Ký ức về Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh

Tất nhiên thầy cũng biết đau khổ và từng chia sẻ mình rất buồn khi phải xa quê, nhưng thầy đã dùng đau khổ để phát triển lòng nhân ái. Sư Ông nói: 'Không bùn thì không sen'.

Tôi lớn lên ở nhiều nước nhưng chủ yếu là ở châu Âu. Cảm nhận về mối liên hệ với đất nước của ông bà, tổ tiên là có, nhưng nó bị hạn chế bởi tôi đã không được học tiếng Việt từ nhỏ và mẹ tôi cũng không nói được.

Khi còn nhỏ, chúng tôi có một bàn thờ tổ tiên trong nhà, nhưng nó không có nhiều ý nghĩa đối với tôi. Sau khi thăm Làng Mai và nghe Sư Ông giảng dạy về tầm quan trọng của cả dòng sinh học và tâm linh, việc thờ cúng tổ tiên với tôi trở nên rất có ý nghĩa.

Hiện, tôi có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Mỗi sáng tôi đều dâng hương, hoa quả tươi và uống trà.

Thông qua Sư Ông, nhiều người Việt thấy tự hào về nguồn cội

Chú tôi là Hà Văn Lâu, cựu Đại sứ Việt Nam tại Pháp. Khi công tác tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, chú thường đến thăm gia đình tôi. Vào thời điểm đó, chúng tôi sống trong một cộng đồng chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ, và chú Lâu thường khuyến khích chúng tôi tạo ra một cái gì đó tương tự để hỗ trợ trẻ em khuyết tật ở Việt Nam.

 Giáo sư Hà Vĩnh Thọ trong cuộc gặp gỡ thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 1991 tại Paris, Pháp. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Giáo sư Hà Vĩnh Thọ trong cuộc gặp gỡ thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 1991 tại Paris, Pháp. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Năm 1982, tôi có cơ hội về Việt Nam cùng bố và gặp một số thành viên trong gia đình, trong đó có một người chú là nhà điêu khắc Phật giáo nổi tiếng. Con trai của ông là một họa sĩ. Cả hai cha con đều là học trò của thiền sư Thích Nhất Hạnh từ những năm 1960.

Họ hỏi tôi rằng liệu tôi có cơ hội gặp được thầy, hiện sống ở Pháp hay không. Khi đó tôi rất xấu hổ phải thừa nhận rằng mình chưa bao giờ nghe nói về ông ấy. Những ngày đó, Sư Ông chưa được biết đến nhiều ở châu Âu.

Khi tôi trở về châu Âu, tôi viết thư cho Sư Ông để xin đến thăm. Đệ tử thân cận của Sư Ông là sư cô Chân Không đã viết lại một lá thư thân tình mời chúng tôi đến thăm trung tâm Làng Mai mới mở ở tây nam nước Pháp. Cô cũng đã gửi một bản sao cuốn sách “Điều kỳ diệu của chánh niệm” phiên bản tiếng Anh được xuất bản tại Việt Nam.

Tôi đọc cuốn sách với sự thích thú vô cùng. Nhưng với lý do nào đó, phải mất vài năm trước khi vợ tôi - Lisi - và tôi thực sự đến Làng Mai lần đầu tiên vào cuối những năm 1980.

Khi đến nơi, chúng tôi ngay lập tức được mời uống trà với Sư Ông và Sư cô Chân Không. Lúc đó chúng tôi nghĩ rằng những người mới đến được mời đến ẩn thất của Sư Ông là điều bình thường. Thật ra, Sư Ông có quen biết với nhiều người thân của tôi, vì gia đình tôi cũng quê ở Huế.

Chú tôi, anh họ tôi từng là học trò thân thiết của ông và đã vẽ minh họa cho một số cuốn sách của ông. Hơn nữa, Lisi cũng có một người anh họ người Thụy Sĩ mà thầy đã gặp vào những năm 1960 ở Mỹ, vì anh ấy thuộc lứa người phương Tây đầu tiên xuất gia làm thiền sư trong Thiền viện San Francisco do Suzuki Roshi thành lập.

Vì vậy, đặt chân đến Làng Mai lần đầu tiên cảm giác như tới nơi đoàn tụ gia đình.

Vượt lên trên bình diện cá nhân, lần đầu tiên nghe Sư Ông thuyết pháp, tôi vô cùng xúc động. Thực tế đã hơn một lần tôi thấy mình khóc khi nghe giảng. Không phải vì tôi buồn, mà vì nó đã chạm vào trái tim tôi. Tôi biết rằng cho đến lúc đó, sự hiểu biết của tôi về "từ bi" còn khá nông cạn, rất lý thuyết.

Khi ở với Sư Ông, tôi đã có một kinh nghiệm trực tiếp về lòng từ bi. Thầy có thể diễn đạt nó một cách rất đơn giản mà không làm mất đi sự thâm thúy. Tôi biết tôi đã gặp người thầy của mình. Kể từ đó, chúng tôi thường xuyên tu học tại Làng Mai. Cùng với vợ và các con của mình, tôi đã có cơ hội xây dựng mối liên hệ rất gần gũi với Sư Ông. Đối với tôi, đó là cơ hội tuyệt vời để kết nối lại với cội nguồn Việt Nam của mình.

Chúng tôi là một trong số vài số đệ tử đầu tiên của Sư Ông có cơ hội trở lại Việt Nam vào thời điểm có ít người nước ngoài ghé đến. Thầy háo hức đón nhận những tin tức, hình ảnh tươi mới từ quê hương và đặc biệt là từ Huế, ngôi chùa Từ Hiếu và đông đảo đệ tử, thân hữu. Khi trở lại châu Âu, chúng tôi đã tặng Sư Ông một cuốn sách với nhiều hình ảnh mà chúng tôi đã chụp ở những nơi ông biết.

Trong các bài Pháp thoại của mình, Sư Ông thường trích dẫn nhiều câu chuyện dân gian truyền thống của Việt Nam, từ Truyện Kiều, từ nhân vật trong lịch sử Việt Nam như vua Trần Nhân Tông xuất gia và các vị đại sư Việt Nam như thiền sư Tăng Hội. Vì vậy, bên cạnh việc tìm hiểu về Phật pháp, học trò của ông còn được học rất nhiều về văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Sư Ông khuyến khích chúng tôi phát triển các dự án giáo dục tại Việt Nam, trước tiên dành cho trẻ em khuyết tật và sau đó là rộng rãi hơn nữa. Đó là cách mà vợ chồng tôi, với sự giúp đỡ của một số người bạn là nhà giáo dục đã thành lập Quỹ Eurasia. Hai người đã hỗ trợ chúng tôi ngay từ đầu là Đại sứ Hà Văn Lâu và Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Nhìn lại những năm tháng được ở bên Sư Ông và nhận được những lời dạy của thầy, lòng tôi tràn ngập lòng biết ơn. Thầy không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì từ chúng tôi, không bao giờ mong đợi bất cứ điều gì, để chúng tôi hoàn toàn tự do, nhưng thầy luôn ở đó vì chúng tôi.

Bản thân Sư Ông là hiện thân sống động của những lời dạy của chính thầy.

Sư Ông đã chia sẻ với thế giới nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam, và thông qua ông, nhiều người Việt Nam cảm thấy tự hào về cội nguồn của mình. Họ có thể chia sẻ với con cháu rằng họ luôn nhớ về cội nguồn tổ tiên ngay cả khi sống ở nước ngoài. Sự ngưỡng mộ đối với vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa và tâm linh Việt Nam trong các môn đồ nước ngoài của ông vì thế trở nên rất sâu sắc.

Tôi có cơ hội gặp thầy khá thường xuyên ở nhiều nơi khác nhau nhưng thầy luôn như vậy. Vị thiền sư không cư xử khác khi gặp cá nhân nổi tiếng, quan trọng hoặc với người bình thường giản dị. Thầy đặc biệt thích có trẻ con xung quanh và khi thiền hành, thầy thường nắm tay các em nhỏ. Thầy dành cho mọi người sự quan tâm đầy từ bi và đầy đủ như nhau.

“Từ Hiếu ở ngay đây, ngay bây giờ”

Tôi muốn chia sẻ hai kỷ niệm cá nhân để cho thấy Sư Ông đã dạy chúng tôi như thế nào bên cạnh những bài pháp thoại và buổi thiền chính thức.

Năm 1998 ở Thụy Sĩ, tôi đi dạo với Sư Ông sau khi trở về từ Việt Nam. Tôi kể về chuyến viếng thăm Tổ đình Từ Hiếu. Thầy vẫn chưa trở lại đó và tôi chắc rằng thầy sẽ rất vui khi biết tin về ngôi chùa. Thực tế đúng là như vậy. Nhưng tôi đoán là mình đã hơi quá phấn khích, và tôi không thực sự để ý đến vị trí của mình. Vì vậy, có lúc Sư Ông đã ngăn tôi lại, bắt tôi đứng im, mỉm cười và chỉ tay xuống đất dưới chân tôi, ông nói: “Từ Hiếu ở ngay đây, ngay bây giờ”, rồi chúng tôi tiếp tục bước đi.

Tất nhiên thầy cũng biết đau khổ và từng chia sẻ mình rất buồn khi phải xa quê, nhưng thầy đã dùng đau khổ để phát triển lòng nhân ái. Sư Ông nói: "Không bùn thì không sen".

 GS Hà Vĩnh Thọ thiền hành (thiền trong lúc đi bộ) cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 1998. Ảnh chụp thời điểm người đệ tử kể cho Sư Ông nghe về chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Tác giả cung cấp.

GS Hà Vĩnh Thọ thiền hành (thiền trong lúc đi bộ) cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh vào năm 1998. Ảnh chụp thời điểm người đệ tử kể cho Sư Ông nghe về chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Một lần khác, trong lúc ăn tối với Sư Ông và sư cô Chân Không, tôi chia sẻ về các dự án giáo dục của mình đang thực hiện ở Việt Nam. Tôi rất nhiệt tình và có lẽ không để tâm lắm đến những gì tôi đang ăn. Sư Ông lại cười, làm động tác đưa tay ngăn tôi lại và hỏi: “Đang ăn 'dự án' hay đang ăn cơm vậy?”.

Tôi cảm thấy hơi xấu hổ, nhưng tôi cũng rất biết ơn khi được nhắc nhở về việc sống thực sự trong giây phút hiện tại. Là một thiền sư chân chính, thầy luôn quan tâm giúp đỡ chúng tôi thực hành chánh niệm trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời, song thầy làm điều đó rất nhẹ nhàng, hài hước và từ bi.

Tôi cũng rất ấn tượng về cách Sư Ông là một “đại sứ” tuyệt vời cho Việt Nam. Đối với nhiều người trên thế giới, cái tên Thích Nhất Hạnh là đại diện cho văn hóa Việt Nam. Từ "Thay" (thầy) mà họ dùng để gọi Sư Ông cũng đã trở thành một từ được nhiều người sử dụng trên khắp thế giới.

Khi tôi chuyển đến Bhutan để công tác tại Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia, tôi muốn mời Sư Ông đến thăm đất nước này. Tôi đã chia sẻ ý định này với Thủ tướng Bhutan Jigmi Y Thinley, người đã rất ủng hộ và muốn nó trở thành một chuyến thăm cấp quốc gia.

Tôi cũng có cơ hội được dâng cuốn sách "Nghệ thuật quyền năng" có chữ ký của thầy cho Đệ tứ Quốc vương Bhutan. Quốc vương nói với tôi rằng ông đã đọc cuốn sách "Đường xưa mây trắng" nhiều lần, thậm chí thuộc lòng và ông rất quý trọng thầy.

Rất tiếc, chuyến thăm của thầy đến Bhutan không bao giờ xảy ra. Đầu tiên chúng tôi phải hoãn lại vì cuộc bầu cử quốc gia, sau đó khi có thể từ phía Bhutan, sức khỏe của thầy không cho phép nữa.

Tuy nhiên, những lời dạy và thực hành của thầy đã có ảnh hưởng lớn đến cách chúng tôi thực hiện các chương trình Tổng Hạnh phúc Quốc gia (chỉ số GNH) và chánh niệm là một phần cốt lõi trong tất cả chương trình của chúng tôi. Vì vậy, theo một cách nào đó, mặc dù thầy không đến Bhutan trong cơ thể vật lý của mình, pháp thân của thầy đã ở đó và vẫn ở đó, bởi vì phần lớn cách chúng ta truyền thụ GNH có liên hệ sâu sắc với giáo lý của thầy.

Khi nghe tin Sư Ông qua đời, nói thẳng ra là tôi không buồn. Tôi cảm thấy biết ơn và kính yêu sâu sắc. Tôi biết rằng thật là may mắn khi được gặp một Sư Ông vĩ đại như vậy trong cuộc đời mình. Tôi không cảm thấy Sư Ông đã ra đi, thầy sống trong lời dạy của thầy, trong rất nhiều đệ tử của thầy, thầy đã có tác động to lớn đến hành tinh này, thầy đã mang lại rất nhiều trí tuệ, lòng từ bi và ý thức về các giá trị đạo đức cho rất nhiều người trên toàn thế giới.

Anh linh của thầy đang hiện hữu hơn bao giờ hết, và chúng ta có thể tự hào vì đã sản sinh ra một người con ưu tú đã góp phần làm rạng rỡ khí phách Việt Nam mười phương.

Giáo sư Hà Vĩnh Thọ có cha là người Việt Nam và mẹ là người Pháp. Ông từng làm việc cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) tại các vùng chiến sự ở khắp châu Á, Trung Đông, châu Phi trước khi trở thành Giám đốc Chương trình của Trung tâm Tổng mức Hạnh phúc Quốc gia ở Bhutan.

Ông cũng là người sáng lập Eurasia - Hiệp Hội Phát triển Giáo Dục Chữa Lành tại Việt Nam hoạt động hơn 20 năm để chăm sóc cho trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật.

Tại Việt Nam, ông đã xuất bản cuốn sách Hạnh phúc là con đường vào năm 2021 (Nhã Nam ấn hành). Cuốn sách giải thích về khái niệm chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) thông qua câu chuyện của vương quốc Bhutan.

Trên con đường tìm hiểu về thiền, GS Hà Vĩnh Thọ ấn tượng sâu sắc với những lần gặp gỡ thiền sư Thích Nhất Hạnh. Thông qua thiền sư, GS Thọ và rất nhiều người Việt lớn lên ở nước ngoài khác tìm được sự liên kết với cội nguồn văn hóa tâm linh Việt Nam.

GS Hà Vĩnh Thọ từ Palézieux, Thụy Sĩ

Ngọc Tân biên dịch

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-uc-ve-su-ong-lang-mai-thich-nhat-hanh-post1292617.html