Ký ức về những người lính Tây Tiến

'Tây Tiến' của Quang Dũng được xếp vào hàng những bài thơ hay nhất của thế kỷ. Theo cách nào đó, bài thơ mang trong mình một phần ký ức của những người lính ra đi không trở lại.

 Những người lính Tây Tiến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Ban Liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Những người lính Tây Tiến trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Ban Liên lạc Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Cũng như trước đây, căn nhà và sách vở vẫn là nơi trú ẩn ưa thích của tôi.

Căn nhà đầu tiên chúng tôi thực sự thuê dài hạn (trước đấy chỉ là nhà thuê tạm vào dịp nghỉ hè) - thậm chí không có được những cái tên rất kêu của các biệt thự mà thường được gọi là nhà ông Phó Lào. Nó chỉ là một ngôi nhà gạch ba gian, xây dựng theo kiểu nông thôn cổ điển không hề có chút bay bướm xa hoa gì. Vậy mà tôi cũng nhớ nó rất lâu.

[...]

Chúng tôi mới chuyển từ Hà Nội về, tài sản duy nhất ba tôi mang theo chắc chắn là tủ sách. Ba tôi không có của cải dự trữ gì và mỗi lần gặp bất trắc, chắc chắn gia đình tôi gặp khó khăn.

Tuy nhiên chúng tôi không biết gì về những điều đó, gần như đã thành luật trong nhà là chúng tôi không được biết gì về cái gọi là "hoàn cảnh gia đình".

Chỉ có một điều khác ở thành phố và cũng chẳng làm chúng tôi ngạc nhiên: Lần này người đi làm lại là mẹ tôi. Mẹ tôi lên Thanh Hóa mở một đại lý rượu (chắc có cái biển đề RA) để kiếm thêm tiền, vốn mở cửa hàng chắc chắn do một ông bạn ba tôi ở Thanh Hóa, nghe nói giàu có ghê gớm cho vay. [...]

Còn vào những năm tháng ấy, tôi và chị tôi thì hàng ngày cắp cặp đến trường Sarraut và như vậy có nghĩa là phải đi suốt con đường thứ hai (dọc theo bờ biển), chạy từ đầu thị xã đến cuối thị xã.

Suốt đường lúc nào chúng tôi cũng nói chuyện, có nghĩa là phần lớn thời gian chị tôi nói, còn tôi thì nghe. Hai bên đường là những hàng rào găng xén vuông vức, loáng thoáng có những bông hoa trắng và tím nhạt. [...]

Những ngày mưa bão, nước biển đỏ ngầu dâng lên đến tận rặng phi lao. Vừa ngớt, chị tôi đã rủ tôi mặc áo mưa đi đầu trần ra bãi biển. "Chị thích sinh ra là con trai". Tôi im lặng, nghĩ rằng chẳng bao giờ tôi ước ao làm con trai cả.

Thú vui lớn nhất của tôi sau đọc sách là khâu áo cho búp bê, bây giờ là cho cô em út của chúng tôi sinh ra chính trên bãi biển này và giống một con búp bê xinh xắn. "Để có được sự nghiệp, là con gái khó lắm", chị tôi nói vậy, như để trả lời ý nghĩ của tôi.

Thực ra chúng tôi đã trở thành một "hội" tám người. Bốn người con của bà Thục Viên, hai trai hai gái đều sàn sàn bằng tuổi chúng tôi. Sau này tám người chúng tôi chẳng bao giờ gặp lại nhau đầy đủ.

Chỉ có một lần tôi và Nga, cô bạn vừa đúng tuổi tôi, ngồi lại được với nhau vào một ngày chúng tôi đều cùng sang Paris công tác. Chúng tôi đều đã có con, có cháu.

Và nhớ lại một thuở xa xưa, chúng tôi nhắc tới người duy nhất nay không còn nữa trong tốp tám người trên bãi biển trước đây: Địch, người con trai thứ hai của bà Thục Viên đã nằm lại mãi mãi ở biên giới Việt - Lào ngay từ những ngày đầu Tây Tiến gian khổ.

Địch khi còn nhỏ được coi như "phá cách" nhất nhà. Gia đình bà Thục Viên thuộc loại theo truyền thống rất cẩn thận. Tôi thường đứng quan sát vào ngày giỗ, các thức ăn được chuyển lên bàn thờ trịnh trọng đến mức nào.

Bà Thục Viên tủm tỉm cười kể cho ba tôi có hôm ông chồng bà đã tóm được cậu con trai thứ hai cầm một thanh củi dứ dứ vào ảnh các cụ trên bàn thờ: "Các cụ làm tôi vất vả lắm".

Sau Cách mạng Tháng Tám, một hôm bà Thục Viên dẫn Địch đến nhà 32 Lý Thường Kiệt, gặp ba tôi và anh Văn, lúc này Địch đã mặc bộ đồ dạ tím, ca lô có sao Vệ quốc quân đội lệch một bên. Địch đến chào để lên đường đi đơn vị. Chỉ ít tháng sau, nghe tin Địch đã hy sinh:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

Khi bắt đầu nghe những câu thơ có tiết tấu mê hoặc như những câu thần chú này của Quang Dũng, tôi thường nhớ tới người bạn từng tham gia với chúng tôi trong những trò chơi nghịch ngợm trên bãi biển Sầm Sơn. Nhưng lâu dần với thời gian ấn tượng ấy rồi cũng phai nhạt.

Trong nghề nghiệp của tôi bài thơ còn lại với những tiết tấu, hình thái tu từ, âm hưởng... đã khiến nó trở thành vào loại những bài thơ hay nhất của thế kỷ. Và ta hiểu cũng theo cách đó, mà bài thơ vẫn mang trong nó một phần ký ức của những người đã đi không trở lại.

Đặng Thị Hạnh/ NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-uc-ve-nhung-nguoi-linh-tay-tien-post1361243.html