Ký ức về những ngày mở đường Hạnh Phúc

Nữ cựu thanh niên xung phong (TNXP) Triệu Thị Dần (sinh năm 1938) ở thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn) từng cống hiến những năm tháng tuổi trẻ cùng đồng đội tham gia mở con đường Hạnh Phúc ở Hà Giang. Giờ đây dẫu mái tóc đã bạc, đôi chân đã chậm nhưng ký ức về một thời sôi nổi ấy vẫn vẹn nguyên trong bà.

Năm 1960, 147 thanh niên xung phong tỉnh Bắc Kạn thuộc đơn vị H100 nhận nhiệm vụ mở đường Hạnh Phúc từ Hà Giang lên Đồng Văn. Đại đội do đồng chí Bế Thanh làm Đại đội trưởng, còn bà Triệu Thị Dần là Đại đội phó. Bà Dần chia sẻ: "Lúc bấy giờ, tôi cũng giống như những đội viên khác đều mong muốn được góp sức trẻ mở đường, bắc nhịp cầu no ấm cho đồng bào các dân tộc 4 huyện vùng cao Hà Giang".

Khi nhắc về con đường Hạnh Phúc, bà Triệu Thị Dần không giấu được cảm xúc bồi hồi.

Khi nhắc về con đường Hạnh Phúc, bà Triệu Thị Dần không giấu được cảm xúc bồi hồi.

Cùng đồng đội tham gia mở con đường Hạnh Phúc từ năm 1960, khi đó bà mới 22 tuổi. Bà Dần nhớ lại: "Ngày ấy, giao thông đi lại rất khó, phải mất 3 ngày đi đường thì chúng tôi mới lên đến Hà Giang. Đường khó đi, cua nhiều và gấp nên chị em trong đội bị say xe lả cả người. Lên đến nơi, các đội viên trong đội bắt tay ngay vào công việc phá đá mở đường, bằng những dụng cụ thô sơ như: Cuốc, xẻng, đục, xà beng"…

Gian khó nhất phải kể tới đoạn đường ở cổng trời Quản Bạ, đi qua Mã Pì Lèng. Đây là đoạn đường rất hiểm trở, với những dãy núi đá tai mèo dựng đứng bên bờ vực thẳm nên việc thi công rất vất vả và hiểm nguy. Cả đội, trong đó có các nữ TNXP không chịu thua kém gì nam thanh niên, cũng thắt dây an toàn leo lên vách đá cao hơn 200m để phá đá, dù vô cùng nguy hiểm nhưng không ai thấy sợ.

Để thi công công trình, những TNXP tham gia mở đường khi đó phải dựng lán trại bằng tranh tre, nứa lá hết sức thô sơ ngay trên đường, gần đoạn thi công. Bà Dần tâm sự: "Lúc ấy cái gì cũng thiếu, ăn uống kham khổ. Nhưng khổ nhất là không có nước sinh hoạt. Một người chỉ được chia một ca nước, dùng để rửa mặt, đánh răng, sau đó tích lại để “đổ lỗ choòng” cho bụi đá khỏi bắn lên. Có lần gạo tiếp tế chưa kịp lên, tôi đã đi bộ hơn 30 cây số để vay gạo về cho mọi người trong đội nấu ăn".

Không những thế, bọn thổ phỉ thường xuyên quấy nhiễu nên việc thi công tuyến đường vốn đã khó nay còn khó hơn. Mặc dù vậy, cả đội luôn nêu cao khẩu hiệu “Tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không thể tắc”, ai cũng hăng hái, dũng cảm đi mở đường và cảm thấy tự hào vì được đóng góp sức mình cho đồng bào vùng cao Hà Giang.

Bên cạnh nhiệm vụ mở đường, TNXP còn có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giải thích, phản bác lại những luận điệu phản động của địch cho Nhân dân địa phương. Nói cách khác, họ phải làm công tác dân vận để cho người địa phương hiểu, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp đỡ, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đơn vị TNXP mở đường.

"Lúc đầu do bất đồng ngôn ngữ nên cán bộ, đội viên TNXP trong đội gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp với người dân bản địa. Ngày mới lên, khi những quả mìn đầu tiên nổ, người dân còn nghi ngờ TNXP đến phá ruộng. Nhưng tận mắt thấy những đoạn đường được mở, thì người lại dân sẵn lòng theo, khi họ tin rồi thì họ giúp lắm", bà Triệu Thị Dần kể.

Khi được chúng tôi hỏi vì sao con đường lại mang tên “Hạnh Phúc”, bà Dần kể trong niềm phấn khởi và tự hào rằng, tên con đường là do Bác Hồ đặt. Vào năm 1961, Bác Hồ đến thăm Hà Giang và nghe đồng bào nơi đây kể, mở đường đến đâu là mang ánh sáng văn minh và ấm no đến đó. Bác hỏi, vậy tại sao không đặt tên là đường Hạnh Phúc? Và cái tên đường Hạnh Phúc được gọi từ đó.

Mặc dù thiếu thốn, khó khăn mọi mặt nhưng với ý chí quyết tâm, thanh niên làm theo lời Bác “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, sau 5 năm, vào ngày 03/02/1965, tuyến đường Hà Giang - Đồng Văn được khai thông. Đại đội TNXP Bắc Kạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng thành công con đường Hạnh Phúc, con đường đoàn kết giữa các dân tộc. Để ghi nhận những cống hiến, đóng góp của TNXP Bắc Kạn, Chủ tịch nước đã tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho Đơn vị TNXP H100; 90 đội viên của Đại đội TNXP Bắc Kạn được tặng thưởng Huy hiệu Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang./.

Huyền Thương

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202204/ky-uc-ve-nhung-ngay-mo-duong-hanh-phuc-f6211bf/