Kỷ vật của ông
Tháng Bảy, ngoài kia nắng đã vàng lấp lóa đầy sân. Buổi chiều, ông mang chõng tre ra phía sau nhà, cạnh mấy hàng cây sum suê tỏa bóng mát ngồi nghỉ. Bên chén trà vối, mắt ông cứ bâng khuâng, nhìn xa xăm vô định. Không nói ra nhưng tôi biết trong lòng ông đang chất chứa những nỗi buồn sâu kín.
Tháng Bảy năm nào cũng vậy, ông luôn hoài niệm với những ngày xưa cũ, khi còn là một người lính cụ Hồ, chân đi dép cao su và đầu đội mũ tai bèo. Năm tháng tuổi trẻ của ông thật hào hùng và oanh liệt. Nhiều cuộc kháng chiến vào sinh ra tử, ông đã tham gia cùng với đồng đội mình.
Rồi ông lại thẫn thờ, đi ra đi vào mặc cho ánh nắng hắt lên khóe mắt đỏ hoe. Ông lặng lẽ tới bên chiếc hòm cũ, nâng niu từng kỷ vật năm xưa. Đám con cháu đứng cạnh bên, nghe ông thủ thỉ câu chuyện năm nào.
Mắt ông nhòe đục theo từng dòng kỷ niệm. Giọng ông nghèn nghẹn, ông nói ông rất nhớ đồng đội của mình, những người đã cùng ông sát cánh bên nhau, vào sinh ra tử trên chiến trường vì một mục đích duy nhất là hòa bình cho đất nước.
Những đứa cháu của ông thật may mắn biết nhường nào khi được nghe ông kể lại từng chi tiết. Những lời ông kể chậm rãi, tường tận như thước phim hiện hữu trước mắt.
Ông nói rằng nhớ nhất dấu ấn “hè đỏ lửa” và “81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị”. Đó là tháng ngày gian khổ nhất nhưng cũng oanh liệt vô cùng. Những nắm cơm vắt ăn tạm, điều kiện thiếu thốn đủ đường, những thanh niên năm ấy chẳng màng tới bản thân, lòng lúc nào cũng nung nấu với một trái tim nhiệt huyết anh dũng, liều mình đi đánh giặc cứu nước.
Bầu trời như xé ran bởi trận bom rơi và tiếng súng nổ rền vang. Không bởi vì thế mà ông với đồng đội nhụt chí mà dường như lòng càng quyết tâm hơn cho cuộc chiến. Nhưng để trả giá cho hòa bình, độc lập, đồng đội của ông có người đã phải nằm lại chiến trường.
Số người như ông sống sót trở về bên gia đình mang trên mình đầy thương tật, cứ mỗi lần trái gió trở trời là người lại đau nhức. Kể đến đây, giọng ông run run khiến con cháu cũng xúc động, nắm tay ông an ủi, mong ông vơi đi nỗi buồn chuyện cũ.
Những thành tích ông nhận được là huân, huy chương ý nghĩa, quý giá Nhà nước trao tặng. Ông giữ nó như báu vật bên mình. Cầm mỗi tấm huân, huy chương ông nghẹn ngào nói: “Những tấm huân, huy chương này ông dành cho các đồng đội đã khuất. Đồng đội của ông xứng đáng được nhận nhiều tình cảm hơn từ mọi người, con cháu mang dòng máu nóng Việt Nam”.
Và cứ mỗi dịp đến ngày 27/7 hằng năm, ông lại hồ hởi gắn chúng lên ngực áo đi gặp đồng đội của mình. Gặp những người còn sống và những người đã khuất nơi nghĩa trang. Có nhiều chương trình tri ân thật ý nghĩa khi cho ông có cơ hội gặp lại đồng đội năm xưa.
Những ngày tháng Bảy thương ông, thương những gì ông đã trải qua và càng trân quý hơn những gì ông dạy dỗ. Hiện tại là một món quà của thế hệ trẻ mà ông cha đã đổ mồ hôi, xương máu để có cuộc sống hòa bình. Vậy nên mỗi chúng ta cần nâng niu, phấn đấu cho cuộc sống mai sau. Ông đã giúp con cháu soi lại bản thân, sống sao cho thật có ích, xứng đáng với thế hệ cha ông.
Nguyễn Văn Chiến
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/388049/ky-vat-cua-ong.html