Ký ức về tuổi thơ
Chiến tranh không thể nào làm mất đi sự ngây thơ mộc mạc của chúng tôi. Chỉ sau này, tôi mới nhận ra rằng, trốn dưới gầm phản, đắp thêm một cái chăn bông mỏng lên trên, chẳng có tác dụng gì khi bị một quả bom ném trúng.
Một buổi tối, khi tôi hơn 6 tuổi. Tiếng còi báo động vang vọng khắp thành phố. Ba tôi gọi mấy anh em chúng tôi dậy. Chân líu ríu, tôi tìm đôi guốc mộc xinh xinh, nhưng Ba không cho mình đi guốc. Ông đưa sáu anh em chúng tôi xuống dưới gầm phản. Cái gầm phản gỗ là chiếc giường duy nhất trong nhà cho cả sáu chúng tôi. Sau khi tất cả chúng tôi chui gọn dưới gầm giường, Ba tôi lấy một cái chăn bông mỏng trải lên trên cái gầm đó để tăng thêm sự an toàn. Đó là lần đầu tiên tôi trú ẩn, khởi đầu cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam vào năm 1964 và những cuộc ném bom dữ dội của Mỹ. Ẩn dưới gầm phản, chúng tôi vừa sợ, vừa thích. Nó giống như một trò chơi trốn tìm của tuổi thơ. Chiến tranh không thể nào làm mất đi sự ngây thơ mộc mạc của chúng tôi. Chỉ sau này, tôi mới nhận ra rằng, trốn dưới gầm phản, đắp thêm một cái chăn bông mỏng lên trên, chẳng có tác dụng gì khi bị một quả bom ném trúng.
Tôi lạc vào cuộc chiến tranh (lúc đó mới 7 tuổi) như thế nào, tôi không biết. Nó giống như một cơn mơ không thực tế, xô đẩy tôi, như thể đôi chân không chạm đất, mắt mở mắt nhắm, chen chúc theo dòng người vào buổi tối trên những chiếc xe tải. Tôi chỉ còn nhớ, ngày đó Mẹ tôi lấy mấy bộ quần áo, buộc túm vào một cái khăn vuông, và đeo lên vai cho tôi. Tôi theo các anh em trai, theo các cô giáo không quen biết, không có Ba, không có Mẹ ở bên. Chúng tôi đi sơ tán vào ban đêm để tránh bom Mỹ. Trời tối đen như mực, và lạnh. Tôi hoảng sợ nằm trong xe tải và không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình.
Chúng tôi thay đổi nơi ở, di chuyển trại liên tục vì tin đồn Trại sơ tán có thể bị ném bom... (Trại sơ tán chúng tôi có lúc ở ngay cạnh trận địa cao xạ pháo bắn máy bay, và khả năng bị ném bom là điều dễ hiểu, nhưng khi còn nhỏ, chúng tôi ngây thơ không biết gì.) Rồi cuối cùng, chúng tôi dừng chân ở Lục Xuân, Bảo Lộc. Bây giờ chúng tôi phải tách ra khỏi anh em ruột, không có Cha, không có Mẹ. Chúng tôi sống theo sự phân chia nhóm, theo độ tuổi, theo lớp học. Cũng từ nơi này, mọi ký ức tuổi thơ đã ấn sâu trong tôi...
Khi chiếc xe tải dừng lại trong đêm, chúng tôi đi theo các cô giáo vào một nơi giống như ngôi chùa. Tại đây, đã có chiếc chiếu cũ, trải sẵn trên một cái nền xi măng, chiếu lên màu xanh bóng. Mấy chục đứa trẻ hối hả leo lên chiếc giường lớn, và mệt mỏi thiếp đi sau một đêm di chuyển. Nơi này là nơi chúng tôi dừng chân một thời gian, trước khi chia lớp theo lứa tuổi. Cho đến tận 50 năm sau, tôi vẫn thổn thức trong giấc mơ, một mình bé nhỏ, chân đất, đứng giữa cánh đồng đầy bùn đất, nước ngập mênh mông và hoang mang đến tột độ, tìm đường về ngôi chùa có cái phản xi măng mát lạnh ấy. Giấc mơ đó lặp đi lặp lại trong cuộc đời tôi hàng chục lần. Và cũng nhiều lần, tôi đã khóc trong mơ khi tìm được về nơi bình yên: cái sàn xi măng Thiên đường.
Nó đúng là Thiên đường với tuổi thơ của chúng tôi. Nó mát lạnh vào mùa hè, và nhẵn thín. Nó là nơi chúng tôi dùng làm sân khấu biểu diễn múa hát, hồn nhiên, thơ ngây. Còn buổi trưa hay buổi tối, nó là nơi ru giấc ngủ bình yên cho lũ trẻ. Cô giáo phân chúng tôi làm 2 nhóm: con trai và con gái. Chúng tôi nằm quay chân lại với nhau. Ở giữa có một cái quạt- cái quạt Thần Thánh. Quạt được làm từ một chiếc chăn chiên cũ màu hồng pha nâu nhạt. Nó được kẹp ngang vào một ống tre, và từ đó thòng xuống một sợi dây đu. Gọi là quạt Thần Thánh, bởi vì chỉ cần thò chân vào cái dây đó, đạp một cái là mát cho cả lũ chúng tôi. Tôi ghét ngủ trưa. Nhiều hôm tôi xung phong đạp quạt cho các bạn ngủ. Mỏi chân nhưng rất sướng. Chả cần phải nhắm mắt, mà thỉnh thoảng còn ngắm những sợi chỉ từ mép cái chăn- quạt bị rách, bay lơ phơ như những cái lông ngỗng.
Ngày phân chia lớp cũng tới. Chúng tôi phải di chuyển, đi qua một cánh đồng, rất xa, (nơi mà tôi hay gặp trong giấc mơ), đến một xóm nhỏ. Các thầy, cô tách chúng tôi thành từng nhóm nhỏ và ở ghép với gia đình chủ nhà. Trái tim non nớt bé nhỏ của tôi vô cùng sợ hãi, bởi nhóm của chúng tôi là nhóm duy nhất không có chủ nhà, cũng không có thầy, cô ở cùng. Sáu đứa trẻ mới 9, 10 tuổi, túm tụm lại với nhau trong những ngày mưa rét, gió quất liên hồi, lùa qua khe liếp che cửa. Cái đèn dầu không đủ dầu để cháy, phụt tắt đi và để lại trong bóng đêm lạnh lẽo, 6 đứa trẻ run rẩy ôm lấy nhau, truyền hơi ấm cho nhau trong mùa đông lạnh buốt. Ngày ấy, tôi cũng mơ hồ, không biết Cha Mẹ mình ở đâu, tại sao tôi phải sống một mình, không Cha, không Mẹ, không anh em ruột thịt thân thích. Khi đó, tôi không còn khái niệm về gia đình, mà tôi chỉ cảm thấy sự bất lực của đứa trẻ trước cuộc sống đầy bão táp, sự mơ hồ về cái chết rất gần, mỗi khi bom nổ rung lắc mặt đất xung quanh tôi...
Thỉnh thoảng tôi ra bụi duối ven đường, chọn những quả chín vàng, cho vào miệng và tận hưởng cái vị ngọt dịu, thơm mát của nó. Đứng ở đó, tôi tưởng tượng ra, mình được ở trong ngôi nhà có ông bà chủ nhà, hoặc có thầy, cô giáo ở gần. Chắc chắn đó là cảm giác rất an toàn, rất hạnh phúc. Cái mơ ước đơn giản không thể có được của một đứa bé xa Cha, xa Mẹ. Bây giờ thì sáu đứa trẻ 9 tuổi đó, chính là một gia đình.
Để có nước dùng hàng ngày, chúng tôi phải thay nhau đi gánh nước. Tôi thấp bé nhất trong nhóm. Cứ hai đứa thì chung nhau khiêng một thùng nước lớn. Thùng có cái đai ở đáy bằng tôn hoặc sắt thật sắc. Tôi hay đi khiêng nước với con bạn thân Thu Hà. Nó cao, tôi thấp. Xỏ cái đòn gánh vào móc xích, tôi đòi đi sau. Cả cái thùng nước chạy ngược về phía sau, nặng trĩu, tôi chịu không nổi. Tôi đòi đổi lên trước. Thế là thùng nước lại trôi tuột về phía trước. Cái đai sắt ở đáy thùng cứa vào gót chân tôi rướm máu, đau buốt...
Ngày khô còn đỡ, ngày mưa mới khổ. Mười đầu ngón chân bé nhỏ của tôi cắm chặt xuống con đường đất sét, bùn trơn tuột, lò dò đi từng bước. Vậy mà nhiều khi gần về tới nhà, lại trượt chân, đổ cả thùng nước, phải đi gánh lại.
Cô chủ nhà chúng tôi tên Núi. Chồng cô là chú Phượng, đâu như làm lái xe trong quân đội. Cô chú lấy nhau đã lâu nhưng không có con. Cô Núi không về căn nhà chúng tôi ở. Cô về nhà mẹ đẻ. Chỉ thỉnh thoảng cô về qua chỗ chúng tôi, tưới nước cho vạt rau trước cửa. Những hôm chú Phượng được về nghỉ phép, cô chú mới về ở căn phòng nhỏ đầu hồi chỗ chúng tôi để ngủ. Cứ ngày nào cô chú về, là tối đó cả lũ 6 đứa chúng tôi rộn ràng. Rộn ràng không phải vì cô chú về vui vầy với bọn tôi. Bởi tối khuya cô chú mới về. Rộn ràng vì chúng tôi phải mất ngủ để đi rình.
Cả 6 đứa giả vờ nhắm mắt nằm ngủ. Những hôm như vậy, cô Núi thường đuổi chúng tôi đi ngủ sớm. Đợi cho cô chú vào phòng riêng được một lúc, chúng tôi rón rén ngồi dậy phân công nhau. Phòng cô chú ngủ có cái cửa liếp. Chúng tôi thò tay tách nhẹ cửa liếp và quan sát. Sau khi quan sát, phải vào kể lại cho 5 đứa kia nghe. Tổng kết lại nhiều lần quan sát, chúng tôi thấy chả có gì hay ho cả. Thường thì chú bóc kẹo cho cô ăn, rồi lại đến cô bóc kẹo cho chú ăn. Ăn rất lâu, và họ thổi tắt đèn dầu đi ngủ. Cũng từ đó, chúng tôi rút ra một kinh nghiệm là: sau khi ăn xong kẹo thì nhất định phải tắt đèn.
Lớp học của chúng tôi nằm trên gò đất cao, dưới rặng vải sum xuê. Những cây vải ở đây rất thấp và thân to. Thỉnh thoảng bọn con trai lớp tôi trèo lên các cây vải, hóng những quả vải xanh trên ngọn. Những hôm trời mưa, chúng tôi chạy ra mót vải rụng. Bây giờ chúng tôi có thể mua hàng cân vải thiều ngọt lịm, nhưng không có quả vải nào ngon bằng vị chua chua của quả vải xanh mà bọn tôi mót được ngày nào.
Thầy Hồ Vân dạy văn cho chúng tôi. Thầy là người có khiếu hài hước và hát rất hay. Mỗi lần tập trung ở nhà thầy để tập kịch, học hát, chúng tôi vui như hội. Có lần thấy thầy chơi tú lơ khơ với các bạn, thầy thua, và phải đeo mấy chiếc dép xỏ qua sợi rơm, tôi cứ lo nơm nớp, sợ thầy bị gãy cổ.
Chúng tôi cũng có mấy cô giáo. Cô nào cũng tết tóc đuôi sam và rất xinh. Hình như các chú bộ đội ở cao xạ pháo, chú nào cũng mê các cô thì phải. Trong mắt tôi thì cô Dậu là người điệu đà nhất. Còn nhớ cô cùng cô Phụng hát bài “Trước ngày hội bắn”, cô đóng giả chú bộ đội, chúng tôi ngưỡng mộ lắm. Mà nhìn chí khí của cô, đúng là chú bộ đội thật. Hồi đó nghe phong phanh, có chú bộ đội pháo binh đóng quân gần đó rất thích cô. Thế là mỗi khi cô đứng ở cửa lớp trước khi vào giờ dạy, chúng tôi lại gào lên hát: "Cô ơi cô, chú cháu yêu cô lắm... "...
Nhiều lắm, nhiều lắm, các thầy cô giáo của chúng tôi. Ai cũng hiền dịu, yêu thương học sinh, và chả bao giờ đánh chúng tôi như cái thời buổi bạo lực học đường ngày nay.
Trong lớp chúng tôi ngày ấy, tôi ghét nhất cậu Vịnh Mèo. Tôi vừa ghét, vừa sợ nó. Thỉnh thoảng cũng nịnh nọt nó, mong nó tha cho mình, nhưng nó đâu có tha. Tôi là đứa chúa sợ lông mèo. Và con bạn thân Thu Hà của tôi thì chúa sợ giun. Không biết cái thằng Vịnh Mèo kia, nó cắt đâu ra một nắm lông mèo, và bới ra mấy con giun đất dài ngoẵng. Nó để mỗi thứ vào một cái mo cau. Nó đứng ngoài ngõ và gọi tôi với Thu Hà ra cho nhờ chút việc. Hai đứa tò tò ra đầu ngõ, nó hất cả mo cau lông mèo và giun vào hai đứa chúng tôi và bỏ chạy. Tôi sợ đến suýt ngất, và buồn nôn, xây xẩm. Tôi ghét nó lắm. Sau này, bạn tôi lại là một người thành công trong sự nghiệp và giữ một vị trí cao trong cơ quan nhà nước, lại làm thơ hay nữa chứ. Cũng chính vì bạn, mà tôi đã tập làm quen với mèo, với chó, và không còn sợ chúng nữa.
Lớp trưởng lớp tôi lúc bấy giờ là Lưu Phương. Phương học rất giỏi, rất thông minh, và viết chữ đẹp. Các Thầy cô thường lấy vở của bạn để làm mẫu cho chúng tôi. Ngày đấy, mấy đứa chúng tôi ghen tị với bạn lắm. Chúng tôi thấy thầy cô nào cũng yêu thương bạn, chăm sóc, khen ngợi bạn, lại còn cho bạn quản lý việc học tập của chúng tôi nữa chứ. Đã thế, chúng tôi về một phe, không chơi với bạn nữa. Ngày đó, tôi biết mẹ bạn đã mất trong trận bom Mỹ dội vào Phòng Giáo Dục. Nhưng trẻ con 9, 10 tuổi đâu có nghĩ được sâu xa. Sau này khi tôi đã lớn lên, hiểu biết, vào cái ngày tôi mất mẹ, và vào ngày đầu tiên tôi được làm mẹ, tôi đã luôn nghĩ về bạn. Tôi đã hiểu được nỗi đau của đứa con mất mẹ. Tôi hiểu được nỗi đau của bạn lớn đến chừng nào. Tôi nợ bạn một lời xin lỗi từ 50 năm trước. Nhất định, một ngày nào đó, tôi gặp lại bạn, tôi sẽ ôm bạn thật chặt: "Phương ơi, Hà yêu Phương nhiều lắm, thương Phương nhiều lắm..."
Ngày đó đến rồi. Chỉ còn 4 tiếng nữa thôi, chúng tôi sẽ gặp nhau. Tất cả chúng tôi, từ lớp lớn đến lớp bé ở trường Nội trú Vân Hồ năm nào, ở cái nôi nền xi măng mát lạnh, đến rặng vải xanh ngắt kia, chúng tôi sẽ về hội tụ bên nhau. Với tôi và các bạn lớp 4A năm đó, giờ đây là tròn 50 năm. Tất cả chúng tôi, mái đầu đã bạc, nhiều cũng hơn 60 tuổi, ít cũng xấp xỉ 60, chúng tôi cùng đem theo bao nhiêu kỷ niệm, về ngôi trường thân yêu, về lớp học dưới hầm chữ A với sự tận tụy yêu thương của các thầy cô giáo. Chúng tôi, những học sinh lớp 4A, còn đem theo bài hát đã xuyên suốt 50 năm cuộc đời:
Đây tiếng hát 4A vang vang
Dưới mái trường tiền tiến Vân Hồ
Đây tiếng hát 4A kết đoàn
Cùng thi đua xem ai lập nhiều công…
Hà Nội đêm không ngủ 26/05/2017 – TH
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ky-uc-ve-tuoi-tho-a20557.html