Kỳ vọng làm giàu từ điện ảnh

Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến lần đầu với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Dự luật lần này dành riêng Điều 6 quy định về phát triển công nghiệp điện ảnh.

Đây được coi là bước phát triển trong tư duy coi điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa, với kỳ vọng biến điện ảnh thành một ngành công nghiệp không khói có thể mang lại doanh thu cao như một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Hàn Quốc được coi là một hiện tượng khá đặc biệt trong ngành công nghiệp điện ảnh thế giới. Ngành điện ảnh nước này có lịch sử thăng trầm gắn liền với chính sách quản lý của nhà nước và sự cạnh tranh khốc liệt với ngành điện ảnh nước ngoài. Ở giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất, các sản phẩm điện ảnh của họ gần như bị bóp nghẹt bởi các sản phẩm đến từ Hollywood (Mỹ). Nhưng nhờ chính sách phát triển đúng đắn, điện ảnh Hàn Quốc dần lấy lại vị thế và vươn lên thành một nền điện ảnh phát triển trên thế giới, với doanh thu nhiều bộ phim vượt xa các ấn phẩm được coi là “bom tấn” của Hollywood.

Cảnh trong phim "Truyền thuyết về Quán Tiên", phim giành Giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, năm 2019. Ảnh: HUYỀN ĐỖ.

Cảnh trong phim "Truyền thuyết về Quán Tiên", phim giành Giải Bông sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, năm 2019. Ảnh: HUYỀN ĐỖ.

Điện ảnh Việt Nam cũng đã và đang trải qua các giai đoạn khủng hoảng tương tự điện ảnh Hàn Quốc. Cũng đã có lúc, chúng ta chưa có chính sách phù hợp, chỉ dựa vào những doanh nghiệp điện ảnh quốc doanh với tư duy làm phim cũ kỹ, chưa đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn.

Vì thế, các sản phẩm điện ảnh Việt Nam ngày càng ít nhận được sự quan tâm từ khán giả. Khi đất nước mở cửa mạnh mẽ, các sản phẩm điện ảnh “bom tấn” từ Hollywood và nhiều nền điện ảnh phát triển nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường; với sự đón nhận nhiệt thành từ khán giả vốn đang rất khát khao được thưởng thức các sản phẩm điện ảnh chuyên nghiệp, có chiều sâu, được đầu tư kỹ càng từ kịch bản, diễn viên, diễn xuất cho tới phim trường, kỹ thuật. Phim Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... từng xuất hiện tràn ngập từ sóng truyền hình tới rạp chiếu phim và các ứng dụng xem phim trực tuyến.

Rất mừng là thời gian gần đây, nhất là kể từ khi Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009 được ban hành, đã xuất hiện nhiều sản phẩm điện ảnh Việt Nam gây tiếng vang lớn trong công chúng, thu hút lượng khán giả xem rất lớn trên cả sóng truyền hình cũng như trong các rạp chiếu phim với doanh thu bán vé lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Hầu hết các bộ phim điện ảnh Việt Nam đưa ra rạp rất thành công đều đến từ các doanh nghiệp, nhà sản xuất phim tư nhân mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào về tài chính từ Nhà nước. Điều đó cho thấy, nếu có cơ chế phù hợp, sức phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam sẽ không kém các nước khác và nền điện ảnh Việt Nam cũng đủ sức vươn tầm khu vực và quốc tế.

Bởi thế, thứ mà các nhà làm phim Việt Nam nói riêng và khán giả Việt Nam nói chung trông đợi ở lần sửa đổi luật lần này là một môi trường thông thoáng thực sự để thổi bung sức sáng tạo điện ảnh, nhất là tiền kiểm hay hậu kiểm cũng rất cần sự bình đẳng, tránh tư duy quản lý theo kiểu “nắm người có tóc, không nắm kẻ trọc đầu”.

Đồng thời đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ hơn vào ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Họ ít trông chờ vào sự đột phá trong đầu tư nguồn lực từ Nhà nước sau lần sửa đổi luật này!

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ky-vong-lam-giau-tu-dien-anh-675908