Tuấn Anh thực sự yêu thích là Celine Dion.
Từ yêu thích, anh đã tìm hiểu sâu về ca sĩ thể hiện và thực sự được truyền cảm hứng từ cô ca sĩ người Canada đã quyết tâm học thêm tiếng Anh để có thể chinh phục các khán giả nói tiếng Anh. Những lúc học hành căng thẳng, anh Tuấn Anh thường nghe "Pour que tu m'aimes encore" và càng thấy thêm yêu quý ngôn ngữ mình đã chọn, càng quyết tâm làm chủ được nó. Nhiều người bạn của anh mặc dù không học chuyên về ngoại ngữ, nhưng sau khi nghe bài hát này cũng đã quyết tâm đi học tiếng Pháp.
"Đọc hồi ký của Celine Dior, với thế hệ 7X chúng tôi là một điều may mắn bởi cô không chỉ là một ca sĩ thể hiện xuất sắc bài hát, mà cô còn là người truyền cảm hứng học tập, sống, yêu cho cả một thời thanh xuân tươi đẹp của chúng tôi", nhà báo Tuấn Anh chia sẻ.