Kỳ vọng có nhiều bứt phá trong phát triển kinh tế số

Những năm qua, tỉnh Hà Nam liên tục nằm trong tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế. Trong triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, tỉnh luôn xác định, phát triển kinh tế số có ý nghĩa quan trọng, tạo sự bứt phá để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để phát triển kinh tế số, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hộ kinh doanh; xây dựng hạ tầng số và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong cộng đồng; thu hút các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông vào đầu tư trên địa bàn…

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến nay, tỉnh Hà Nam đã thu hút được trên 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tập trung chủ yếu tại thành phố Phủ Lý và trong các khu công nghiệp của tỉnh. Toàn tỉnh có khoảng 3.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hỗ trợ tiếp cận, tham gia các chương trình tập huấn về chuyển đổi số; gần 3.000 doanh nghiệp hiện đã sử dụng các nền tảng số trong công tác quản lý, điều hành, quảng bá sản phẩm, dịch vụ và bán hàng. Thời điểm này, gần 100% doanh nghiệp của tỉnh đã thực hiện nộp thuế điện tử; 100% số doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; trên 2.500 doanh nghiệp sử dụng tên miền “.vn”; trên 505 số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có website; trên 1 triệu tài khoản giao dịch của cá nhân, tổ chức được mở tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn…

Đông đảo hội viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tham gia lớp tập huấn về chuyển đổi số, kinh tế số.

Đông đảo hội viên Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tham gia lớp tập huấn về chuyển đổi số, kinh tế số.

Điểm sáng trong phát triển kinh tế số của tỉnh Hà Nam trong thời gian qua phải kể đến hoạt động thương mại điện tử và sự phát triển rộng khắp của phương thức thanh toán điện tử. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều thực hiện chi trả thông qua tài khoản ngân hàng cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Các hoạt động thanh toán viện phí, học phí, tiền điện, tiền nước hay thanh toán các loại phí, lệ phí trong giao dịch thủ tục hành chính… cũng được thực hiện phổ biến bằng phương thức thanh toán điện tử như chuyển khoản, ví điện tử, mã QR… Ngoài ra, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình “chợ 4.0” với tỷ lệ cao số hộ kinh doanh chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ dân sinh khởi tạo và sử dụng mã QR để thanh toán trong các giao dịch mua bán, bảo đảm kết nối giữa tài khoản ngân hàng với ví điện tử của các đơn vị viễn thông. Tại các khu vực dân cư trong tỉnh, tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm hàng hóa. Đặc biệt, tại 100% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích hiện nay đều cho phép khách hàng thanh toán điện tử và truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem truy xuất có mã QR Code. Còn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, 100% cơ sở bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán mua bán xăng dầu; triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền…

Đối với hoạt động thương mại điện tử, thời gian qua, các sở, ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh tiếp cận với các sàn thương mại điện tử, nhất là các sàn Voso.vn của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel, Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam. Theo hệ thống theo dõi của Bộ Thông tin và Truyền thông (tmdt.mic.gov.vn), tính đến nay, tỉnh Hà Nam có trên 15.000 giao dịch thực hiện trên các sàn thương mại điện tử; khoảng 93.000 tài khoản hoạt động trên các sàn; gần 70.000 hộ sản xuất nông nghiệp đăng tải sản phẩm và bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử; tổng số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được đưa lên các sàn thương mại điện tử là trên 3.000 sản phẩm…

Trao đổi về nội dung này, ông Lê Minh Ngọc, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, hướng tới kinh tế số trên các lĩnh vực, ngành nghề, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website, tham gia tập huấn về chuyển đổi số và bán hàng trực tuyến, thời gian qua, Sở Công thương còn triển khai hiệu quả các đề án về phát triển thương mại điện tử; xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho một số sản phẩm của tỉnh Hà Nam; đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Hà Nam… Qua đó, đã hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử và có tài khoản thanh toán điện tử. Riêng đối với sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam, Voso.vn, Postmart.vn, Sở đã hỗ trợ hàng nghìn hộ sản xuất, kinh doanh tiếp cận với sàn và đưa sản phẩm nông sản lên sàn quảng bá, bán hàng.

Hà Nam đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế số, hướng tới các mục tiêu cụ thể là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cung cấp sản phẩm công nghệ số, phát triển nội dung số, quảng cáo số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh; thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nền tảng số để ứng dụng vào sản xuất. kinh doanh; xây dựng, phát triển thị trường thương mại số phát triển bền vững, ứng dụng rộng rãi sàn thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; xây dựng hạ tầng số và dịch vụ số nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; ứng dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong cộng đồng…

Đồng thời, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt từ 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%. Mục tiêu xa hơn, đến năm 2030, kinh tế số đạt từ 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; từ 80% doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử; trên 70% giao dịch mua bán trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; trên 90% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng. Và đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 10.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước được tham gia tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số và kinh tế số…

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/ky-vong-co-nhieu-but-pha-trong-phat-trien-kinh-te-so-135909.html