Kỳ vọng chanh dây xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Cùng với niềm vui được mùa, được giá, người trồng chanh dây trên địa bàn tỉnh rất vui mừng trước thông tin Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu chanh dây sang thị trường Mỹ. Với việc thị trường mở rộng, người dân có niềm tin để tiếp tục gắn bó với loại cây này.
Chanh dây được mùa, được giá
Khu rẫy rộng hơn 3 ha của gia đình ông Lê Văn Minh (trú tại thôn Tân Định, xã Tân An, huyện Đak Pơ) mướt một màu xanh của cây chanh dây. Tạm dừng công việc thu hoạch, ông Minh chia sẻ: “Thấy nhiều gia đình trong vùng có nguồn thu nhập cao từ trồng chanh dây, năm 2023, ông Minh quyết định trồng loại cây này. Sau khi cải tạo 2 ha đất, gia đình ông đầu tư kinh phí làm đất, làm giàn và mua giống chanh dây về trồng. Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết nên giống chanh dây RP8 của Công ty cổ phần quốc tế Thông Đỏ phát triển nhanh, cho quả sai, nâng cao nhập của gia đình ông Minh. “Gia đình tôi đang thu hoạch vụ chanh dây thứ 3 với sản lượng từ 50-90 tấn quả/vụ. Trong 2 vụ trước, gia đình tôi có nguồn thu hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí còn 500-600 triệu đồng. Còn vụ năm nay, gia đình đã thu được 40 tấn quả, bán với giá từ 14 đến 45 ngàn đồng/kg tùy theo loại”-ông Minh tâm sự.
Tại khu rẫy của ở xã An Thành, gia đình ông Trần Minh Hải (trú tổ dân phố 2, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) cũng đang thu hoạch chanh dây. Ông Hải cho hay: “Vụ này, nhờ chăm sóc kỹ nên 3 sào chanh dây của gia đình tôi cho quả to và chín đều. Từ đầu vụ đến nay, chanh dây của gia đình đều được thu mua để xuất khẩu sang Châu Âu. Đầu vụ giá bán hơn 30 ngàn đồng/kg, còn hiện tại là 45 ngàn đồng/kg. Mong rằng mức giá trên thị trường ổn định để chúng tôi yên tâm canh tác”.
Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ Trương Thị Thiên Lý: Hiện nay có 10 hộ dân liên kết trồng chanh dây với Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (huyện Mang Yang). Được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và cung ứng nguồn giống đảm bảo chất lượng, bao tiêu sản phẩm với mức giá hợp lý nên những hộ dân này có nguồn thu nhập khá cao từ trồng chanh dây. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước trong thời gian tới, nhất là khi có 1 doanh nghiệp đề nghị đầu tư 1 nhà máy chế biến tại địa phương, huyện khuyến khích người dân liên kết trồng chanh dây để có nguồn thu nhập cao, ổn định. Tuy nhiên, huyện cũng khuyến cáo, tuyên truyền người dân không nên tự ý mở rộng diện tích ồ ạt.
Kỳ vọng chanh dây xuất khẩu sang thị trường Mỹ
Bên cạnh giá bán ở thời điểm hiện tại là từ 14 đến 45 ngàn đồng/kg, thông tin Mỹ sẽ nhập khẩu chanh dây nước ta đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân. “Qua báo đài, tôi biết chanh dây sắp sửa được nhập khẩu qua Mỹ. Như vậy thì thị trường sẽ mở rộng hơn, tạo cơ hội tăng thu nhập cho người dân. Tôi cũng mới xuống giống thêm 1 ha chanh dây. Với mức giá như hiện nay thì chỉ 1 vụ là gia đình sẽ thu hồi được vốn đầu tư ban đầu và có thêm khoản thu nhập ổn định”-ông Lê Văn Minh nói.
Ông Mã Văn Tình-Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Trên địa bàn hiện có khoảng 240 ha trồng chanh dây. Huyện đang phối hợp với 1 công ty liên kết với người dân bằng việc hỗ trợ giống, bao tiêu sản phẩm với giá bán tối thiểu là 8 ngàn đồng/kg chanh xô. Qua tìm hiểu, chanh dây hiện xuất khẩu đi 20 nước trên thế giới. Việc này có tác động rất lớn trong việc tăng nguồn thu cho người dân trên địa bàn. Nếu trong thời gian tới, thị trường ổn định, nhất là những thị trường mới như Mỹ và Úc thì diện tích trồng chanh dây ở huyện sẽ mở rộng.
Còn ông Lê Văn Tuyến-Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Thông Đỏ-thông tin: Hiện tại, trung tâm giống cây chất lượng cao của Công ty đang cung ứng 25 triệu cây giống/năm cho người dân trong cả nước. Việc tiếp cận được với thị trường Mỹ, Úc mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm từ cây chanh dây của nước ta. Đối với Công ty, đây là cơ hội để mở rộng sản xuất, tăng lợi nhuận. Nếu người dân mở rộng diện tích trồng, Công ty sẽ cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng giúp có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, Công ty cũng mong muốn cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất giống kém chất lượng, giống giả, để giảm thiểu thiệt hại cho các Công ty sản xuất cây giống cũng như người dân.