Kỳ vọng gì vào chuyến thăm Myanmar của lãnh đạo ASEAN?
Đã 4 tháng kể từ khi chính biến ngày 1/2 nổ ra, trong đó quân đội lên nắm quyền tại quốc gia Đông Nam Á.
Nikkei đưa tin, Thống tướng Min Aung Hlaing, nhà lãnh đạo quân đội Myanmar hôm nay (4/6) đã gặp Bộ trưởng (thứ hai) Bộ Ngoại giao của Brunei Dato Erywan Pehin Yusof và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar.
Trang báo cũng dẫn các nguồn thân cận trong quân đội Myanmar cho biết, cuộc hội đàm giữa hai bên bắt đầu lúc 2h chiều nay.
Chi tiết cuộc hội đàm vẫn chưa được công bố, nhưng việc chấp nhận chuyến thăm của hai đặc phái viên ASEAN cho thấy lãnh đạo quân đội Myanmar ngày càng tin vào khả năng kiểm soát tình hình của quân đội, niềm tin đủ lớn để Myanmar bắt đầu cởi mở đối thoại với quốc tế cộng đồng. Đã 4 tháng kể từ khi chính biến ngày 1/2 nổ ra trong đó lãnh đạo quân sự lên nắm quyền tại quốc gia Đông Nam Á, kéo theo đó là phong trào bất tuân dân sự và các cuộc biểu tình kéo dài của người dân phản đối sự việc.
Theo Nikkei, nội dung thảo luận dự kiến về 5 điểm đã nhất trí tại hội nghị cấp cao ở Jakarta vào tháng 4, bao gồm việc cử đặc phái viên ASEAN và chuyển các khoản viện trợ nhân đạo cho Myanmar.
Trước chuyến thăm của các phái đoàn Brunei, người đứng đầu quân đội Myanmar cũng đã gặp Peter Maurer, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế hôm 3/6. Theo nguồn thạo tin, yêu cầu của ông Maurer về việc nối lại các chuyến thăm của nhân viên Chữ thập đỏ và hỗ trợ nhân đạo tăng cường ở các khu vực xung đột "đã không bị Min Aung Hlaing từ chối".
Cũng theo Nikkei, đối thoại giữa quân đội Myanmar với ASEAN có thể sẽ được tăng tốc. Sau khi trở về từ hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 4, tướng Min Aung Hlaing cho biết tại một cuộc họp của Hội đồng Quản lý Nhà nước - tên chính thức của chính quyền quân đội, rằng ông sẽ “xem xét chấp nhận các đặc phái viên một khi đất nước ổn định.”
Theo Reuters, Lichtenstein đã đề xuất tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc một nghị quyết kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Myanmar. Vào giữa tháng 5, các quốc gia ASEAN (ngoại trừ Myanmar) đã gửi một bức thư tới quốc gia này để phản đối đề xuất trên. Theo Nikkei, động thái này cho thấy các thành viên ASEAN đang nỗ lực tìm cách để thúc đẩy đối thoại với chính quyền quân sự Myanmar, bằng cách bày tỏ thiện chí. Bên cạnh đó, cũng có kỳ vọng rằng ASEAN sẽ đóng vai trò trung gian giữa quân đội và các công dân ủng hộ dân chủ tại Myanmar.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ky-vong-gi-vao-chuyen-tham-myanmar-cua-lanh-dao-asean-422313.html