Kỳ vọng 'làn gió mới' từ các bí thư tỉnh ủy trẻ
Ông Vũ Quốc Hùng tin tưởng và kỳ vọng vào đội ngũ bí thư tỉnh ủy trẻ sẽ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa đất nước phát triển.
Ông Vũ Quốc Hùng
Kết thúc Đại hội Đảng bộ các cấp, có 28 Bí thư tỉnh, Thành ủy được bầu có độ tuổi dưới 50 tuổi, tăng 115% so với nhiệm kỳ trước, nhiều Bí thư mới hơn 40 tuổi. Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ trẻ này sẽ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ đưa đất nước có bước phát triển đột phá trong thời gian tới.
“Tre già, măng mọc”
Ông có cho rằng, có một cuộc chuyển giao thế hệ đã diễn ra trong quá trình triển khai Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng?
“Tre già, măng mọc”, thực ra ở mỗi kỳ đại hội đều có sự chuyển giao thế hệ. Tuy nhiên, vào dịp Đại hội lần thứ XIII này, quá trình chuyển giao thế hệ được thể hiện rõ nét và đặc biệt hơn.
Với tỷ lệ cán bộ trẻ tăng mạnh, là sự chuyển giao vai trò lãnh đạo các địa phương, đơn vị từ thế hệ những cán bộ sinh ra, lớn lên và được rèn luyện, thử thách trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và các nước xã hội chủ nghĩa sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.
Sự chuyển giao giữa các thế hệ cán bộ, nếu được chuẩn bị kỹ thì là điều rất tốt, mang sinh khí mới cho đất nước.
Ông kỳ vọng gì ở đội ngũ lãnh đạo trẻ?
Ông cha ta từng có câu “con hơn cha nhà có phúc”, cho nên trách nhiệm của những nhân sự mới đã và đang thay thế phải thấy được sứ mệnh của mình, phải cố gắng phấn đấu làm tốt hơn những gì tiền nhiệm đã làm.
Tôi có niềm tin và hy vọng đối với đội ngũ trẻ này, bởi họ là những nhân sự ưu tú, có tài, có đức đã được lựa chọn. Khi lãnh đạo có trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng, được đào tạo bài bản, được giao trọng trách, được phát huy năng lực, bản lĩnh của mình thì với sức trẻ của mình, họ sẽ có sự đóng góp rất tốt cho địa phương, cơ quan đơn vị họ đứng đầu nói riêng và cho đất nước nói chung.
Tuổi trẻ thì thường có khát vọng, hoài bão, trẻ trung trong tư duy và hành động, nhưng liệu có đủ bản lĩnh để tránh được những cám dỗ, thưa ông?
Thế hệ cán bộ trẻ chủ yếu là những người được sinh ra và lớn lên trong thời bình, được đào tạo bài bản nên họ được trang bị kiến thức đầy đủ, có điều kiện tiếp cận với quốc tế với nhiều mô hình phát triển khác nhau, vì thế năng lực thích ứng và năng lực hội nhập quốc tế rất nhanh.
Nhưng lớp cán bộ này cũng có những hạn chế nhất định, đó là họ chưa có điều kiện được trải qua nhiều thử thách, bị tác động tiêu cực bởi kinh tế thị trường và cũng sẽ có người được đề bạt khi còn trẻ nên sinh ra chủ quan, cao ngạo, dễ bị cám dỗ bởi vật chất...
Tuy nhiên, công tác lựa chọn nhân sự bám sát các tiêu chí, tiêu chuẩn Đảng đã nêu ra, như Ban chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã yêu cầu, thì sẽ yên tâm là chúng ta đã chọn được những người đủ đức, đủ tài để giao trọng trách.
Cần có sự kiểm tra, giám sát
Lâu nay khi nhắc đến cán bộ trẻ nhiều người thường lo ngại tình trạng “chín ép”, ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Sử dụng thế hệ cán bộ trẻ và “chín ép” là hai việc khác nhau. “Chín ép” là những người chưa đủ điều kiện để làm một việc gì đó nhưng cứ “ép” họ phải làm. Hay nói cách khác là cố gắng dựng người nào đó lên vị trí mà họ không đủ năng lực trình độ đảm đương.
Những người trẻ hiện nay phải giao cho họ những trọng trách mới để thử thách, cùng với đó là luôn luôn có sự kiểm tra, giám sát, cảnh báo cho họ biết những việc làm chưa tốt. Để từ đó họ trưởng thành, trong tương lai có thể đảm đương những vị trí quan trọng của đất nước.
Vai trò của những người đi trước phải thể hiện sự gương mẫu, kinh nghiệm để thế hệ trẻ noi theo. Thế hệ đi trước phải uốn nắn, hỗ trợ để họ trưởng thành.
Trong số hơn 100 cán bộ bị kỷ luật thuộc diện Trung ương quản lý có những cán bộ được cho là “chín ép”. Đáng lẽ họ phải kinh qua từng vị trí công tác, được rèn luyện, thử thách trui rèn thì mới được bổ nhiệm ở những vị trí như thế, nhưng thực tế lại “đốt cháy giai đoạn”. Nhìn vào những sự việc đó, ta thấy rằng vừa đáng trách vừa đáng thương cho những cán bộ trẻ đó.
Vậy theo ông, phải làm thế nào để đội ngũ cán bộ trẻ không bị “chệch hướng”, không sa vào cám dỗ quyền lực?
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta có rất nhiều những quy định, quy chế trong tuyển chọn cán bộ. Nếu làm nghiêm túc những quy định đó thì việc tuyển chọn cán bộ sẽ được đúng đắn.
Đối với những cán bộ trẻ, thứ nhất chúng ta phải xem họ còn thiếu gì, cần bổ sung thì cho đi các lớp đào tạo. Thứ hai, cần phải có những tài liệu để cung cấp cho họ để họ đọc, tự học. Thứ ba, là yêu cầu họ phải lao vào thực tiễn.
Đã là người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo trẻ thì phải dám sáng tạo, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không theo ngẫu hứng, không phải muốn nổi bật cá nhân mình. Để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, chúng ta phải có cơ chế tạo điều kiện, bảo vệ để họ dám đột phá.
Không chỉ có tài mà phải có đức
Ông Đặng Quốc Khánh sinh năm 1976, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang là một trong những bí thư tỉnh ủy trẻ nhất cả nước
Một điểm mới của kỳ đại hội này, là tại các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, có 27 bí thư không là người địa phương, tăng 68% so với nhiệm kỳ trước. Theo ông, việc bố trí lãnh đạo không phải người địa phương có góp phần giảm thiểu tình trạng bè phái, lợi ích nhóm, hạn chế được tình trạng “cả họ làm quan” như đã từng xảy ra không?
Việc người đứng đầu không phải là người ở địa phương đã có chủ trương và được chúng ta thực hiện từ lâu, tuy nhiên chưa được làm rốt ráo.
Bây giờ chúng ta tập trung làm triệt để, thực hiện tốt việc này sẽ tránh được “địa phương cục bộ”, cùng với đó là tạo môi trường rèn luyện cán bộ. Một người ở địa phương khác về thì buộc phải lao động, tìm hiểu môi trường thì mới có thể lãnh đạo tốt được.
Việc thực hiện chủ trương lãnh đạo không phải người địa phương chắc chắn sẽ hạn chế hiện tượng bè cánh hay “cả họ làm quan”. Bởi ở địa phương khác, những mối quan hệ gia đình, làng xã sẽ ít xuất hiện, từ đó sẽ không bị chi phối trong việc điều hành công việc.
Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, có 51 Bí thư có trình độ thạc sĩ trở lên, tăng 21% và 28 Bí thư có độ tuổi dưới 50 tuổi, tăng 115% so với nhiệm kỳ trước. Những con số này thể hiện điều gì, thưa ông?
Con số này phần nào thể hiện chất lượng cán bộ tăng lên, thể hiện thế hệ trẻ được đào tạo bài bản và được chuẩn bị kỹ về kiến thức trước khi đảm đương một cương vị nào đó. Điều này rất đáng mừng cho đất nước.
Tuy nhiên, danh hiệu này, học vị kia cũng cần phải được trải nghiệm trong thực tế. Là cán bộ quản lý phải vừa có tài vừa có đức, không chỉ giỏi về chuyên môn và phải có khả năng tổ chức, lãnh đạo tập thể. Đặc biệt, phải có phẩm chất đạo đức, nêu gương càng lớn; phải dùng phẩm chất năng lực của mình cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.
Trong nhiệm kỳ vừa qua đã có gần 100 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, xử lý hình sự. Đâu là bài học được rút ra từ việc này?
Đây là một bài học đau đớn, cho thấy công tác tổ chức cán bộ, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, giám sát là còn thiếu sót. Từ những sự việc như vậy cho thấy công tác chuẩn bị nhân sự, giới thiệu và bầu chức danh là vô cùng quan trọng. Những người bỏ phiếu là người có vai trò hết sức quan trọng trong việc lựa chọn những cán bộ đủ đức, đủ tài vào Ban chấp hành Trung ương.
Bài học tiếp đến là công tác giám sát cần phải được thực hiện nghiêm túc và không ngừng nghỉ. Giám sát không chỉ là cơ quan chuyên môn (Ủy ban kiểm tra các cấp) mà chúng ta thực hiện cả hệ thống về Đảng, về Nhà nước. Cần phải gắn trách nhiệm giám sát này vào cấp ủy, tổ chức đảng khi để lọt những sai phạm của cá nhân, tổ chức.