Tiếp tục xuất siêu lớn, 10 tháng đạt hơn 23,3 tỷ USD

Cùng với đà phục hồi của thị trường thế giới, thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tích cực. 10 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 648 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ, xuất siêu hơn 23,3 tỷ USD.

Cùng với thu hút đầu tư nước ngoài, thì xuất nhập khẩu tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế.

Theo báo cáo vừa được công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, con số là 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng khá cao trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới đã tăng trở lại, bắt đầu từ năm 2024 này.

Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nói trên, xuất khẩu đóng góp 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 72%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng năm 2024, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Đồ điện tử, linh kiện và máy tính là nhóm có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao nhất trong 10 tháng, với hơn 58,66 tỷ USD.

Đồ điện tử, linh kiện và máy tính là nhóm có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao nhất trong 10 tháng, với hơn 58,66 tỷ USD.

Điện tử, linh kiện và máy tính tiếp tục là nhóm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, với hơn 58,66 tỷ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, điện thoại và linh kiện đạt 46,46 tỷ USD, tăng 4,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt trên 43 tỷ USD, tăng 21,5%; dệt may đạt trên 30,5 tỷ USD, tăng 10,5%; giày dép đạt hơn 18,5 tỷ USD, tăng 12,9%...

Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực này đã đóng góp lớn cho tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chiếm 66,5%.

Trong khi đó, xét về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, thì nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn đóng góp lớn nhất, 10 tháng sơ bộ đạt 295,23 tỷ USD, chiếm 88%; nhóm hàng nông sản, lâm sản sơ bộ đạt 28,54 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản sơ bộ đạt 8,25 tỷ USD, chiếm 2,4%...

Ở chiều ngược lại, Tổng cục Thống kê cho biết, 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 113,58 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,7 tỷ USD, tăng 15,8%.

Trong 10 tháng năm 2024 có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 48,3%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng năm 2024, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, nhóm hàng tư liệu sản xuất sơ bộ đạt 292,57 tỷ USD, chiếm 93,7%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng sơ bộ đạt 19,71 tỷ USD, chiếm 6,3%.

Kết quả này đã đưa thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đạt ở mức cao. Tháng 10/2024, sơ bộ xuất siêu 1,99 tỷ USD. Còn tính chung 10 tháng năm 2024, thặng dư thương mại là 23,31 tỷ USD. Con số này tuy thấp hơn mức 24,8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn đáng ghi nhận.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,61 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,92 tỷ USD.

Xét về thị trường, thì 10 tháng qua, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ 86,1 tỷ USD tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 28,5 tỷ USD, tăng 18,6%; xuất siêu sang Nhật Bản 2,4 tỷ USD, tăng 56,9%.

Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc 66,9 tỷ USD, tăng 68,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 25,3 tỷ USD, tăng 8,1%; nhập siêu từ ASEAN 7,3 tỷ USD, tăng 6,4%.

Hà Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tiep-tuc-xuat-sieu-lon-10-thang-dat-hon-233-ty-usd-d229314.html