Kỳ vọng động lực phát triển mạnh mẽ từ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Đường Vành đai 4 khi đưa vào khai thác sẽ giúp kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, giảm chi phí vận chuyển, logistics và tạo tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

 Đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu để thúc đẩy cả vùng Thủ đô Hà Nội rộng lớn phát triển xứng tầm khu vực. Ảnh minh họa.

Đường Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ là bước khởi đầu để thúc đẩy cả vùng Thủ đô Hà Nội rộng lớn phát triển xứng tầm khu vực. Ảnh minh họa.

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với chiều dài 112,8 km; sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Trong đó tuyến đường đi qua địa phận Hà Nội dài 58,2 km; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 35,3 km; tuyến đường đi qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3 km.

Được xác định là vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 4 sẽ kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

Qua đó phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Việc triển khai thực hiện dự án quan trọng này chính là hiện thực hóa quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Đường Vành đai 4 còn được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu. Hiện lưu lượng giao thông nội vùng lên tuyến Vành đai 3 tăng nhanh do tốc độ đô thị hóa, nhà chung cư cao tầng mọc dày đặc hai bên.

Sau khi tuyến đường hoàn thành sẽ tạo một trục giao thông hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua Hà Nội, góp phần giảm áp lực cho nội đô, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Chiều 20/6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào ngày 25/6 tới.

Thống kê đến ngày 20/6, TP.Hà Nội đã giải phóng được 84% mặt bằng tuyến đường Vành đai 4 đoạn đi qua địa bàn. Như vậy chỉ trong 1 năm vừa triển khai thủ tục đầu tư, vừa giải phóng mặt bằng, Hà Nội đã sẵn sàng khởi công đường Vành đai 4.

“Có được kết quả như thế này trước hết phải kể đến chủ trương đúng đắn của Trung ương và công tác tuyên truyền, phổ biến, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của thành phố, sở ngành, quận, huyện, xã, đặc biệt là chúng tôi rất cảm ơn sự đồng thuận của nhân dân”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết.

Theo kế hoạch, lễ khởi công dự án sẽ được tổ chức vào ngày 25/6, đồng loạt tại 4 vị trí. Vị trí khởi công số 1 là điểm cầu chính tại vị trí giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường gom Đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận xã Song Phương (huyện Hoài Đức).

Vị trí khởi công số 2 là điểm giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn).

Vị trí khởi công số 3 là điểm giao cẳt giữa tuyến đường Vành đai 4 với trục phía Nam tỉnh Hà Tây, thuộc xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai).

Vị trí khởi công số 4 là điểm giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với QL1A cũ, thuộc địa phận xã Văn Bình (huyện Thường Tín).

Việc tổ chức khởi công Dự án đầu tư sẽ thực hiện theo phương thức kết nối trực tuyến giữa 4 điểm tố chức khởi công của thành phố và các điểm tổ chức của tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-vong-dong-luc-phat-trien-manh-me-tu-duong-vanh-dai-4--vung-thu-do-post252642.html