Ký ức về Tết quê nội

Phần đầu của chương 'Tết quê nội, Tết quê ngoại' của nhà văn Xuân Phượng, in trong 'Sách Tết Quý Mão 2023'.

Những năm 40 của thế kỷ 20.

Trong cái rét căm căm của những tháng cuối năm ở Đà Lạt, năm chị em chúng tôi luôn thập thò vào căn phòng của mấy bác thợ may được mẹ tội mời đến. Năm chị em chỉ một kiểu áo cánh, quần dài vải màu nâu nhạt. Kèm theo mỗi người một cái áo dài lụa màu vàng cho hai em trai, màu xanh cho ba chị em gái.

Lo cơm rượu, nơi ngủ cho bốn bác thợ may đến tận nhà trong những ngày giáp Tết vẫn là việc hầu như năm nào, trước khi về ăn tết ở Phan Rí, mẹ tôi vẫn phải thu xếp chu đáo.

Ông nội tôi, một vị quan triều đình Huế đã về hưu, là tiên chỉ của làng Liêm Công, thuộc phủ Hòa Đa, tỉnh Phan Rí. Ông rất ghét bọn “mắt xanh mũi lõ” Pháp, nên không cho phép chúng tôi về quê nội với những bộ quần áo hàng ngày ở trường Đà Lạt.

Khoảng hăm sáu Tết.

Súng sính trong những bộ quần áo mới tinh, năm chị em được ba tôi lùa lên chiếc xe ô tô Renault màu đen độc nhất lúc bấy giờ ở thành phố.

Khỏi phải nói là chúng tôi háo hức về chuyến đi từ Đà Lạt về Phan Rí quê nội này như thế nào.

Xe dừng lại một quán ven đường, gần huyện Đức Trọng. Bác chủ quán tỏ vẻ e ngại: “Nên nghỉ tối ở đây, sáng mai hãy đi. Dạo này voi rừng về phá dữ lắm”. Ba tôi chỉ cười mỉm, cảm ơn, rồi lùa chúng tôi lên xe.

Trời sập tối rất nhanh. Đang ngủ gà ngủ gật, bỗng có tiếng thét của mẹ tôi: “Voi về”.

Tuy đã gần tám mươi năm, vẫn còn trong trí nhớ hình ảnh một khối đen xám xịt khổng lồ sầm sập lao tới.

Ba tôi đóng vội các cửa xe, tắt máy và hét to: “Ngồi im”. Một phát đập mạnh. Chiếc xe chao đảo. Những tiếng rống kinh hoàng. Lại tiếng đập vào xe. Rung lắc dữ dội. Tiếng mẹ tôi thầm thì: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”.

Em Nhạn tôi, ba tuổi, khóc ré lên. Tôi bịt mồm, ôm chặt em. Tiếng gầm thét, vang vang, cuồng loạn. Mồ hôi túa ra, ướt đẫm quần áo. Toàn là một màu xám rùng rợn, xen lấn, chà đạp vào nhau. Những thân cây đổ rào rào xung quanh chiếc xe. Kinh hoàng đến nỗi tám mươi năm sau vẫn không quên.

Bỗng chiếc xe bớt chao đảo. Trong ánh sáng nhọ nhem của rừng sâu Đức Trọng, cái mảng xám khổng lồ tản dần. Tiếng nghẹn ngào niệm Phật lẫn tiếng nức nở của mẹ tôi. Đàn voi rừng đã bỏ đi.

Ba tôi rồ máy. Chúng tôi rời khỏi khu rừng trong đêm tối mù mịt…

Những ngày sau, gia đình của năm chú và bốn cô ruột của chúng tôi cũng đã từ Phan Thiết, Quy Nhơn, Nha Trang trở về tụ tập đông đủ. Cả tòa ngang dãy dọc mênh mông của gia tộc Nguyễn Xuân, vốn vắng lặng ngày thường, nay đã sáng đèn và rộn rịp tiếng cười nói.

Sáng ba mươi.

Tiếng lanh canh rộn rã ở trước cổng làm tôi tỉnh ngủ. Một cây tre gộc cao vút, ngọn phất phơ một túm lá còn xanh, đang đung đưa theo gió với những chiếc khánh bằng sành kèm mấy dải lụa xanh đỏ vàng. Ba quay lại nói với mẹ: “Mình không năm nào kịp về dự lễ dựng nêu. Biết làm sao được”.

Bác Cửu, người hầu tin cẩn của ông nội tôi, áo dài đen, khăn đóng, bước ra trước sân, dóng lên một hồi trống chầu.

Áo dài vàng, áo dài xanh, giày dép mới, cổ đeo khánh bạc, năm chúng tôi cùng vài chục anh chị em họ, từ ba tuổi đến mười bốn tuổi, từ từ xếp hàng trước cái sân gạch. Bà Tư, bà lão bộc ở với ông bà tôi từ mấy chục năm nay, lưng còng, đôi mắt kèm nhèm, đã đứng sẵn, tay cầm một xấp lụa màu đỏ. Bà gập đôi người, ghé sát tai chúng tôi, phì phò: “Tụi bay phải lau mấy chậu lan thật sạch nghe chưa? Đứa nào làm gãy lá, gãy mầm, hãy coi chừng”.

Nghe mẹ chúng tôi thì thào: “Đúng là Ma Hời giữ của”; còn bác Cửu rỉ tai: “Mụ khọm này có bùa ngải Chàm. Lôi thôi mụ ấy thư cho thì sẽ hóa điên đó”.

Chúng tôi rụt cổ, run run nhận vuông vải điều. Và rồng rắn đến trước dãy những chậu địa lan xếp suốt chiều dài chiếc sân. Lau lá, vun đất, nhổ cỏ. Đến trưa, sau khi bà Tư gườm gườm xem xét từng chậu một, cả lũ được tha, trả về với ba mẹ.

Đêm giao thừa, cả làng rộn tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng pháo. Nhưng chúng tôi bị cấm, không cho ra khỏi nhà, nên chỉ lơ mơ một chặp rồi ngủ thiếp đi.

Mùng một.

Một loạt tiếng pháo đùng chí chát nổ làm chúng tôi choàng thức dậy. Khói pháo chưa tan, các gia đình đã dắt con cái ra đứng chật sân. Hai cánh cửa sơn son thếp vàng, chính giữa chạm hình con hổ vờn mây của ngôi nhà chính, đã mở rộng.

Ông nội tôi mặc triều phục, mũ cánh chuồn, ngồi oai nghiêm nhìn xuống sân. Sau một tiếng trống, Bác Cửu hô: “Bái”. Mấy chục đứa bé quỳ mọp xuống, đầu chạm đất. Đầu tôi đụng phải cái mông của em họ tôi, thằng Tiến, đang cúi lạy ngay sát phía trước tôi. Nó ré lên: “Nhột, nhột”. Chú Bảy tôi vội chạy tới, bịt miệng nó không kịp.

Sau ba tiếng trống, ba lần lạy, tất cả lố nhố nhỏm lên. Ông nội tôi đứng dậy, vung tay. Một loạt đồng tiền điếu bay xuống sân. Bất kể tà áo dài vướng víu, tôi chen thật lực để nhặt một đồng tiền đang kẹt giữa hai mạch của một viên gạch. Em Nhạn tôi, mới lên ba, không chen nổi, thút thít khóc. Mẹ tôi vội vàng đến dúi cho một đồng tiền, nói vào tai em: “Khóc ngày Tết, coi chừng bà Tư”. Nhạn nín bặt.

Sau đó, ba mẹ tôi và chín chú thím, mỗi đôi quỳ lạy chúc Tết ông bà nội và đốt pháo mừng. Thêm dịp để chúng tôi lao ra tìm pháo lẻ, pháo xịt, náo loạn cả sân.

Trưa mùng một Tết, tất cả bọn con trai được lên nhà trên ăn cỗ với người lớn. Mẹ tôi, các thím và lũ nhóc gái chúng tôi ăn ở nhà dưới.

Thắp nhang, cúng lạy tổ tiên ông bà ở gian thờ giữa lộng lẫy sơn son thếp vàng cũng chỉ bọn con trai được phép đi cùng ba mình. Mẹ tôi, các thím và bọn con gái chúng tôi không được phép bước vào gian thờ chính.

Vừa tắt nắng, chúng tôi được cho ra làng chơi. Như chim sổ lồng, chúng tôi ào ra chợ, mấy đồng tiền kẽm xâu toòng teng ở dải rút quần. Chúng tôi sà vào các trò chơi có thưởng: Tôm, Cua, Rùa, Ếch, ném vòng, bịt mắt bắt dê, hô bài chòi, đánh lô tô…

Hai em gái tôi, lên ba và sáu tuổi cũng đòi chơi. Yến đưa hai đồng tiền, Nhạn nhứ nhứ một đồng và nhờ chị Phượng đánh dùm. Tôi giao hẹn: “Thua, tụi bay không bắt đền đó”. Hên quá, không thua, và mỗi đứa hí hửng xâu thêm mấy đồng tiền vào dải rút quần.

Cả ngày mùng hai Tết, chúng tôi được dắt đến nhà bà cô, người cao tuổi nhất trong làng. Ba tôi vừa bước vào, chó Phan Rí rất dữ, cứ thế lao ra sủa, nhe răng trắng ởn. Nhà bà ở trên một đồi cát, gió táp rát mặt.

Ba mẹ tôi bắt chúng tôi quỳ xuống lạy. Bà rút từ từ ra mấy bao giấy đỏ, lẩm bẩm câu gì, đập đập vào đầu mấy đứa, rồi phát cho chúng tôi. Lại lạy, rồi nhanh chóng rút lui. Mẹ tôi giảng: “Bà cô các con đấy”. Hết cả hồn.

Tối về, mấy chị em hí hửng khoe tiền mừng tuổi. Nhớ mãi em Phát, không hiểu chạy đi đâu không có mặt để các cô chú mừng tuổi nên thiếu ba đồng so với “kho tiền” của bốn chúng tôi. Thế là chú ta lăn đùng ra, hai chân đạp tứ phía, rống to: “Bắt đền đây. Bắt đền đây”.

Lại mẹ tôi phải vào cuộc, dúi cho em tôi ba đồng tiền kẽm. Như có phép lạ, cái máy gào khóc câm bặt. Mấy chị em lại dắt nhau, cầm đèn dầu, chạy ra làng rong chơi cùng mấy đứa bạn mới quen đang đứng chờ trước cổng.

Ngày mùng năm Tết.

Ba tôi phải về làm việc. Lại chen chúc nhau lên xe về Đà Lạt. Đứng trước những căn nhà lụp xụp nép mình sau những đồi cát, những bạn bè mới của chúng tôi đưa mắt nhìn theo. Có đứa vẫy tay chào. Trong xe phảng phất mùi cá kho. Bà Tư, làu bàu suốt ngày, đã không quên gửi mấy tỉn nước mắm nhỉ, một nồi to tướng cá nục kho, một bọc me xanh, cho chúng tôi tiếp tục Tết ở Đà Lạt.

Cùng với bác Giáo, cả ba tôi đến chú Bảy chú Chín đều được bà nuôi nấng từ bé. Chúng tôi ai cũng gọi bà bằng bà Tư, kính cẩn và sợ không khác gì bà nội mình. Khi bà mất, mộ bà chôn trong nghĩa trang gia tộc, quanh năm có người chăm lo hương khói.

Vài năm sau, việc ông nội tôi từ giã cõi trần cũng gây xôn xao cả vùng Phan Rí, Phan Thiết.

Ba tôi nhận được một dây thép (bức điện) báo phải cho cả nhà về Phan Rí ngay. Ba ngày sau, khi chúng tôi định lên lạy ông, thì ba tôi nói, giọng rất nghiêm: “Ông nội đang mệt, không được ồn ào”. Cả khối nhà rộng mênh mông với mấy chục đứa con nít, im bặt tiếng cười.

Cho đến một ngày, chúng tôi được lệnh tụ họp sau một hồi trống chầu. Cánh cửa sơn son thếp vàng rộng mở. Một tấm phản lớn được bày trước hiên, phía trên các bậc tam cấp. Cũng theo nhịp trống, hai bác Giáo và các anh họ tôi lên vái lạy ông tôi. Rồi đến lượt gia đình chúng tôi. Sau đó là gia đình các cô các chú.

Ông nội tôi vận bộ triều phục thêu, râu ba chòm dài, bạc phơ, ngồi tựa vào bộ gối xếp bốn tầng bằng gấm màu đỏ, đăm đăm nhìn phía trước. Tôi quỳ lạy mà vẫn nghe tiếng thở khò khè. Bà Tư lọm khọm bưng lên một tô cháo. Ông tôi ăn vài thìa, phất tay ra lệnh dọn ngay. Rồi tiếng ông vang lên, đứt quãng: “Thôi, ông đi đây”.

Bác Cửu chạy đến, đỡ ông nằm dài trên chiếc phản. Chúng tôi nghe tiếng thở khò khè, khò khè, rồi yếu dần, yếu dần. Chung quanh lặng phắt.

Bác Cửu vừa khóc vừa cầm một tờ giấy trắng đặt lên mũi ông. Bác Cả tôi lết đến, vừa lạy vừa đặt một nắm bông trên mặt ông. Rồi cả tòa nhà vang lên tiếng khóc, tiếng trống, tiếng phèn la, tiếng người… Bác Cửu chạy ra trước cổng, hô to: “Ông đi rồi”. Tiếng người rầm rập chạy vào, người lạy, người đốt nhang, đốt đèn bạch lạp, náo động cả xóm.

Ông nội là quan triều đình và tiên chỉ của làng, nên đám tang ông nội tôi kéo dài bảy ngày liền. Việc ông biết trước ngày mất, đánh dây thép gọi cả gia đình về là điều dân làng bàn tán nhiều nhất.

Tôi không nhớ đã thấy ông nội mình cười lần nào chưa. Chỉ nhớ hình ảnh một chòm râu dài trắng như bông, đôi mắt nghiêm nghị và một giọng nói rổn rảng. Có những buổi tối, ông gọi ba tôi, hai em trai và tôi vào phòng khách. Ba chị em nem nép ngồi trên chiếc ghế dài. Ba tôi đứng hầu cạnh ông. Sau khi nâng một chén rượu, ông bắt đầu đọc thơ Đường. Chúng tôi ngồi nghe, lúc đầu còn gắng mở to mắt. Sau đó, đứa nào cũng ngủ gà ngủ gật. Mẹ tôi phải đến lay dậy và dắt về phòng ngủ.

Có lần ông gọi cả ba đứa ra sân, nhìn lên trời. “Các cháu có biết trăng mùng tám gọi là trăng gì không?” Ông lắc đầu: “Ba tụi bay theo Tây học, hỏng quá rồi”. Ngước mắt nhìn lên, chòm râu bạc rung rung, giọng ông sang sảng: “Móng vàng… ai bấm… trời tây…”.

Hơn tám mươi năm đã qua. Tôi không quên câu thơ đêm ấy ở Đà Lạt. Cũng như trên hàng chục năm xa quê hương, ở giữa rừng Việt Bắc, bỗng:

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du…

(Hạc vàng một khi bay đi là không trở lại

Mây trắng nghìn năm vẫn phiêu phiêu)

Hay có những đêm sống giữa rừng già, đã nhói lòng với:

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương…

(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ quê nhà)

Những câu thơ Đường được nghe từ tuổi mười bốn mười lăm đã thấm sâu vào lòng lúc nào không hay. Thích và mê văn thơ, có lẽ bắt đầu từ thuở ấy.

Nghĩ lại, thật biết ơn ông.

Xuân Phượng / NXB Văn học & Đông A

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-uc-ve-tet-que-noi-post1395186.html