Kỷ vật quý báu của cha

Cha tôi đã đi xa về với thế giới người hiền, những kỷ vật để lại rất nhiều nhưng đáng nói, đáng kể chính là chiếc đèn măng sông, một món đồ không chỉ mang giá trị vật chất mà còn ẩn chứa nhiều kỷ niệm và ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với gia đình tôi.

Chiếc đèn măng sông kỷ vật của gia đình

Chiếc đèn măng sông kỷ vật của gia đình

Chiếc đèn này được Trung Quốc viện trợ vào năm 1946, thời kỳ đất nước đang trong hoàn cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp gian khó ác liệt. Đó là một chiếc đèn dầu măng sông, loại đèn phổ biến trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Mặc dù trải qua nhiều năm tháng, chiếc đèn vẫn còn giữ được nguyên vẹn tuy đã cũ kỹ nhưng nhắc nhở tôi về những năm tháng đầy thử thách mà cha đã trải qua.

Vào thập niên 40 và 50 của thế kỷ 20, chiếc đèn luôn tỏa sáng hằng đêm cho đội chèo thôn Huệ Lai, xã Phù Ủng (Ân Thi) biểu diễn phục vụ bộ đội chiến đấu và nhân dân với các vở chèo nổi tiếng như: Phạm Công - Cúc Hoa, Tấm Cám, Quan Âm Thị Kính, Trương Viên vv…Cái thời mỗi thôn một đội văn nghệ, mỗi xã một đoàn văn công kéo dài hàng mấy thập kỷ. Nhiều diễn viên của đội sau này theo nghiệp trở thành nghệ sỹ nổi tiếng như: Phạm Thu Hoa, Đào Vang, Nguyễn Hồng Sản, Thanh Khản…

Sau chiến thắng Điên Biên Phủ 1954, đội văn nghệ cũng kết thúc vai trò lịch sử của mình một số ít diễn viên theo nghiệp và đi thoát ly, công tác khác…, chiếc đèn măng sông lại theo gia đình làm nghề nhiếp ảnh, nó giữ vai trò ánh sáng trong buồng tối để phóng ảnh từ năm 1958 đến 1980 khi mà điện trở nên phổ thông chiếc đèn mới hết vai trò. Từ ánh sáng của chiếc đèn mà biết bao gia đình người thân có được tấm ảnh kỷ niệm chia tay đi nước ngoài học tập, lên đường chiến đấu chống Mỹ cứu nước, giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Trong dòng người ra trận ngày ấy, nhờ ánh sáng của chiếc đèn mà nhiều tấm ảnh của các liệt sỹ lưu lại trên ban thờ gia đình như một báu vật duy nhất còn lại. Không những thế, ánh sáng của nó còn giúp lưu lại nhiều khoảnh khắc thời sự quý giá như những bức ảnh quân dân Hưng Yên kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt ở miền Bắc, phòng, chống lụt bão, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước… đến thăm làm việc tại địa phương đã được nhiều cơ quan báo chí trong nước sử dụng…

Chuyện còn đáng kể hơn khi chiếc đèn còn góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân của bệnh viện tuyến huyện. Nhà tôi gần bệnh viện huyện, vào thời kỳ bao cấp bệnh viện gần như không có điện, mỗi khi mổ cấp cứu bệnh nhân thì chiếc đèn lại được trưng dụng, nhờ ánh sáng của nó mà bao bệnh nhân được cứu sống…

Con cháu luôn giữ gìn, bảo quản kỷ vật của gia đình

Con cháu luôn giữ gìn, bảo quản kỷ vật của gia đình

Chiếc đèn măng sông chỉ là một đồ vật vô tri, vô giác mà nhưng nó là biểu tượng của lòng quả cảm, của tình yêu thương và sự cống hiến hết mình của thế hệ đi trước như cha tôi, cũng như bao người lính khác, đã góp sức mình để phục vụ Tổ quốc, nhân dân và chiếc đèn này là một minh chứng sống động cho điều đó. Chiếc đèn luôn được gìn giữ như báu vật của gia đình để giáo dục cháu con hiểu sâu hơn về truyền thống lịch sử, biết trân trọng quá khứ vinh quang của cha ông, tiếp bước xây dựng quê hương, đất nước tươi đẹp hơn.

Phạm Thành

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/ky-vat-quy-bau-cua-cha-3176290.html