Kỷ vật ngày cưới
Những ngày cuối tháng 7, nắng đã dịu, cái nóng tuy không còn khắc nghiệt vẫn níu kéo, chẳng muốn rời ra. Thu đỏng đảnh như cô gái mới lớn, e ấp chờ đợi, chỉ xuất hiện chốc lát vào những khoảnh khắc hiếm hoi để rồi tạo bàn đạp đẩy mùa hè lùi lại mà chiếm lĩnh thị phần. Cây nhãn trước nhà từng chùm, từng chùm… tuy giấu mình trong các kẽ lá vẫn ý nhị khoe những chùm quả đã ngả màu đồng.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, bà Giáp lại tự mình bẻ một chùm đẹp nhất đặt lên bàn thờ trước di ảnh của ông. Thắp nén hương, cắm vào bát hương, bà nói giọng khe khẽ
- Anh ơi! Nhãn năm nay sai lắm.
Nói xong, bà lấy tay phủi phủi mấy sợi mạng nhện bám trên tấm ảnh còn trẻ trung đầy sinh lực của ông, bồi hồi nhớ lại:
Hơn bốn mươi năm về trước, hoàn thành nghĩa vụ, chàng sĩ quan trẻ Mậu (tên của ông) được ra quân. Ngoài ba mươi tuổi đã mang quân hàm cấp tá, ở làng này dễ có được mấy ai. Giáp, cô gái quê tuy được mệnh danh là “hoa khôi” của làng cũng bước sang tuổi hai lăm, cái tuổi mà người quê cho là đã lỡ thì! Tuy vậy, mái tóc dài buông kín lưng áo, cặp mắt vừa như lơi lả, vừa như nghiêm khắc vẫn làm khối người điêu đứng. Như có lời hẹn, Mậu đến với Giáp rồi tình yêu cũng nhanh chóng đến với họ.
Những năm cuối thập kỷ bảy mươi của thế kỷ XX, đất nước vừa đi qua một cuộc chiến tranh tàn khốc, kinh tế còn muôn vàn khó khăn. Đám cưới hai người được tổ chức cũng khá đơn giản. Ngoài lời ca tiếng hát của bạn bè đến dự thì quà tặng đa phần cũng chỉ là hiện vật. Tuy không có giá trị lớn về mặt vật chất, nhưng lại vô cùng ý nghĩa. Mấy bộ quần áo sơ sinh, vài đôi gối thêu, một ít thau chậu và những đồ dùng cần thiết cho một cặp vợ chồng. Ngoài ra một tặng phẩm khá lạ, gây nhiều chú ý nhất là chiếc lồng đựng cây nhãn cao chừng hơn một gang tay. Chủ nhân của tặng phẩm này là Thiết (bạn chiến đấu của Mậu), nhà ở tận phía Nam tỉnh, nơi có giống nhãn đặc biệt. Xưa kia quả của nó được đóng vào lồng mang đến kinh kỳ làm quà tiến vua. Cụ thân sinh ra Thiết đã đích thân chọn quả từ một cây nhãn Tổ mang về ươm giống
Xác định là tặng phẩm quý và có ý nghĩa, Mậu mang nhãn ra trồng ở góc vườn, nhằm sau này cho thu nhập, đồng thời cũng giữ được kỷ vật của đồng đội trong ngày hệ trọng nhất cuộc đời.
Đất nước thống nhất, cuộc sống tưởng sẽ bình yên, nào ngờ cưới nhau chưa đầy nửa năm, khi cây nhãn mới bén rễ, sự kiện biên giới nổ ra. Mậu nhận được lệnh tái ngũ.
Rồi đây Mậu lại khoác ba lô lên vai, tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Mậu lo cho mình thì ít mà lo cho vợ thì nhiều. Nỗi lo càng lớn khi giọt máu của Mậu đã hình thành trong Giáp một cơ thể sống.
Cái đêm trước buổi chia tay, Mậu không sao ngủ được. Quay sang bên, Giáp cũng trằn trọc giở mình.
Đêm tĩnh lặng. Hơi thở đều đều của Giáp tuy rất nhẹ mà như có sức khuấy động sự lặng yên. Mậu đặt tay lên bụng vợ. Đáng ra lúc này hai người phải tiết kiệm từng giây phút để được bên nhau. Nhưng họ chỉ im lặng. Dường như sự im lặng cũng có ý nghĩa riêng của nó!.
Cứ để tay trên bụng vợ như thế, một lúc lâu Mậu mới xoay người, nghiêng về phía Giáp. Như sợ có một sức mạnh nào cướp mất, anh ôm chặt vợ vào lòng, nói trong hơi thở.
- Em ơi! Con chúng mình sắp ra đời. Nó bằng tuổi cây nhãn mà chú Thiết đã tặng đấy. Em cố gắng vượt qua mọi gian khó, hoàn thành nhiệm vụ anh sẽ về...
Giáp úp mặt vào bụng chồng, muốn khóc nhưng kìm lại, sợ rằng nước mắt rơi lúc này sẽ làm Mậu mềm yếu. Chị lấy tay xoa xoa lên mặt, lên đầu anh. Những sợi tóc không mềm mại mà xơ cứng, dấu ấn của những ngày nắng gió như vẫn còn nguyên.
Cuối năm đó, Giáp sinh con trai. Để giữ lại dấu ấn của một năm có ba sự kiện, Giáp đặt tên con là Tam.
Nhờ có làng xóm giúp đỡ cùng chính sách của Nhà nước với gia đình bộ đội, cuộc sống của mẹ con Giáp cũng bớt khó khăn. Đành rằng thiếu người đàn ông, căn nhà cô quạnh vắng vẻ. Nhưng đêm đêm nghe tiếng con khóc, sự trống vắng cũng vợi đi.
Khi Tam tròn năm tuổi, cây nhãn bắt đầu ra hoa. Nhìn những chùm hoa khoe màu nhàn nhạt dưới nắng trời, cùng với sự bụ bẫm, kháu khỉnh của con, lòng Giáp chộn rộn hẳn. Niềm vui cũng từ đấy nhân lên.
Những năm ấy, nhãn được coi là cây trồng cho thu nhập lớn. Bán quả của một cây nhãn người ta có thể đong được hàng tấn thóc. Niềm hy vọng thu nhập từ cây nhãn cũng lóe lên trong đầu chị. Nhưng số phận thật trớ trêu; niềm vui bắt đầu, nỗi buồn đã đến. Đúng năm cây nhãn cho những chùm quả ngọt đầu tiên thì chị nhận được tin dữ, Mậu hy sinh!
Chao ôi! Người trồng cây đến ngày ăn quả lại vĩnh viễn không về. Từ nay, chị thành góa bụa. Cho dù có là vợ liệt sĩ thì niềm vinh hạnh và sự ưu ái cũng chẳng thể lấp đầy những mất mát lớn lao này.
Mới ba mươi tuổi đầu với sắc đẹp trời phú, ngoài việc lo làm ăn thuần túy, chị còn phải lo giữ mình trước những cám dỗ đời thường. Từ đấy chỉ có cây nhãn và đứa con là nguồn an ủi lớn nhất của chị. Chị nguyện sẽ nuôi con nên người và tận tâm chăm sóc cây nhãn cho đến trọn đời. Mỗi sáng nhìn thấy cây nhãn, chị lại nhớ đến anh, nhớ đến ngày cưới và tình đồng đội sâu nặng. Mấy năm liền, cây nhãn đều sai quả. Thu nhập từ nhãn, tuy không giàu có, nhưng còn cao hơn nhiều so với thu nhập từ mấy sào ruộng khoán sản. Vốn chịu khó, tằn tiện, chắt bóp, chị đã nuôi được Tam ăn học nên người. Giờ Tam đã làm đến chức giám đốc một sở, đã có nhà ngoài phố…
Sáng nay trời mát mẻ, vài ngọn gió thổi nhẹ, báo hiệu mùa thu sắp đến. Tự nhiên bà Giáp thấy trong lòng bâng khuâng một nỗi niềm khó tả. Bà ra ngồi ở hiên nhà. Bất giác bà nhớ đến chiếc lược làm bằng kim loại từ một mảnh máy bay mà đơn vị Mậu đã bắn hạ... Bà mở hộp lấy chiếc lược ra ngắm nghía. Tự nhiên nhớ đến đã hơn tuần bà chưa chải đầu. Trước đó thi thoảng bà chỉ chải bằng chiếc lược nhựa mua ngoài chợ. Nay nhìn chiếc lược nhỏ xinh, kỷ vật mà chồng để lại, bà lại muốn trang điểm như hồi còn trẻ. Vừa cầm chiếc lược đưa nhẹ lên mái tóc, bà bỗng rùng mình khi nhận ra những sợi tóc rụng trắng đầu gối ống quần. Bà thẫn thờ nhìn vào khoảng không trước mặt, tự nhiên thấy cô đơn. Kỳ lạ thật, bà đã cô đơn bốn chục năm rồi mà nay mới nhận ra, mới thấm thía!.
Vấn đầu xong, bà Giáp đi về phía cổng. Bà đứng dưới gốc nhãn khá lâu. Vài con chim nhỏ tí tách chuyền từ cành nọ sang cành kia, tiếng hót cũng rất nhỏ, chỉ đủ khuấy động mà không xua nổi sự trống trải vẫn thường trực trong bà. Bà nhìn lên ngọn cây, những chùm quả mòng mọng kéo các cành cây trĩu xuống. Cảm nhận về thời gian bỗng sống dậy trong bà.
Hôm nay là ngày bà tiễn chồng ra đi. Những tưởng chỉ là một cuộc chia tay, nào ngờ lại là sự chia li vĩnh viễn! Bà mở cổng nhìn về phía đầu ngõ. Một chiếc ô tô màu đen bóng loáng, chầm chậm đi vào rồi đỗ trước mặt bà. Tam mở cửa xe chào mẹ rồi hai vợ chồng xách đồ đạc, dắt hai đứa con vào nhà. Năm nào cũng vậy cứ đến những ngày này là vợ chồng Tam lại mang con về chơi với bà. Một năm, bà mới thật sự được tận hưởng một ngày bầu không khí gia đình đầm ấm. Nhìn những đứa cháu bụ bẫm, bà thấy trẻ lại. Chỉ cách nhau khoảng trên dưới hai chục cây số, sao bà thấy khoảng cách giữa bà và con cháu cứ xa vời vợi!
Cơm nước xong, theo thói quen, hai đứa cháu vào nhà, mỗi đứa một chiếc điện thoại, vui thú với những trò chơi của nó. Ngoài nhà chỉ còn bà và vợ chồng Tam.
Như có cái gì ứ nghẹn trong cổ, bà trầm ngâm giây lát, hít một hơi thật sâu, trấn tĩnh lại mới quay về phía Tam chậm rãi:
- Cây nhãn là kỷ vật ngày cưới của bố và mẹ, là mốc thời gian để tính tuổi anh, là món quà quý giá của chú Thiết. Bốn mươi năm rồi chả biết chú Thiết sống chết ra sao? Mẹ có lỗi với chú nhiều lắm!. Mỗi buổi sáng, tỉnh dậy nhìn cây nhãn, mẹ thấy như tất cả vẫn còn nguyên. Giờ anh chị đã có xe hơi, nhà lầu ngoài phố, không chỉ thành đạt về kinh tế mà còn thành đạt cả về con đường công danh. Cây nhãn vẫn ở góc vườn, đã gắn bó với mẹ từ lúc trẻ trung cho đến tuổi già. Tuy không hứa thành lời, nhưng từ khi nhận giấy báo tử của bố anh, mẹ vẫn tâm niệm sẽ chăm sóc cây nhãn cho đến lúc không còn sức lực. Mẹ coi cây nhãn là một kỷ vật thiêng liêng ngày cưới và coi cái điều tuy chưa hứa thành lời là một lời nguyền. Giờ trước các con, trong ngày tưởng niệm bố, mẹ xin rút lại lời nguyền ấy!.
Bà im lặng nhìn về phía chiếc tràng kỷ đối diện, giọng bà nhỏ nhẹ hơn:
- Ngày xưa mẹ nuôi anh chỉ có một mình. Điều mẹ ước ao nhất là anh, chị làm sao nuôi các cháu thành người. Ở nhà mẹ vẫn làm tròn phận sự. Sở dĩ mẹ phải nói với anh, chị điều này là vì… Như có phần đắn đo, bà ngừng lại giây lát rồi mới tiếp:
- Kỳ lạ thật, mẹ thấy như hồn bố anh đã nhập vào cây nhãn. Mỗi lúc yếu đuối, nhìn cây nhãn, tự nhiên mẹ mạnh mẽ hẳn lên. Nhiều đêm, qua các kẽ lá, mẹ như nghe thấy lời bố anh dặn rằng, có những cái cho thì mất nhưng cũng có những cái cho là còn. Làng ta đang phấn đấu để đạt danh hiệu “làng văn hóa”. Muốn vậy thì con đường giữa làng (vừa nói bà vừa chỉ tay về phía cây nhãn) phải được mở rộng. Chiếc xe của anh tuy nhỏ nhưng cứ đến đoạn nhà mình là phải dừng lại vì đường hẹp. Vừa qua, đoàn cán bộ của làng vận động mẹ hiến cho mấy mét đất để mở rộng đường. Mẹ nghĩ cho dù đất đang trong giai đoạn “sốt”, vài mét chạy dài có đến vài chục mét vuông, nếu tính ra tiền sẽ là một con số rất lớn so với mức thu nhập của mẹ. Ngần ngừ một lát, bà tiếp, nhưng điều đó mẹ không băn khoăn. Điều mẹ băn khoăn là lời hứa trong tim với bố anh và bao kỷ niệm vẫn hiển hiện quanh gốc nhãn, giờ phải chặt đi, mẹ cứ thấy như mình có tội!
Tam lẳng lặng nhìn mẹ suy nghĩ. Bố anh là liệt sĩ, mẹ anh, một gia đình chính sách được ưu ái nhiều mặt, hơn nữa sẽ là tấm gương cho thiên hạ soi vào. Nếu đoạn đường có cây nhãn được giải tỏa, nhiều đoạn khác cũng được giải tỏa, một con đường rộng rãi, như chiếc xương sống được hình thành từ đầu đến cuối làng. Tam định nói với mẹ rằng, kỷ niệm tuy có sâu đậm cũng chỉ của một thời! Cây nhãn không thể cứ đứng mãi ở đó làm cản trở việc đi lại của rất nhiều người. Trong thời đại 4.0, những gì làm cản trở sự tiến hóa rất cần được loại bỏ. Nhưng lại im lặng vì anh hiểu tất cả mọi điều đó ngay từ nhỏ mẹ đã dạy anh.
Căn nhà im ắng hẳn. Ba người nhìn nhau, chẳng ai nói thêm câu nào. Bà Giáp đứng dậy tiến về phía bàn thờ. Bà chắp tay vái vái trước di ảnh ông một lần nữa rồi lấy chùm nhãn xuống đặt trước mặt mọi người. Những quả nhãn cùi dày, hương thơm lan tỏa như phá vỡ bầu không khí im lặng bao trùm.
- Mẹ đã chọn rồi!
Nói được câu cho là khó khăn nhất, bà Giáp phấn chấn hẳn. Bà đứng dậy ra ngồi dưới bóng nhãn một lúc lâu. Rồi mở cổng bước ra ngoài.
Bà như thấy nắng trời in xuống con đường thành một vệt thẳng băng từ đầu đến cuối làng.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202208/ky-vat-ngay-cuoi-e9a5674/