Kỷ vật trở về sau hơn nửa thế kỷ lưu lạc

Lần giở từng trang nhật ký của cha là liệt sĩ Nguyễn Quang Số, bà Nguyễn Thị Hoa (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) nghẹn ngào, mắt ngấn lệ...

Người phụ nữ đã ở bên kia dốc cuộc đời bỗng òa khóc như một đứa trẻ khi đọc đến trang viết ngày 19-9-1968: "Hoa con! Nếu như mai ngày thống nhất ba trở về sẽ mang theo quyển nhật ký này-nó đã ở bên ba trong những ngày đánh Mỹ gian khổ, ác liệt-về cho con xem. Nếu như ba có hy sinh (cũng là lẽ đương nhiên trong lúc chiến đấu với quân thù) thì Ban Chính trị sẽ gửi về cho con xem. Qua đây, con sẽ hiểu biết phần nào về ba của con...”.

Đó là những lời dặn dò mà liệt sĩ Nguyễn Quang Số viết cho con gái, là bà Nguyễn Thị Hoa, lúc đó chưa đầy một tuổi. Phải 56 năm sau, những trang viết đong đầy yêu thương ấy mới đến được người nhận. Sau hơn nửa thế kỷ lưu lạc, cách nửa vòng Trái đất, cuốn nhật ký trở về như một sự hiện thân của người ba mà bà chưa một lần được gặp mặt. Đọc đến đâu, nước mắt bà rơi đến đấy. Bà khóc vì thương ba, thương mình, vì những tủi hờn cho một cuộc đời thiếu vòng tay che chở của ba.

Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam trao trả kỷ vật chiến tranh cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Quang Số và liệt sĩ Hồ Văn Chương.

Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam trao trả kỷ vật chiến tranh cho thân nhân liệt sĩ Nguyễn Quang Số và liệt sĩ Hồ Văn Chương.

Liệt sĩ Nguyễn Quang Số sinh năm 1941; quê quán: Thôn Nho Giáp, xã Thanh Lam, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (nay là xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An); nhập ngũ tháng 12-1966 thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 66, Phân khu 1, Quân Giải phóng miền Nam; hy sinh ngày 26-2-1969. Cuốn nhật ký ghi lại những năm tháng chiến đấu của ông và đồng đội trên chiến trường, nhiều nhất là ở Tây Ninh. Đại đội B, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh 505 và Tiểu đoàn 3 của Sư đoàn dù số 82 Hoa Kỳ thu giữ cuốn nhật ký vào ngày 27-2-1969 tại 131 Suối Lội, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi (nay thuộc TP Hồ Chí Minh). Trong cuốn nhật ký, đồng chí Nguyễn Quang Số không chỉ kể về những trận đánh ác liệt mà còn bộc lộ lý tưởng sống cao đẹp. Ông khát khao được trở thành một đảng viên cộng sản chân chính, sẵn sàng ra chiến trường ác liệt, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ông cũng dành nhiều trang viết cho vợ, con với tình yêu, nỗi nhớ da diết và ông nói nhiều về lý tưởng, ước mơ của đời mình.

Những trang nhật ký còn ghi lại những trận đánh dữ dội. Ngày 26-5-1968, đồng chí Nguyễn Quang Số viết: "Trận chiến đấu vừa qua đơn vị chúng tôi được lệnh đánh vào Trảng Lớn-Tây Ninh, nằm ngay cạnh núi Bà Đen và thị xã. Nơi đây, Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới của Hoa Kỳ đã bị đơn vị chúng tôi nhấn chìm trong lửa hỏa lực của B40 và tiếng nổ dữ dội của thủ pháo, bộc phá... Tại Tây Ninh, Mỹ chưa bao giờ thua đau như vậy".

Trong những trang nhật ký, đồng chí Nguyễn Quang Số nhắc đến nhiều đồng đội với những kỷ niệm sâu sắc, đặc biệt như Chính trị viên Phạm Thiết Kế làm việc có tình có lý, dứt khoát mà mềm dẻo, có điệu cười rất hồn nhiên mà vui tai lạ. Ông cũng viết một trang về Đại đội trưởng Nguyễn Thanh Lam: “Anh Lam rất nóng tính nhưng hết sức mộc mạc, chân thành, có lòng thương yêu giai cấp, đồng đội sâu sắc, tác phong dứt khoát, khẩn trương”. Hay ông cũng vô cùng cảm động vì anh Chương, anh Khánh đã chăm sóc mình tận tình khi bị ốm. Trong nhật ký cũng ghi lại danh sách 25 đồng chí hy sinh tại cứ điểm biệt kích Thiện Ngôn.

Hai cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số và liệt sĩ Hồ Văn Chương được phục chế.

Hai cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số và liệt sĩ Hồ Văn Chương được phục chế.

Những trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số viết cho cha mẹ, vợ con.

Những trang nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số viết cho cha mẹ, vợ con.

Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số gồm 2 tập. Tập 1 được lưu tại trung tâm lưu trữ của Đại học Công nghệ Texas (Hoa Kỳ) và được Hội Hỗ trợ liệt sĩ Việt Nam tiếp nhận kết nối và trao lại cho gia đình. Tập 2 của cuốn nhật ký được tìm thấy bởi dự án "Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá" do Trung tâm ASH thuộc Harvard Kennedy School (Hoa Kỳ) triển khai. Dự án này được thực hiện theo bản ghi nhớ hợp tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giữa Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ Việt Nam và Văn phòng tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Bà Hoa cho biết: “Ba tôi từng là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1961, ba và mẹ tôi là Nguyễn Thị Lục cùng quê huyện Thanh Chương kết hôn. Sau khi nhập ngũ, ba ra Vĩnh Phúc đi học quân sự, mẹ theo ra làm công nhân cho một xí nghiệp ở gần đó. Năm 1967, ba vào Nam chiến đấu và ba mẹ bặt tin nhau từ đó. Năm 1971, gia đình nhận được giấy báo tử của ba. Nhiều năm qua gia đình đi tìm kiếm thông tin về mộ của ba tôi nhưng chưa có kết quả”.

Khi gia đình bà Hoa nhận được cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số, họ đã thắp lên niềm hy vọng mới, tin rằng những thông tin trong cuốn nhật ký sẽ giúp họ sớm tìm được phần mộ của ông. Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết thêm, nhờ cuốn nhật ký của ba mà một số gia đình, thân nhân liệt sĩ đã tìm được hài cốt người thân.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ky-vat-tro-ve-sau-hon-nua-the-ky-luu-lac-811687