Kỳ vọng mô hình ngân hàng mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Bộ
Để phù hợp với mô hình tỉnh, thành phố mới, Ngân hàng Nhà nước vừa thay đổi mô hình hoạt động của bộ máy quản lý ngành ở khu vực Đông Nam Bộ.
Sự thay đổi này được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực mà còn góp phần quan trọng để phát triển mô hình hoạt động mới hiệu quả, trở thành dấu ấn lịch sử về đổi mới và phát triển của ngành ngân hàng.

Kỳ vọng mô hình ngân hàng mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Bộ. Ảnh: BNEWS
Theo đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Khu vực 12 (sắp xếp từ các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa Vũng Tàu từ tháng 3/2025) được hợp nhất vào Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 (trước đây là Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh) trở thành Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 (mới), nhằm thực hiện vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng tại 2 tỉnh, thành phố mới hiện nay là TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Mô hình mới này chính thức đi vào hoạt động bắt đầu từ 1/7/2025, cùng với thời điểm vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại các tỉnh, thành phố. Đây không chỉ là sự kiện lịch sử của cả nước nói chung mà cũng là sự kiện lịch sử về công cuộc đổi mới của ngành Ngân hàng nói riêng, với dấu ấn về mô hình tổ chức mới: Ngân hàng Nhà nước Khu vực.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2, sự đổi mới này phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan, phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, với nội hàm về thực thi chính sách tiền tệ và đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho các tỉnh thành phố phát triển. Qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt được mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, đây là sự đổi mới cần thiết để giúp thực hiện tốt nhiệm vụ địa phương. Quy mô hoạt động của hệ thống ngân hàng mở rộng và có hệ thống mạng lưới các tổ chức tín dụng, hoạt động rộng khắp trên tất cả các địa bàn thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính. Trong quá trình này, sự phát triển của hoạt động ngân hàng với quy mô và khả năng đáp ứng tốt nhu cầu vốn, dịch vụ, sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, phát triển kinh tế vùng và khai thác lợi thế vốn có của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 cho rằng, sự đổi mới này cũng tạo khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn ngày càng cao cho phát triển kinh tế xã hội tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Đáng chú ý, sau khi sắp xếp tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn này khoảng 5,3 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất và chiếm trên 32% tổng dư nợ tín dụng của cả nước.
Mạng lưới hoạt động rộng hơn, nhu cầu vốn mở rộng và tăng trưởng là các yếu tố thuộc quy mô, có tác động đến tăng trưởng tín dụng của khu vực này.
Sự tăng trưởng và phát triển của TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai với mô hình tăng trưởng mới và tiềm năng phát triển mới sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hoạt động dịch vụ ngân hàng, thị trường tài chính phát triển.
Mặt khác, việc sắp xếp này cũng giúp thực hiện tốt nhiệm vụ địa phương. Trong đó, việc tổ chức triển khai đồng bộ cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng trên các địa bàn thuộc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cơ chế chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và thống nhất.
Sự tập trung chỉ đạo điều hành trong hoạt động này, sẽ không chỉ phát huy vai trò quản lý mà còn tác động tích cực đến hiệu quả chính sách, hiệu quả truyền thông chính sách. Qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, những phản ánh từ thực tiễn khách quan về phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, lợi thế địa lý và vùng kinh tế… sẽ có những điều chỉnh phù hợp, hợp lý trong sử dụng nguồn lực chính sách, để ưu tiên phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ… phù hợp với đặc điểm kinh tế địa phương, kinh tế vùng. Trong đó, các chương trình tín dụng chuyên đề; các gói tín dụng ưu đãi sẽ phát huy hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và hợp tác xã… phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội mỗi tỉnh thành phố.
Chẳng hạn, tại địa bàn tỉnh Đồng Nai (mới), tổng dư nợ tín dụng (đến cuối tháng 5/2025) đạt 567 tỷ đồng, tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2024. Dù quy mô tín dụng nhỏ so với tổng dư nợ tín dụng khu vực 2 (chỉ chiếm gần 11%), song dư địa tăng trưởng lớn. Vì vậy sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt trong thời gian tới, gắn với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai mới.
Mô hình tổ chức mới, với yêu cầu đổi mới toàn diện gắn với sử dụng hiệu quả các nguồn lực như lao động, công nghệ và chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện tốt mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, tăng khả năng đáp ứng, khả năng thực hiện trách nhiệm nhiệm vụ địa phương của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2, tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Với ý nghĩa đó, việc triển khai thực hiện tốt hoạt động quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn sẽ góp phần quan trọng để thực hiện và phát triển mô hình hoạt động mới hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả, trở thành dấu ấn lịch sử về đổi mới và phát triển của ngành ngân hàng.