Kỳ vọng 'cổ chứng' vững bước đi lên
Kết quả kinh doanh quý cuối năm 2023 của các công ty chứng khoán dự kiến kém khởi sắc khi những con số đầu tiên dần lộ diện. Dù vậy, đây vẫn là nhóm cổ phiếu được đánh giá cao trong năm 2024.
Cập nhật số liệu từ các công ty chứng khoán (CTCK) sáng ngày 17/1 cho thấy đã có 6 CTCK công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2023, chủ yếu tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Hầu hết đều báo cáo kết quả không quá tích cực.
Những con số đầu tiên kém sáng
Điển hình, Chứng khoán SaigonBank Berjaya (SBBS) công bố BCTC quý IV/2023 với doanh thu hoạt động hơn 2,5 tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi chi phí hoạt động và các chi phí quản lý có liên quan, SBBS báo lỗ trước thuế quý IV hơn 1,4 tỷ đồng, tích cực hơn đôi chút so với khoản lỗ hơn 4 tỷ hồi quý IV/2022.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu hoạt động của SBBS giảm 58% so với năm 2022, xuống còn hơn 7 tỷ đồng. Lỗ trước thuế cả năm gần 7,3 tỷ trong khi năm 2022 lỗ gần 11 tỷ đồng.
Tương tự, Chứng khoán Việt Tín ghi nhận doanh thu hoạt động trong quý IV/2023 giảm gần 59% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 417 triệu đồng. Tuy nhiên, do chi phí quản lý giảm gần 94% nên CTCK này vẫn lãi trước thuế hơn 140 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 4 tỷ.
Lũy kế năm 2023, Chứng khoán Việt Tín ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 2,4 tỷ, giảm 41%. Kết quả, công ty lỗ trước thuế gần 1,6 tỷ, trong khi năm 2022 lỗ hơn 3,7 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, Chứng khoán Việt Tín ghi nhận hơn 90 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó hơn 55 tỷ đồng là tiền và tương đương tiền. Vốn chủ sở hữu 89,9 tỷ đồng, lỗ sau thuế chưa phân phối hơn 48 tỷ đồng.
Hay như Chứng khoán JB Việt Nam (JBSV) ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 26 tỷ, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do chi phí quản lý và quảng cáo tăng mạnh khiến JBSV lỗ trước thuế trong quý IV/2023 gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 3 tỷ. Lỗ sau thuế tương ứng gần 11 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu hoạt động của JBSV đạt 109 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm trước. Khấu trừ chi phí, CTCK này báo lãi sau thuế cả năm 2023 hơn 4 tỷ đồng, giảm 84%.
Trong khi đó, Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố BCTC với các chỉ tiêu tài chính đều ghi nhận tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Cụ thể, tính riêng quý cuối năm ngoái, CTCK này đạt xấp xỉ 540 tỷ đồng doanh thu. Dù vậy, tính chung cả năm 2023, doanh thu môi giới chứng khoán và cho vay margin của MBS vẫn đi lùi so với năm 2022. Tuy nhiên, đây vẫn là hai mảng kinh doanh đóng góp tỷ trọng lớn nhất cho tổng doanh thu chung của MBS năm vừa qua.
Tính chung cả năm 2023, MBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.816 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2022, lợi nhuận trước thuế tăng gần 9% lên hơn 716 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 584 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả này nếu so với kế hoạch tham vọng 2.700 tỷ đồng doanh thu và 900 tỷ đồng lãi trước thuế được CTCK này đề ra hồi đầu năm 2023 thì vẫn còn cách khá xa.
Lợi thế để kỳ vọng
Những “phát súng” đầu tiên của một số CTCK không khỏi khiến thị trường hụt hẫng, bởi nhóm cổ phiếu chứng khoán đang được đánh giá cao sau khi VN-Index ghi nhận những diễn biến tích cực trong năm 2023.
Dù vậy, dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Thành Công (TCI), nhóm cổ phiếu hưởng lợi giai đoạn đầu năm cần đáp ứng được 3 tiêu chí: hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất, hồi phục trên mức nền thấp và định giá hấp dẫn.
Do đó, chuyên gia TCI cho rằng ngành ngân hàng và nhóm cổ phiếu giá trị sẽ thu hút dòng tiền trong nửa đầu năm 2024. Sau ngân hàng, thép, thì chứng khoán là nhóm được “bình chọn” khá cao. Kỳ vọng của nhóm chứng khoán được lặp lại khá nhiều liên quan tới câu chuyện hệ thống giao dịch KRX sẽ được đưa vào vận hành, nên hiện đã không còn tác dụng nhiều, nếu chỉ dừng ở mức độ thông tin thông thường với nhóm này. Giá cổ phiếu ngành chứng khoán đã phản ánh kỳ vọng của thị trường, định giá theo P/B không còn rẻ, còn theo P/E là đắt. Dĩ nhiên, triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024 tích cực hơn năm 2023 là điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các CTCK.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu chứng khoán còn được kỳ vọng bởi một số câu chuyện riêng, như việc tăng vốn của các CTCK cũng mở ra kỳ vọng hút được dòng tiền trên thị trường, như Chứng khoán SSI (SSI), VnDirect (VND), Chứng khoán TP HCM (HCM)…, nhưng việc bám sát tiến độ phê duyệt hồ sơ cũng rất quan trọng. Hay như các cổ phiếu cộng hưởng với việc chuyển sàn, đang tiến hành IPO và sẽ niêm yết cũng thu hút sự quan tâm trên thị trường.
Tương tự, bà Ngô Thị Lệ Thanh, Giám đốc Trung tâm Phân tích của Chứng khoán Tiên Phong (ORS) đánh giá triển vọng thị trường năm 2024 dự báo tích cực khi Fed đi đến cuối quá trình thắt chặt và phát tín hiệu sớm đảo chiều chính sách. Định giá thị trường hấp dẫn khi P/E lùi về quanh -1 độ lệch chuẩn trung bình 10 năm và kế hoạch nâng hạng tiếp tục được thúc đẩy. Chính bởi vậy, các cổ phiếu có mức định giá theo P/B chưa tăng quá nhiều so với trung bình 5 năm gần nhất, thị phần thuộc nhóm dẫn đầu và dư địa mở rộng hoạt động cho vay như SSI, VND và HCM sẽ là cơ hội đầu tư trong thời gian tới.
VinaCapital ước tính, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thì tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% - 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell. Dòng vốn nước ngoài có thể đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam lên tới 5 - 8 tỷ USD.
Cùng với xu hướng tăng của thị trường chung, chứng khoán được nhận định sẽ là ngành hưởng lợi do dòng tiền nhàn rỗi chảy vào mạnh hơn khi các kênh đầu tư khác chưa hấp dẫn.
"Lợi nhuận của các CTCK tăng nhanh, từ mức tăng 14% trong năm 2023 lên 38% trong năm 2024 bởi kỳ vọng lãi suất thấp hơn sẽ hỗ trợ giao dịch ký quỹ nhiều hơn. Các hoạt động ngân hàng đầu tư bị hoãn vào năm ngoái do nền kinh tế chậm chạp có khả năng sẽ được tiếp tục trong năm nay", chuyên gia của VinaCapital dự báo.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/ky-vong-co-chung-vung-buoc-di-len-1097901.html