Kỳ vọng làng nghề dịp cuối năm

Thời điểm này, các làng nghề trong tỉnh bắt đầu tất bật chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm. Đặc biệt, là sau khi trải qua 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid - 19, hơn lúc nào hết, người dân tại các làng nghề đang đặt nhiều kỳ vọng vào vụ Tết năm nay.

Xưởng mộc của anh Dương Văn Trường, TDP Hai Đông, thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) xuất bán gần 4.000 sản phẩm đồ gỗ các loại trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Thế Hùng

Xưởng mộc của anh Dương Văn Trường, TDP Hai Đông, thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) xuất bán gần 4.000 sản phẩm đồ gỗ các loại trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Thế Hùng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 làng nghề, trong đó 20 làng nghề truyền thống và 8 làng nghề mới. Các làng nghề này đã và đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, nâng cao thu nhập người dân, góp phần đưa kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.

Tuy vậy, cùng chung khó khăn của cả nền kinh tế, các làng nghề trong tỉnh đã phải trải qua thời gian đầy khó khăn do tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid - 19, khiến cho việc sản xuất cầm chừng, thậm chí nhiều thời điểm phải tạm dừng sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, khi dịch Covid - 19 được kiểm soát ổn định, các làng nghề đã dần ổn định lại sản xuất. Đặc biệt là khi những tháng cuối năm vốn được coi là những tháng “củ mật” đang đến gần, không khí sản xuất tại các làng nghề lại càng thêm nhộn nhịp.

Không còn tình trạng ảm đạm như 2 năm trước, ngay khi vừa tới đầu xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) nơi nổi tiếng với nghề rèn ở làng Bàn Mạch, chúng tôi đã nghe thấy những âm thanh chát chúa của các loại máy mài, máy dập, máy cắt kim loại…

Chị Lê Thị Thu Hằng, một trong hộ sản xuất dao có tiếng ở làng nghề rèn xã Lý Nhân chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, dịch Covid -19 được kiểm soát tốt, hàng hóa lưu thông trở lại, SXKD của gia đình đã ổn định hơn rất nhiều. Các mối hàng từng bị gián đoạn do dịch bệnh trong 2 năm qua, nay đã được kết nối trở lại, việc tiêu thụ cũng ngày khởi sắc”.

Khác hẳn với tình trạng bết bát khi doanh thu trong 2 năm 2020 -2021 giảm gần 70% so với thời điểm trước dịch, đến nay, gia đình chị đã duy trì lượng tiêu thụ mỗi tháng khoảng 5000 – 6000 sản phẩm, đạt doanh thu 200 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, năm nay cũng là năm ghi dấu ấn tích cực khi lượng tiêu thụ qua kênh online của gia đình chị tăng lên đột biến, chiếm 40% tổng lượng tiêu thụ.

Tiêu thụ khả quan, gia đình chị đặt ra kỳ vọng cao vào thị trường những tháng cuối năm. Chị Hằng chia sẻ: “Thông thường, sản phẩm dao của làng nghề thường bán chạy nhất vào cuối năm và ra Tết. Dự kiến cuối năm nay, lượng tiêu thụ dao của gia đình tôi sẽ đạt từ 6000 – 7000 sản phẩm/tháng”. Với kỳ vọng đó, ngay từ đầu tháng 7 âm lịch vừa qua, gia đình chị đã chủ động nhập nguyên vật liệu, bắt tay vào chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường cuối năm.

Cũng giống như làng nghề rèn xã Lý Nhân, tại các làng nghề mộc ở thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc), nơi đang có 12 doanh nghiệp và trên 1 nghìn hộ sản xuất mộc, không khí sản xuất cũng ngày càng nhộn nhịp. Anh Nguyễn Hữu Dũng, cán bộ khuyến công thị trấn khẳng định: “Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do giá gỗ nguyên liệu vẫn ở mức cao, song nhìn chung từ đầu năm đến nay, hoạt động SXKD ở làng nghề đã ổn định hơn nhiều so với 2 năm trước”.

Cụ thể, theo anh Dương Văn Trường – một hộ sản xuất mộc tại TDP Hai Đông, thị trấn Yên Lạc, dù sản lượng chưa thể bằng với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid - 19, song lượng tiêu thụ từ đầu năm đến nay đã khả quan hơn rất nhiều. Tính chung trong 7 tháng đầu năm (theo âm lịch), xưởng mộc của anh Trường đã xuất bán gần 4000 sản phẩm đồ gỗ các loại.

Trước tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, ngay từ đầu năm, anh Trường đã xây dựng thêm 1 nhà xưởng với diện tích 500m2 và đầu tư một số máy móc để mở rộng sản xuất. Đặc biệt, để chuẩn bị cho những tháng giáp Tết, anh đã nhập một lượng lớn gỗ các loại; huy động hết nhân công để chuẩn bị hàng hóa nhằm đáp nhu cầu thị trường. Anh Trường tự tin: “Dự kiến lượng tiêu thụ trong những tháng tới sẽ còn tiếp tục tăng cao. Vào cao điểm tháng 11 âm lịch có thể lên tới 1000 sản phẩm, gấp đôi so với lượng tiêu thụ bình quân các tháng trong năm”.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ thị trường tiêu thụ, anh Dũng cho biết thêm: “Hiện nay, giá xăng dầu, cước vận chuyển đã giảm nhiều so với trước. Thêm vào đó, giá gỗ nguyên liệu mặc dù vẫn ở mức cao song đang có xu hướng giảm 5 -10 % so với thời điểm đầu năm. Do đó chúng tôi tin tưởng hoạt động SXKD của làng nghề sẽ có nhiều khởi sắc trong những tháng cuối năm”.

Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, không khí thi đua sản xuất của các làng nghề cũng đang ngày càng rộn ràng, hứa hẹn các làng nghề sẽ có bước chuyển mình tích cực về cuối năm.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82634/ky-vong-lang-nghe-dip-cuoi-nam.html