Kỳ vọng minh bạch nhờ nguồn dữ liệu nhà đất

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản có cùng nội dung (mới chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2022).

Thị trường thúc đẩy hoàn thiện kho dữ liệu

Điều này cho thấy, Bộ Xây dựng đã ý thức được nhu cầu cấp bách của việc đổi mới các quy định pháp luật nhằm xây dựng và hoàn thiện một hệ thống thông tin mới, đầy đủ hơn, chính xác hơn đối với thị trường nhà ở và bất động sản.

Thực tế, theo Bộ Xây dựng, sau gần 2 năm triển khai Nghị định 44/2022/NĐ-CP, hệ thống thông tin về thị trường nhà ở và bất động sản vẫn rất nghèo nàn, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý hoạt động kinh doanh nhà đất. Trong đó, nguồn lực tài chính, nhân sự còn hạn chế; cơ chế phối hợp giữa các bộ ban ngành còn lỏng lẻo và chế tài áp dụng với các hành vi vi phạm chưa mang tính răn đe… là những nguyên nhân chính khiến hệ thống dữ liệu về thị trường bất động sản, nhà ở chưa hoàn thiện được.

Chính vì vậy, việc gấp rút hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 44/2022/NĐ-CP là bước đi quan trọng giúp cơ quan quản lý kịp thời cập nhật các diễn biến thị trường, kiểm soát tốt giá nhà đất và các hoạt động giao dịch liên quan đến bất động sản. Trong khi đó, doanh nghiệp, người dân có thể có được một nguồn dữ liệu mở chính thống, tin cậy và chính xác để tham khảo khi giao dịch kinh doanh, chuyển nhượng nhà cửa, đất đai.

Theo ghi nhận từ dự thảo của Nghị định mới, một số nút thắt, khó khăn khi xây dựng kho dữ liệu thông tin về thị trường nhà đất, hiện nay đã được Bộ Xây dựng nhận diện và đưa vào luật hóa thành các quy định pháp lý.

Chẳng hạn, quy định liên quan đến kinh phí phục vụ thu thập, xử lý dữ liệu đối với các địa phương hiện nay đã được bổ sung trong dự thảo Nghị định. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra Thông tư hướng dẫn Điều 76 Luật Kinh doanh bất động sản, nhằm hướng dẫn chi tiết về lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí phục vụ thu thập dữ liệu thông tin nhà đất; hướng dẫn xác định giá cung cấp thông tin dữ liệu.

Về các quy định liên quan đến cơ chế phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin dữ liệu, Dự thảo Nghị định cũng đã bổ sung nhiều biểu mẫu chi tiết áp dụng cho các bộ, ban, ngành liên quan như: Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, NHNN, Tổng cục Thuế, Tổng cục Thống kê… Trong đó, quy định khá cụ thể về các nội dung thông tin, thời gian cập nhật đối với các dữ liệu thông tin, phân cấp đến phạm vi hành chính cấp xã, phường.

Kho dữ liệu thông tin mở về thị trường nhà đất được doanh nghiệp và người dân rất trông đợi

Kho dữ liệu thông tin mở về thị trường nhà đất được doanh nghiệp và người dân rất trông đợi

Kỳ vọng dẹp tình trạng “loạn thông tin”

Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, hiện nay hạ tầng công nghệ và nguồn dữ liệu là khá đầy đủ để có thể xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin đối với lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, để các quy định pháp lý của Nghị định mới có thể được thực thi nghiêm túc thì cần sự phối hợp rất chặt chẽ và có trách nhiệm từ tất cả các bộ, ngành và địa phương. Trong đó, các quy định về chế tài, xử phạt đối với hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin, dữ liệu về thị trường nhà đất cần được nâng lên so với mức phạt hiện nay là 60-80 triệu đồng (theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP). Bởi nhiều chuyên gia cho rằng mức phạt hành chính này chưa đủ sức răn đe và khó tạo ra sự nghiêm túc, trách nhiệm đối với các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan.

Ở góc độ góp ý hoàn thiện Nghị định, các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) cho rằng, Bộ Xây dựng cần xem xét, bổ sung thêm các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc công bố thông tin với công chúng, nhất là các doanh nghiệp nghiên cứu thị trường. Những thông tin này mặc dù có ảnh hưởng nhất định đến thị trường nhưng tính xác thực chưa được đảm bảo, chưa có bên thứ 3 nào có đủ thẩm quyền và chuyên môn để đánh giá tính chính xác, khách quan của những báo cáo này. Vì thế cần có cơ chế phản biện độc lập đối với các báo cáo của doanh nghiệp cùng những thông tin về thị trường bất động sản, nhà ở.

Theo các doanh nghiệp bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh, để tăng thêm độ chi tiết, chính xác và đầy đủ cho kho dữ liệu, Bộ Xây dựng nên nghiên cứu, quy định thêm các thông tin dữ liệu cần được các bộ, ngành, địa phương kết nối, chia sẻ.

Theo đó, ngoài các thông tin yêu cầu chia sẻ theo các biểu mẫu (ban hành kèm theo Nghị định), Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chia sẻ thêm các thông tin về thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận để tiện cho việc thực hiện đánh số nhà, định danh chủ sở hữu bất động sản. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cần chia sẻ các thông tin về vốn đầu tư trong nước vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần chia sẻ các thông tin liên quan đến danh mục, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, giá trị vốn hóa, giá trị hàng tồn kho. Song song đó, Tổng Cục Thuế cần chia sẻ thêm các thông tin về giá trị giao dịch đối với hoạt động chuyển nhượng và nguồn thu ngân sách nhà nước từ nhà, đất.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ky-vong-minh-bach-nho-nguon-du-lieu-nha-dat-154005.html