Ký ức về thế hệ học sinh gác bút nghiên ra trận và những lá đơn viết bằng máu

Thời điểm chiến tranh ác liệt, hàng trăm học sinh Trường THPT Vĩnh Linh (Quảng Trị) học tập ở Nghệ An, đã viết đơn tình nguyện vào chiến trường.

Học sinh Trường THPT Vĩnh Linh tham quan và tìm hiểu lịch sử nhà trường.

Học sinh Trường THPT Vĩnh Linh tham quan và tìm hiểu lịch sử nhà trường.

Ngôi trường anh hùng trên “đất lửa”

Trong ký ức của thầy Nguyễn Thanh Lãm, cựu học sinh và sau này là giáo viên Trường THPT Vĩnh Linh (Quảng Trị) chưa quên những kỷ niệm một thời thầy và trò cùng “đồng cam cộng khổ” vượt qua khó khăn.

Trường cấp 3 Vĩnh Linh (nay là Trường THPT Vĩnh Linh) được xây dựng từ năm 1959. Đến nay, trường đã có lịch sử hình thành 66 năm. Thầy Nguyễn Thanh Lãm thuộc thế hệ học sinh khóa đầu tiên của trường. Thầy nói rằng, đây là giai đoạn nửa hòa bình, nửa chiến tranh.

 Thầy Nguyễn Thanh Lãm xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm năm xưa.

Thầy Nguyễn Thanh Lãm xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm năm xưa.

Thầy Lãm nhớ lại, năm 1965, khu vực Vĩnh Linh bị bom đạn đánh phá ác liệt. Trường cấp 3 Vĩnh Linh trở thành trọng điểm bắn phá và bị đánh sập. Lúc này, thầy Lãm đang học lớp 9 (hệ 10 năm). Trong trận ấy, thầy giáo dạy môn Văn là Lê Duy Minh và 7 học sinh mất do trúng bom.

Sau đó, trường phải chia ra nhiều phân hiệu để tránh tổn thất. Đây là giai đoạn đầy cam go, không có trường, lớp học được bố trí dưới giao thông hào. Thầy và trò phải thắp đèn để học vào ban đêm.

“Dù khó khăn gian khổ như vậy, nhưng chưa khi nào việc dạy và học bị gián đoạn”, thầy Lãm bồi hồi.

Năm 1967, các cơ sở của trường tiếp tục bị đánh phá, việc học dưới hầm hào không còn an toàn. Trong bối cảnh đó, Trường cấp 3 Vĩnh Linh cùng các cơ sở giáo dục khác được lệnh sơ tán ra Tân Kỳ, Nghệ An để tiếp tục dạy học.

Năm 1969, khi hoàn thành chương trình đại học, thầy Lãm cũng trở về Tân Kỳ dạy học cho các học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh đang sơ tán tại đây.

Thầy Lãm không thể quên những năm tháng thầy và trò tự cung, tự cấp, vừa xây dựng lán học tập, vừa lo chỗ ở và cái ăn cho học trò. Dù vậy, thầy và trò luôn nhận được sự yêu thương, đùm bọc của người dân ở Tân Kỳ.

Xa quê hương, gia đình, thầy vừa dạy chữ, vừa được xem như cha, mẹ của các học sinh. Các em học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn, phải tự lên rừng chặt cây dựng lán, đào củ mài, rồi tự tay trồng sắn, trồng rau. Thậm chí, có những lúc thầy phải nhường bớt khẩu phần ăn cho các em học sinh.

 Các thế hệ học sinh Trường THPT Vĩnh Linh luôn tự hào về truyền thống nhà trường.

Các thế hệ học sinh Trường THPT Vĩnh Linh luôn tự hào về truyền thống nhà trường.

Theo thầy Nguyễn Thanh Lãm, những năm này số lượng học sinh rất đông. Khóa 1969-1972 có 35 lớp, 2 lớp đặc biệt là chuyên Toán và chuyên Văn.

Lúc đông, số lượng học sinh một lớp có thể lên tới 48-50 em. Lớp học không được bố trí tập trung mà phân tán nhiều nơi, nửa chìm dưới đất, nửa nổi để tránh bom đạn.

Những lá đơn được viết bằng máu

Hiện ở Nhà truyền thống của Trường THPT Vĩnh Linh lưu giữ những lá đơn tình nguyện nhập ngũ vào Nam chiến đấu của học sinh.

Năm 1972, bước vào thời điểm ác liệt, chuẩn bị chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị. Theo tiếng gọi của quê hương, hàng trăm học sinh Trường cấp 3 Vĩnh Linh đủ tuổi nghĩa vụ quân sự, đang sơ tán học tập tại Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, không kể nam hay nữ, đều hăng hái viết đơn tình nguyện trở về chiến đấu, bảo vệ quê hương.

 Những lá đơn tình nguyện nhập ngũ còn lưu giữ tại Phòng truyền thống Trường THPT Vĩnh Linh.

Những lá đơn tình nguyện nhập ngũ còn lưu giữ tại Phòng truyền thống Trường THPT Vĩnh Linh.

Nhiều học sinh viết đơn rất nhiều lần nhưng không được lựa chọn. Thậm chí, có người viết đơn bằng máu, nhưng chỉ có 181 học sinh được chọn vào chiến trường.

Thầy Nguyễn Thanh Lãm cho biết, các học sinh đều bày tỏ tâm nguyện được trở về quê hương phục vụ chiến đấu. Nhưng trong danh sách chỉ có 181 học sinh được duyệt.

“Những học sinh viết đơn tình nguyện nhiều lần, hay viết đơn bằng máu nhưng không được chọn là con một hoặc gia đình đã có nhiều người hy sinh. Nhưng tinh thần hăng hái của các em chứng tỏ lòng yêu nước đã trở thành máu thịt”, thầy Lãm bùi ngùi.

Trong số những học sinh nhập ngũ năm ấy, ông Lê Đức Trị (trú ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) nhớ lại, cuối tháng 3/1972, khi tiếng súng mở màn chiến dịch Quảng Trị nổ ra. Theo yêu cầu, công tác tuyển quân tại trường cấp 3 Vĩnh Linh được thực hiện. Nhờ trường làm tốt công tác tư tưởng, chỉ sau 15 ngày phát lệnh tuyển quân, đã có 181 học sinh viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được lựa chọn. Trong số này, có rất nhiều đơn viết bằng máu.

 Năm 1972 có số lượng học sinh của trường nhập ngũ đông nhất. (Ảnh tư liệu của nhà trường)

Năm 1972 có số lượng học sinh của trường nhập ngũ đông nhất. (Ảnh tư liệu của nhà trường)

Theo ông Lê Đức Trị, đây là đợt tuyển quân quy mô lớn nhất trong lịch sử của Trường cấp 3 Vĩnh Linh. Hơn 30 lớp học, lớp nào cũng có học sinh tình nguyện nhập ngũ.

Sau quá trình hành quân, có 5 người được bổ sung cho Đoàn Văn công Khu ủy Trị Thiên; 176 chiến sĩ chia thành 2 bộ phận, gồm Ty An ninh giải phóng Quảng Trị 23 người và 153 người giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, để bổ sung cho 2 Tiểu đoàn bộ đội địa phương là K10 Đặc công, K14 bộ binh và Đại đội 18 thông tin.

Ký ức không phai của người thầy từng mặc áo lính

Là một trong những học sinh tiên phong viết đơn tình nguyện nhập ngũ năm 1972, thầy Võ Trực Huệ (SN 1953, trú ở huyện Vĩnh Linh) cũng là giáo viên Trường THPT Vĩnh Linh sau này vẫn chưa quên ký ức năm xưa.

Thầy Võ Trực Huệ kể lại, năm 1967, thầy cùng các học sinh Vĩnh Linh sơ tán ra huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình học tập. Đến tháng 8/1969, thầy và các bạn học vào lại Trường cấp 3 Vĩnh Linh đang sơ tán tại Tân Kỳ, Nghệ An học tập.

 Thầy Võ Trực Huệ kể lại những kỷ niệm sâu sắc khi bản thân cùng 180 học sinh Vĩnh Linh tình nguyện nhập ngũ.

Thầy Võ Trực Huệ kể lại những kỷ niệm sâu sắc khi bản thân cùng 180 học sinh Vĩnh Linh tình nguyện nhập ngũ.

Ba năm sau, thầy Huệ cùng hàng trăm học sinh của trường viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau quá trình huấn luyện ở Tuyên Hóa, Quảng Bình, đoàn hành quân vào Đông Hà, Quảng Trị. Thầy Huệ được biên chế vào Đại đội 18, Trung đội vô tuyến của Tỉnh đội Quảng Trị.

Những năm này chiến tranh diễn ra ác liệt, nhất là chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Những khi máy bay địch bắt được tần số, chúng đánh bom rất dữ dội.

Thầy Huệ không thể quên những lần bị bom đạn đánh trúng, khiến nhiều đồng đội hy sinh. Thậm chí, có người thân thể không còn nguyên vẹn.

Tháng 9/1978, thầy Huệ thi đậu và được cấp trên cho nhập học ở Trường Đại học sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.

5 năm sau, khi hoàn thành chương trình học, thầy Huệ được điều về dạy tại Trường Đại học ngoại ngữ Quân sự. Thầy Huệ dạy tại trường từ năm 1983 đến năm 1987 thì nghỉ chế độ bệnh binh, cấp hàm Thượng úy.

Tháng 9/1992, thầy Huệ được Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Quảng Trị tái tuyển dụng và bố trí dạy học ở Trường THPT Vĩnh Linh. 17 năm sau, thầy Huệ nghỉ hưu theo chế độ.

 Thầy Võ Trực Huệ lật lại từng trang ký ức.

Thầy Võ Trực Huệ lật lại từng trang ký ức.

Trong ký ức của mình, thầy Huệ luôn tự hào về sự phát triển không ngừng của nhà trường. Đặc biệt, thầy tự hào khi mình là học sinh và sau này cũng trở thành giáo viên tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp giáo dục nhà trường.

Trong số 181 học sinh của Trường cấp 3 Vĩnh Linh nhập ngũ năm 1972, phần lớn đã hy sinh, một số đã mất do bệnh tật, tuổi cao, nên hiện còn khoảng 70 người.

"Tôi được sống và trở về trường dạy học là điều rất may mắn. Chúng tôi luôn tri ân và biết ơn những đồng đội đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập hôm nay”, thầy Võ Trực Huệ bày tỏ.

Thầy Nguyễn Hữu Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Linh cho biết, bên cạnh hoạt động chuyên môn, công tác giáo dục truyền thống được nhà trường chú trọng, nhất là với ngôi trường có bề dày lịch sử như THPT Vĩnh Linh. Các thế hệ học sinh và giáo viên Trường THPT Vĩnh Linh đã viết nên những trang sử đầy tự hào.

 Trường THPT Vĩnh Linh luôn chú trọng giáo dục truyền thống cho các em.

Trường THPT Vĩnh Linh luôn chú trọng giáo dục truyền thống cho các em.

Trong thời gian học tại trường, ngoài kiến thức trên lớp, các em được tham quan, học tập tại Phòng Truyền thống để tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của nhà trường. Vào các dịp lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo, thành lập QĐND... trường cũng mời các thầy giáo, cựu chiến binh trò chuyện cùng các em. Từ đó, gây dựng cho các em niềm tự hào, hun đúc niềm tin, ý chí khi được vinh dự học tập và rèn luyện dưới mái trường Vĩnh Linh.

Từ mái trường THPT Vĩnh Linh, có 8 Nhà giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, 5 thầy giáo được truy tặng liệt sĩ, hàng chục thầy cô giáo và cán bộ công chức của trường cũng đã nhận được tặng thưởng Huân chương Lao động, Huân, Huy chương Kháng chiến...

Đăng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-uc-ve-the-he-hoc-sinh-gac-but-nghien-ra-tran-va-nhung-la-don-viet-bang-mau-post729308.html