Kỳ vọng không xảy ra việc tăng lương kèm theo tăng giá

Ngay sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.

Tại buổi họp báo, trả lời về giải pháp nào để tăng lương không kèm theo tăng giá, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, thời gian qua, Chính phủ có nhiều biện pháp và cũng có kinh nghiệm về vấn đề này khi chúng ta tăng lương cơ sở cùng với đó là quản lý giá. Hiện nay, dưới góc độ pháp luật về giá thì Quốc hội vừa thông qua Luật Giá nhưng theo Luật Giá hiện hành, bằng các giải pháp đối với những mặt hàng thiết yếu, mặt hàng kê khai giá thì về bản chất đều là kiểm soát giá trên thị trường.

Dưới góc độ Quốc hội, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá trong bối cảnh đặc biệt là tăng lương cơ sở. Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội cũng đưa ra yêu cầu cơ bản là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số CPI, chỉ số lạm phát. Đây là yêu cầu của Quốc hội với Chính phủ.

“Với sự sát sao của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội thì tình trạng tăng lương kèm theo tăng giá sẽ không xảy ra”, ông Nguyễn Trường Giang tin tưởng.

Liên quan đến Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, trong số các chức danh được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thì nhiều đại biểu kiến nghị tại sao có nhiều chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn nhưng không tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu. Ông Tuấn Anh cho hay, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành trên cơ sở thực hiện quy định của Đảng, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có kế thừa Nghị quyết 85 nên có một số chức danh không đưa ra lấy phiếu, bỏ phiếu. Việc thông tin đến cử tri cũng được Nghị quyết phân công cụ thể đối với các cơ quan, ban, ngành để qua đó nâng cao chất lượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, Nghị quyết quy định không lấy phiếu tín nhiệm với người ốm, người sắp nghỉ hưu vì việc lấy phiếu với những đối tượng này dù kết quả ra sao cũng không còn ý nghĩa thiết thực, nhất là Nghị quyết lần này có nhiều đổi mới hướng đến hiệu quả, thực chất của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Sơn Phan

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ky-vong-khong-xay-ra-viec-tang-luong-kem-theo-tang-gia-post479294.html