Kỳ vọng mới cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Sự bùng nổ của thị trường trái phiếu trong khoảng 2 năm gần đây đã hé lộ nhiều 'góc khuất' rủi ro của sản phẩm đầu tư này. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, thị trường hứa hẹn sẽ 'sang trang mới' chuyên nghiệp và an toàn hơn.
Cơn sốt đầu tư trái phiếu trong khoảng 2 năm vừa qua khiến thị trường tồn tại quá nhiều “trái phiếu 3 không”: không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán. Thậm chí, có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng chính sách dễ dãi để huy động vốn với lãi suất cao nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng, khả năng trả nợ mù mịt. Trong khi đó, nhà đầu tư cứ thấy lãi suất cao là mua vào, tự đẩy mình vào thế “ôm bom”.
“Vàng thau lẫn lộn”
Theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 12/2020, các doanh nghiệp huy động thành công hơn 34.470 tỷ đồng, đạt chưa đến một nửa giá trị trái phiếu đem chào bán trong tháng.
Trong đó, các ngân hàng giữ vị trí “quán quân” khi huy động 19.003 tỷ đồng trái phiếu trên thị trường nội địa và 160 triệu USD (HDBank) trên thị trường quốc tế; các doanh nghiệp bất động sản huy động được 2.027 tỷ đồng; ngành xây dựng và sản xuất huy động lần lượt 1.508 tỷ đồng và 1.304,6 tỷ đồng.
Dự kiến thị trường trái phiếu năm 2021 sẽ chuyên nghiệp và an toàn hơn.
Tính chung cả năm 2020, các tổ chức đã huy động gần 403.469 tỷ đồng trên thị trường nội địa và 345 triệu USD trên thị trường quốc tế. Với số liệu này, giá trị trái phiếu đã huy động thành công cao hơn năm 2019 đến 36%, tỷ lệ huy động thành công/lượng chào bán đạt 69,1%, cao hơn năm 2019 (đạt 67%).
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý tại các đợt phát hành trái phiếu không phải là số lượng bao nhiêu, giá trị thế nào, mà chính là lãi suất bởi đây là yếu tố duy nhất để hấp dẫn các nhà đầu tư.
Thế nhưng, khảo sát các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu cho thấy điều bất ngờ là, lãi suất trái phiếu đang được cào bằng 10 - 12%/năm mà không tính đến doanh nghiệp "khỏe" hay yếu.
Đây là nhóm doanh nghiệp chiếm hơn 40% tổng lượng phát hành và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục trái phiếu đáo hạn 3 năm tới. Cụ thể, 31% đáo hạn năm 2021, hơn 27% đáo hạn năm 2022 và gần 22% đáo hạn năm 2023. Trong khi đó, “sức khỏe” của các doanh nghiệp này luôn khiến nhiều người lo ngại.
Theo ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Khối Dịch vụ nghiên cứu thị trường của FiinRerearch, chỉ số nợ thuần/EBITDA (đo lường mức thu nhập được tạo ra và có sẵn để trả nợ trước khi trả lãi, thuế, chi phí khấu hao) của doanh nghiệp bất động sản trong 9 tháng năm 2020 đã tăng vọt lên 6,6 lần, từ mức 3,1 lần cùng kỳ năm trước (hệ số cao cho thấy gánh nợ lớn). Trong khi đó, hệ số khả năng chi trả lãi vay giảm còn 1,4 lần, so với 5,4 lần cùng kỳ năm trước.
“Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, việc doanh nghiệp mạnh hay yếu không quan trọng mà cứ thấy lãi cao là mua, tự đẩy mình vào thế rủi ro”, ông Đồng cho biết.
Siết chặt để phát triển bền vững
Thực tế, kể từ năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng có liên quan đã không ít lần lên tiếng cảnh báo các nhà đầu tư “không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất”. Tuy nhiên, những lời khuyến nghị này dường như không khiến các nhà đầu tư lay động.
Theo đó, trong năm 2020, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 đã sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp nêu tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP.
Tại Nghị định số 81/2020/NĐ-CP, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn so với quy định hiện hành nhằm tiếp tục vận hành và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, bền vững.
Bước sang năm 2021, cùng với hiệu lực thi hành của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và 3 nghị định vừa được trình Chính phủ liên quan đến thị trường trái phiếu, tạo khung pháp lý thống nhất về trái phiếu doanh nghiệp, những điểm mới đã được cập nhật tới các thành viên thị trường.
Hàng loạt điểm mới trong Nghị định 153, 155 và 156 liên quan tới khuôn khổ pháp lý về phát trái phiếu doanh nghiệp, theo hướng chuyên nghiệp hóa, minh bạch hóa thị trường, làm rõ điều kiện cũng như trách nhiệm các thành viên tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
Đặc biệt, phân biệt giữa trái phiếu riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng về đối tượng mua và giao dịch, được đánh giá là bước chuẩn hóa thị trường, tiệm cận với các thông lệ quốc tế.
Theo đó, từ năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ được phát hành và giao dịch đối với các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với sự ra đời của thị trường trái phiếu thứ cấp (dự kiến trong năm 2021). Còn trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng lộ trình, yêu cầu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành.
Trong một hội thảo gần đây về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: “Khung khổ pháp lý đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ được ban hành đầy đủ, đồng bộ sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động phát hành trái phiếu; tăng cường quản lý giám sát đối với hoạt động phát hành trái phiếu và thúc đẩy phát triển đồng bộ cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, góp phần phát triển thị trường an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, thực hiện mục tiêu cân bằng hơn với thị trường tín dụng ngân hàng nhằm phát triển đồng bộ các kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế…”.