Kỳ vọng gì từ thượng đỉnh đầu tiên về an ninh AI toàn cầu?
Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ kêu gọi các đại biểu tham dự hội nghị cấp cao về an ninh AI thành lập một ủy ban chuyên gia quốc tế tương tự như ủy ban đã được thành lập trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Hội nghị cấp cao về an ninh trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra từ ngày 1- 2/11 tại Bletchley Park, miền Trung nước Anh, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ hơn 20 quốc gia, bao gồm Mỹ, châu Âu, Singapore, các quốc gia vùng Vịnh và Trung Quốc, cùng giám đốc điều hành từ các công ty công nghệ lớn cùng các nhà phát triển AI hàng đầu.
Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên về an ninh AI trên thế giới, tập trung thảo luận về lo ngại liên quan tác động của AI tạo sinh, cũng như khả năng các quy định hiện nay có thể kiểm soát rủi ro do AI gây ra nhằm xây dựng sự đồng thuận quốc tế về phát triển an toàn AI.
Theo AFP, danh sách khách mời khoảng 100 người dự kiến có Chủ tịch Microsoft Brad Smith, Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, Giám đốc Google DeepMind Demis Hassabis, Giám đốc Meta AI Yann LeCun và Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta Nick Clegg...
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres , Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Italia Giorgia Meloni thông báo sẽ tham dự sự kiện. Tuy nhiên, nước chủ nhà cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về an ninh AI toàn cầu.
Thay mặt Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị, Phó Tổng thống Kamala Harris dự kiến sẽ có bài phát biểu về cách tiếp cận của Washington về vấn đề kiểm soát AI.
Theo nguồn tin từ Reuters, Trung Quốc cử Wu Zhaohui, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Wu Zhaohui đến hội nghị cấp cao về an ninh AI tại Anh.
Trong ngày đầu tiên của hội nghị, chương trình nghị sự bao gồm các cuộc thảo luận bàn tròn về những cách thức để giải quyết vấn đề an toàn và những gì các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng quốc tế, các công ty công nghệ và nhà khoa học có thể làm.
Trong ngày thứ hai, Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ chủ trì cuộc họp riêng với khoảng 30 nhà lãnh đạo chính trị và giám đốc điều hành công nghệ để trao đổi về nhiều chủ đề, bao gồm các giải pháp để phát triển AI an toàn.
Dự kiến, hội nghị thượng đỉnh ra thông cáo chung thiết lập quan điểm chung của các bên tham dự về bản chất chính xác của những mối đe dọa do AI đặt ra.
Kỳ vọng của nước chủ nhà
Thủ tướng Sunak nói rằng ông hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ tạo cơ hội cho Anh và các đối tác toàn cầu tìm được một số giải pháp để phát triển AI một cách an toàn và có trách nhiệm, cũng như áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro từ AI.
Trong một phát biểu đầu tuần này, Thủ tướng Sunak nêu rõ: “Tại hội nghị sắp tới, chúng tôi muốn hướng tới một cách tiếp cận quốc tế hơn về vấn đề an toàn AI. Chúng tôi sẽ hợp tác với các đối tác để đảm bảo rằng các hệ thống AI là an toàn trước khi chúng được tung ra thị trường”.
Nhà lãnh đạo Anh lưu ý thêm rằng các đại biểu “sẽ nỗ lực hết sức để đạt được tuyên bố quốc tế đầu tiên về bản chất của những rủi ro này”, đồng thời sẽ đề xuất thành lập một ủy ban chuyên gia quốc tế tương tự như ủy ban đã được thành lập trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu tại London vào tuần trước, Thủ tướng Sunak cảnh báo, dù AI có thể mang lại cơ hội tăng trưởng kinh tế nhưng nó cũng có thể gây ra những thách thức “vượt quá khả năng của chúng ta”, như việc hỗ trợ chế tạo vũ khí sinh học, hóa học dễ dàng hơn cũng như nguy cơ phát tán thông tin sai lệch.
Thủ tướng Sunak tuyên bố, Anh sẽ thành lập Viện An toàn AI để kiểm tra và thử nghiệm các công nghệ AI mới, cũng như khám phá những rủi ro của AI, bao gồm tác hại xã hội như thành kiến và thông tin sai lệch.
Bên cạnh những lợi ích vượt trội đối với xã hội và đời sống con người, AI tạo sinh - mô hình AI tiên tiến nhất - cũng gây quan ngại về nhiều vấn đề, như tình trạng mất việc làm và các cuộc tấn công mạng hay việc con người mất kiểm soát đối với các hệ thống AI đã sáng tạo nên.
Phát biểu với đài CNBC, ông James Manyika, phó chủ tịch cấp cao về nghiên cứu, công nghệ và xã hội của Google, nhận định: "Chúng tôi cho rằng hội nghị cấp cao đầu tiên về an ninh AI toàn cầu sẽ đạt được 2 mục tiêu quan trọng nhất, một là tạo cơ hội để các quốc gia trên thế giới nắm rõ hơn về cả cơ hội cùng những rủi ro ngắn hạn và trong dài hạn của các mô hình AI tạo sinh. Thứ hai, hội nghị sẽ đạt được sự đồng thuận trong việc hợp tác toàn cầu nhằm đảm bảo sự nhất quán trong việc phát triển và kiểm soát AI an toàn".
Theo Emad Mostaque - Giám đốc điều hành của công ty AI Stability của Anh, London đang có "cơ hội quý để trở thành siêu cường AI" và đảm bảo rằng AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ky-vong-gi-tu-thuong-dinh-dau-tien-ve-an-ninh-ai-toan-cau.html