Kỳ vọng cuối năm, doanh nghiệp thủy sản lấy lại đà xuất khẩu tăng trưởng
Nền kinh tế thế giới đang hồi phục, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại là yếu tố thuận lợi để xuất khẩu thủy sản tăng trong các tháng cuối năm.
Thách thức của doanh nghiệp xuất khẩu
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), cho biết do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm nên trong hai quý đầu năm 2023 sản lượng xuất khẩu của Việt Nam giảm. Thách thức hiện nay của các doanh nghiệp là làm sao vượt qua những tháng còn lại của năm 2023 để lấy đà ổn định vào quý I, II-2024.
“Theo chúng tôi, giải pháp cần thiết là giảm lượng hàng tồn kho cũng như sản lượng nuôi trồng vào quý II/2024, vì hiện nay nhu cầu xuất khẩu giảm. Đơn cử, lượng cá tra dưới ao thay vì bắt đúng size 900 g-1 kg thì nay đang là 1,5 kg. Vô hình trung dẫn đến lượng tồn kho của các doanh nghiệp lớn và lượng cá dưới ao tăng cao, khiến dòng tiền của các doanh nghiệp bị tắc nghẽn”, ông Văn nói.
Một số doanh nghiệp cho rằng, đối với cá tra có nhiều yếu tố phải chú ý là giống, thức ăn, thuốc và dịch bệnh. Trong đó, đối với thức ăn thủy sản trước dịch 10.000 đồng/kg đến nay tăng bình quân 13.000/kg.
Ở ngành hàng tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng không mạnh mẽ. Nguyên nhân do áp lực tôm giá rẻ từ Ecuador vẫn còn nhiều.
Đơn cử, trong tháng 8 xuất khẩu tôm chỉ giảm 15% so với cùng kỳ, trong khi bảy tháng đầu năm giảm đến 28%. Và đơn hàng quý III trên đà phục hồi tốt hơn các quý trước.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, thời gian tới, để phục hồi hoạt động xuất khẩu, ngành thủy sản Việt Nam cần làm truyền thông mạnh mẽ, liên tục đến ba thị trường lớn là Trung Quốc, Mỹ, EU. Đặc biệt là mặt hàng cá tra, doanh nghiệp cần quảng bá hình ảnh về cá tra được nuôi trong môi trường sạch; được Nhà nước kiểm soát đảm bảo chất lượng, được cấp các chứng chỉ môi trường của thế giới…
Theo ông Hồ Quốc Lực, đối với tình hình xung đột tại một số quốc gia, lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Trung Quốc vẫn còn mới mẻ, chưa tác động nhiều đến thị trường.
Tuy nhiên, Trung Quốc là công xưởng thế giới, nếu quốc gia này không nhập khẩu hàng thủy sản đông lạnh gia công thì thị trường Việt Nam là lựa chọn tốt nhất. Song song đó, Nhật Bản là quốc gia mua tôm Việt Nam nhiều nhất nên sẽ có cơ hội lớn cho doanh nghiệp tôm xuất khẩu sang thị trường này.
Trong khi đó, ông Quách Phong, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Ipos, cho rằng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là tôm và cá basa. Hiện nay xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của thị trường.
“Có thể trước kia Trung Quốc nhập hàng từ EU, Canada, Mỹ. Khi các nguồn này không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, khiến giá thủy hải sản trong nước tăng, họ mới sẽ tìm nguồn nhập hàng thay thế. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nên đón đầu tình hình này và đặc biệt lưu ý về nhu cầu với mặt hàng tôm”, ông Phong đánh giá.
Xác định lại chiến lược cho ngành thủy sản
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 170 quốc gia, vì vậy việc đi tìm thị trường mới không còn là ưu tiên.
“Kể từ sau đại dịch Covid-19, việc phục hồi của thị trường thế giới vẫn chưa ổn định, do đó doanh nghiệp xác định cần có khoảng thời gian khá dài hoạt động cầm chừng. Mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp hiện nay là duy trì lực lượng lao động tinh nhuệ, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất cho giai đoạn phục hồi sau đó. Bởi lẽ, nếu không giữ được lao động có kinh nghiệm, lành nghề thì việc nắm bắt cơ hội khi thị trường phục hồi sẽ rất chậm”, ông Hòe nhận định.
Thủy sản là ngành cung cấp thực phẩm thiết yếu cho con người, do đó, dù nhu cầu có giảm so với trước nhưng sẽ không triệt tiêu. Thời gian gần đây, khi lượng hàng tồn kho đã xuống thấp các nhà mua hàng đã bắt đầu đặt hàng trở lại.
Cũng cần nhấn mạnh rằng việc người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm sơ chế, có giá rẻ gần đây chỉ là cục diện ngắn hạn khi bị ảnh hưởng thu nhập từ kinh tế suy giảm, lạm phát và hoạt động của các chuỗi nhà hàng chưa được khôi phục.
Các doanh nghiệp vẫn xác định sản phẩm giá trị gia tăng là lợi thế đã làm nên thương hiệu cho thủy sản Việt Nam, không vì khó khăn trước mắt mà thay đổi chiến lược phát triển dài hạn.
Cũng theo ông Hòe, thủy sản Việt Nam có thế mạnh về công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ tốt. Vấn đề hiện nay của ngành là làm thế nào để tối ưu hóa giá thành sản xuất thông qua việc tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào của mô hình nuôi trồng hiện tại.
Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp phát triển đường dài như tăng dần tỷ lệ sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao để cải thiện năng suất; thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và con giống tại chỗ để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 170 quốc gia, vì vậy việc đi tìm thị trường mới không còn là ưu tiên. Trong bối cảnh những thị trường chính sụt giảm sức mua, doanh nghiệp và hiệp hội cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả dư địa của từng thị trường, kể cả thị trường nhỏ nhằm “tích tiểu thành đại."
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn được các DN Việt kỳ vọng sau khi mở cửa trở lại (tháng 1-2023) nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng. Tuy nhiên, tính đến nay thị trường không như dự đoán nên lượng hàng tồn kho của DN Việt còn nhiều.
Đối với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng phục hồi được như trước dịch. Thời điểm này rơi vào giai đoạn chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Đây là mùa người dân nước này tiêu thụ nhiều nhất. Cộng hưởng các yếu tố khách quan và sau khi các nhà nhập khẩu giải quyết tương đối hàng tồn kho, những tháng cuối năm nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng trở lại.
Từ cuối tháng Tám đến nay, một số doanh nghiệp Việt Nam nhận được khá nhiều nhu cầu đặt hàng xuất khẩu từ thị trường Trung Quốc, trong đó mặt hàng cá tra được quan tâm. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cá tra Việt Nam với giá cả hợp lý sẽ có lợi thế đáp ứng cũng như nguồn cung ổn định là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.
“Mặc dù giá cá tra xuất khẩu có giảm, doanh nghiệp và người nuôi bị giảm lợi nhuận nhưng chúng tôi kỳ vọng những tháng cuối năm thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi tốt hơn về nhu cầu cũng như giá cả xuất khẩu. Theo đó, riêng xuất khẩu cá tra năm 2023 dự kiến đạt 1,7 tỉ USD, giảm 30% so với năm 2022. Tính chung cả năm 2023 dự kiến xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỉ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022”, ông Hòe nói.