Kỳ vọng cho y tế trong năm 2025
Năm 2025 người dân tin tưởng chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ tiếp tục được nâng cao, ngành y tế nói chung sẽ phục vụ tốt hơn người bệnh và cộng đồng.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi hệ thống pháp luật liên quan ngày càng được bổ sung hoàn thiện theo hướng có lợi cho người bệnh; đồng thời, ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu do Quốc hội giao trong năm 2024, bao gồm số bác sĩ và số giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Giảm bớt nỗi lo cho người bệnh
Từ ngày 1/1/2025, một số quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành (liên quan cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh; mức hưởng BHYT) và một số nội dung khác sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Luật BHYT sửa đổi có 8 nhóm điểm mới cơ bản. Ông Nguyễn Thành Trung (huyện Kỳ Anh, tỉnh Nghệ An) cho biết, ông rất tâm đắc với quy định mới bổ sung nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản vào diện hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế để động viên, khích lệ và có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa và công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố.
Đánh giá của Bộ Y tế cho thấy, trong vòng hơn 20 năm (từ giai đoạn 2000-2001 đến 2021-2022), tử vong mẹ giảm từ 165/100.000 xuống còn 46/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 2 lần (từ 39,6‰ xuống còn 18,9‰) và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng đã giảm hơn 2 lần (từ 29,5‰ xuống còn 12,1‰)... Đóng góp vào kết quả ấy, không thể không kể tới vai trò của các nhân viên y tế, cô đỡ thôn bản. Tuy nhiên, hiện nay, điều kiện làm việc của cô đỡ thôn bản còn rất nhiều khó khăn do điều kiện giao thông ở miền núi còn hạn chế, nhiều bản ở xa trung tâm phải mất hàng giờ đi bộ...
Trong khi đó, thu nhập và các chính sách khuyến khích đối với cô đỡ thôn bản còn hạn chế khiến nhiều cô đỡ thôn bản không muốn theo nghề. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 1/2023 đã có 1.528 cô đỡ thôn bản được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Số cô đỡ thôn, bản được hưởng phụ cấp cũng đã giảm xuống chỉ còn hơn 900 người, trong đó có hơn 700 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản.
Vì vậy, việc bổ sung các quy định mới cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các nhân viên y tế tại vùng khó khăn sẽ góp phần thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số tiếp cận được với các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh...
Ông Đỗ Đình Hùng, 70 tuổi (Lào Cai), đang được chẩn đoán cần phẫu thuật thay van tim lại đánh giá cao điểm mới trong Luật sửa đổi về quy định mức BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp. Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.
Theo quy định của Bộ Y tế, người bệnh khi mắc các bệnh thuộc danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo của Bộ Y tế bao gồm 42 bệnh, nhóm bệnh trong đó có những bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, lupus ban đỏ, ghép tạng, bỏng nặng, bệnh xơ cứng rải rác, phẫu thuật thay van tim, đột quỵ, bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ, suy thận... cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như hiện nay.
"Với cá nhân tôi, đây là một quy định rất phù hợp, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, chi phí qua đó giảm bớt nỗi lo cho người bệnh vì khi mắc bệnh hiểm nghèo, người bệnh nào cũng mong muốn được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên sâu có sử dụng kỹ thuật cao để đảm bảo tỷ lệ điều trị hiệu quả", ông Đỗ Đình Hùng chia sẻ.
Còn với chị Lê Thị Thu (Ba Vì, Hà Nội) hiện có con bị lác cho biết: Trước đây, BHYT chỉ chi trả đối với trường hợp phẫu thuật điều trị lác và các tật khúc xạ của trẻ em dưới 06 tuổi. Tuy nhiên, Luật BHYT mới vừa được Quốc hội thông qua đã mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng BHYT trong điều trị lác và tật khúc xạ của mắt từ 06 đến dưới 18 tuổi. "Đây là một tin rất vui với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn như tôi vì con tôi sẽ thuộc diện được BHYT chi trả nhờ những điều chỉnh mới này", chị Thu cho biết.
Lấy người bệnh làm trung tâm
Là người cao tuổi thường xuyên đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), ông Vũ Văn Nuôi phấn khởi đánh giá, chất lượng khám chữa bệnh đang ngày một nâng cao về mọi mặt. "Các nhân viên y tế tại bệnh viện đều tận tình thăm khám, hỗ trợ, kịp thời giải đáp thắc mắc của người bệnh. Thái độ phục vụ cũng rất lịch sự, nhã nhặn".
Trong khi đó, chị Phạm Thị Thanh (Hà Nội) trong vòng 1 tháng qua, đã hai lần đưa người nhà đi khám bệnh vì mắc dị ứng tại Bệnh viện Bạch Mai, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, chị ghi nhận thái độ, không khí làm việc khẩn trương tại các bệnh viện. "Tôi tới bệnh viện từ hơn 5 giờ sáng nhưng tại khu tiếp đón, phát số khám của bệnh viện, các nhân viên y tế đã làm việc nghiêm túc. Nhờ vậy, dù lượng bệnh nhân mỗi ngày tới thăm khám đông vẫn không xảy ra tình trạng ùn tắc, bệnh nhân phải chờ đợi lâu. Bệnh nhân tới xếp hàng đăng ký khám từ sáng sớm có thể kết thúc việc khám chữa bệnh vào lúc 9-10 giờ để bệnh viện tiếp tục phục vụ các ca bệnh khác".
Sự ghi nhận này chính là cơ sở để người dân tiếp tục kỳ vọng sang năm 2025, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ được nâng cao hơn nữa với phương châm người bệnh là trung tâm. Người dân cho rằng, với việc nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng trong năm 2025, chắc chắn, tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế sẽ tăng cao.
* Theo Bộ trưởng Bộ y tế, trong năm 2024, ngành Y tế hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu do Quốc hội giao, bao gồm số bác sĩ/vạn dân (14 bác sĩ), số giường bệnh/vạn dân (34 giường bệnh), tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (94,1%). Cơ bản hoàn thành 8/9 chỉ tiêu cụ thể về ngành, lĩnh vực do Chính phủ giao. Bộ Y tế cũng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ dần các khó khăn, vướng mắc trong phòng chống dịch bệnh; giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế...
* Năm 2025, ngành y tế đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu quan trọng do Quốc hội, Chính phủ giao, bao gồm: tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 15 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34,5 giường. Một số chỉ tiêu cụ thể khác được Chính phủ giao như tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm xuống dưới 11,3 ca/1.000 trẻ sinh sống; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 18 ca/1.000 trẻ sinh sống; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 17%; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ky-vong-cho-y-te-trong-nam-2025-20241231211719494.htm