Kỳ vọng mắc ca
ĐBP - Sau hơn 5 năm bén rễ trên mảnh đất Điện Biên, cây mắc ca đã cho những lứa quả đầu tiên. Trên cơ sở những mô hình thử nghiệm thành công, hiện nay cây mắc ca đang được các địa phương phát triển, mở rộng diện tích, hướng tới mục tiêu là cây trồng 'mũi nhọn'.
Công nhân Công ty Cổ phần Maccadamia Điện Biên chăm sóc cây mắc ca tại bản Nặm Cứm, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng).
Những hiệu quả đầu tiên
Từ trung tâm huyện Tuần Giáo dọc theo quốc lộ 6 đến 2 xã Quài Cang và Quài Nưa, đã có sự thay đổi rất lớn về cơ cấu cây trồng trên nương của người dân. Nhiều diện tích đất sản xuất luân canh, bạc màu, bỏ hoang; những đồi ngô, nương lúa kém hiệu quả đã được thay thế bởi những vườn mắc ca xanh mướt. Người dân vui mừng, phấn khởi vì loài cây được mệnh danh “nữ hoàng quả khô” đã cho những lứa quả đầu tiên.
Năm 2013, khi triển khai một số mô hình, dự án thí điểm trồng cây mắc ca tại xã Quài Nưa, không ít người hoài nghi, e ngại, không muốn tham gia dự án theo chủ trương của huyện. Khi ấy, ông Cà Văn Chanh, bản Pha Nàng (năm 2013 là Chủ tịch UBND xã Quài Nưa - PV) đã phát huy tinh thần tiên phong của cán bộ đảng viên, mạnh dạn chuyển đổi 2ha nương ngô sang trồng thí điểm cây mắc ca.
Ông Cà Văn Chanh cho biết: Thời điểm năm 2013 - 2014, tôi hầu như chưa có thông tin về loại cây này nên rất băn khoăn. Song với tinh thần “trên gương mẫu, dưới tích cực làm theo”, tôi đã không ngần ngại đăng ký tham gia dự án của huyện. Sau khi tôi và một số cán bộ, đảng viên của xã tham gia thì người dân mới trồng thí điểm cây mắc ca. Từ năm 2018, cây mắc ca bói lứa quả đầu tiên. Đến năm 2020, gia đình tôi thu hoạch hơn 8 tạ quả, bán với giá 50 nghìn đồng/kg quả tươi, mang lại thu nhập hơn 40 triệu đồng. Hiện nay, diện tích trồng thí điểm năm 2013 trên địa bàn xã đã cho thu hoạch từ 3 - 4kg quả/cây.
Ông Cà Văn Tươi, bản Chăn cũng là một trong những hộ đầu tiên trồng mắc ca tại xã Quài Nưa với diện tích 1ha. Hiện nay vườn cây mắc ca của ông Tươi đã khép tán, ra quả. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mắc ca, ông Tươi phấn khởi nói: “Năm nay mới là năm thứ 2 cho quả, mỗi cây đạt sản lượng từ 3 - 4kg, cây nào sai hơn thì 5 - 6kg. Vườn mắc ca đã khép tán, tôi có thể trồng xen các loại cây ưa bóng mát như gừng để tăng thu nhập.
Ông Lò Văn Pọm, Chủ tịch UBND xã Quài Nưa cho biết: Toàn xã có khoảng 600ha cây mắc ca, trong đó diện tích mắc ca của người dân khoảng 100ha và 500ha của doanh nghiệp đầu tư. Người dân còn được Công ty hợp đồng lao động thời vụ với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Mở rộng quy mô
Trên cơ sở thành công của các dự án, mô hình thí điểm, từ năm 2015 đến nay, tỉnh ta xác định phát triển mắc ca thành cây trồng “mũi nhọn”. Từ đó tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng quy mô.
Tuần Giáo là huyện tiên phong trong phát triển cây mắc ca và có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh. Đến hết năm 2021, toàn huyện đã phát triển lên 1.400ha mắc ca, chủ yếu tại 2 xã: Quài Nưa và Quài Cang; diện tích cho thu hoạch đạt khoảng 190ha.
Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Theo Đề án phát triển cây mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, Tuần Giáo được quy hoạch trồng 2.000ha mắc ca. Năm 2021, huyện đã hoàn thành trồng mới 350ha, trong đó tại xã Quài Nưa 250ha. Hiện nay huyện đang phối hợp với doanh nghiệp tiến hành khảo sát, quy chủ, đo đạc tại các xã: Mường Thín, Nà Sáy, Mường Khong... để tiếp tục triển khai các dự án phát triển cây mắc ca.
Cùng với Tuần Giáo, Mường Ảng, hiện nay chủ trương phát triển cây mắc ca đã lan tỏa đến hầu hết các địa phương trong tỉnh. Đến nay, UBND tỉnh phê duyệt 8 dự án trồng cây mắc ca, với tổng mức đầu tư 8.812 tỷ đồng, quy mô 47.046ha, tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ và TP. Điện Biên Phủ.
Những diện tích trồng thí điểm đã cho thu hoạch, các dự án phát triển mới cũng đang được triển khai đồng loạt. Kỳ vọng mắc ca sẽ là cây trồng giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/193910/ky-vong-mac-ca