Kỳ vọng một 'mùa' vui
Sáng 5/9, hơn 900.000 học sinh trên khắp mọi vùng miền của tỉnh đã hân hoan bước vào năm học 2024-2025 với buổi lễ khai giảng được tổ chức trang trọng, ấm cúng và an toàn. Niềm vui ấy đã tiếp thêm khí thế, động lực để ngành Giáo dục Thanh Hóa vững tin nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học mới.
Hân hoan lễ khai giảng năm học mới
Sáng sớm 5/9, trên khắp nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, làng quê bãi ngang ven biển đến những bản làng nơi biên giới xa xôi, không khí trở nên đông vui, tấp nập hơn bởi hàng dài phụ huynh đưa con trẻ đến trường dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025. Những đứa trẻ được sắm sanh quần áo mới, xúng xính trên tay những bóng bay, cờ đỏ sao vàng háo hức đến trường.
Trong dòng người ấy, chị Vi Thị Nghe (SN 1984) ở bản Cân, xã Tam Chung (Mường Lát) cũng gác lại công việc đồi nương thường nhật, đưa con gái đến Trường Phổ thông DTNT THCS Mường Lát dự lễ khai giảng. Nhà cách trường hơn 7km đường núi, nên chị đã thức dậy từ lúc 5h sáng đồ xôi cho con gái ăn sáng. Rồi mẹ con lọc cọc xe máy đến trường để con gái còn kịp chuẩn bị cùng các bạn trong đội văn nghệ biểu diễn trong lễ khai giảng. Lúc đến cổng trường, chị còn cẩn thận chỉnh trang lại trang phục biểu diễn của con gái và dặn dò con chú ý múa cho thật đẹp.
Chị bộc bạch: “Ngày trước mình không có điều kiện được học tập nên cuộc sống rất vất vả. Vợ chồng mình biết rằng, chỉ có học tập thật tốt thì con cái mình mới đỡ vất vả. Vậy nên, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song vợ chồng mình luôn ưu tiên đầu tư cho con cái ăn học”.
Cách trung tâm huyện Mường Lát hơn 30km, lễ khai giảng năm học mới ở khu lẻ Pù Đứa, Trường Tiểu học Quang Chiểu 1 (Mường Lát) đơn sơ nhưng đầm ấm trong Ngày hội Toàn dân đưa trẻ đến trường. Buổi lễ không có hoa tươi, cũng chẳng có nghi thức đón học sinh lớp 1, do các cháu được bố mẹ đưa về dự lễ ở khu trường trung tâm; phông sân khấu cũng khiêm tốn, nhưng đã là sự cố gắng lớn lao với bao tâm huyết của những thầy cô giáo gieo chữ trên triền đất biên cương đầy gian khó này.
Trong buổi lễ, những đứa trẻ bản Mông Pù Đứa chăm chú theo dõi những tiết mục văn nghệ của thầy cô giáo và các bạn biểu diễn. Còn phía bên ngoài, phụ huynh cũng hướng ánh mắt vào trong, cùng trang nghiêm hát Quốc ca với thầy trò và nghe Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới.
Trường Tiểu học Quang Chiểu 1 hiện còn 3 khu lẻ, gồm: Pù Đứa, Co Cài, Cúm và khu trung tâm. Do số học sinh ở các khu lẻ Co Cài, Cúm rất ít, nên nhà trường đã tổ chức đón các cháu về dự lễ khai giảng tại khu trung tâm. Riêng khu Pù Đứa, học sinh nhiều hơn (53 cháu), lại cách trường chính gần 10km, giao thông khó khăn, nên nhà trường đã tổ chức lễ khai giảng tại nơi các cháu vẫn thường học tập.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, năm học này, huyện Mường Lát có 11.491 học sinh ở 3 bậc học: Mầm non, tiểu học và THCS. Trong sáng 5/9, các trường học trên địa bàn đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới ngắn gọn, trang trọng, an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh và phù hợp với tình hình thực tiễn ở từng địa phương.
Tại huyện biên giới Quan Sơn, trong Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, cô trò Trường Mầm non Sơn Lư 1 vui mừng hơn khi khu phòng học mới sau thời gian đầu tư xây dựng đã được đưa vào sử dụng. Công trình được UBND huyện Quan Sơn đầu tư 10,4 tỷ đồng với 1 dãy nhà 3 tầng, gồm 10 phòng học và 1 khu bếp, đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ trên địa bàn. Khu phòng học 2 tầng cũ cũng được sửa chữa, chuyển đổi công năng thành khu nhà hiệu bộ.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Lư 1 Lữ Thị Thanh cho biết, đáp lại sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, bám sát chủ đề năm học 2024 - 2025 “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, cô trò nhà trường tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, không ngừng nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Ngoài niềm vui chung cùng cả nước trong Ngày hội Toàn dân đưa trẻ đến trường, người dân ở các bản xa trung tâm xã Sơn Điện (Quan Sơn) phấn khởi hơn bởi năm học này con em họ không còn cảnh ở trọ, ở nhờ học chữ. Được nhà nước đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, ban giám hiệu Trường THCS Sơn Điện đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã và phối hợp với các hội, đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động phụ huynh cùng nhà trường tổ chức mô hình bán trú dân nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu ở xa học tập.
Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Điện Phạm Ngọc Thành cho biết: Do sự thay đổi chính sách, nhiều học sinh ở xa trường đã không còn được hỗ trợ chế độ bán trú, giao thông khó khăn, ảnh hưởng đến thành tích học tập. Nhất là học sinh ở các bản: Xa Mang, Xuân Sơn, Na Hồ, Buôn, Ban cách trường trên 10km. Nhà trường hy vọng việc tổ chức mô hình bán trú dân nuôi sẽ góp phần khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu được học tập tốt hơn.
Càng về xuôi, trên trục đường dẫn vào trường học càng nhuộm thêm sắc màu rực rỡ Ngày hội Toàn dân đưa trẻ đến trường. Tại TP Thanh Hóa, lực lượng CSGT đã có mặt từ sáng sớm tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho phụ huynh đưa trẻ đến trường. Các trường học đều được trang hoàng, lộng lẫy cờ hoa, do các thầy cô giáo dày công chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó, chờ đón học sinh thân yêu bước vào năm học mới với nhiều hứa hẹn bội thu “quả ngọt”.
Chính không khí ấy đã tạo nên sự hân hoan, phấn khởi trong mỗi học sinh, nhất là những học sinh đầu cấp. Em Nguyễn Thị Ngọc Anh, học sinh lớp 6 ở xã vùng biển Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) chia sẻ: “Em rất vui và hồi hộp khi được dự lễ khai giảng năm mới - năm học đầu tiên tại Trường THCS Hoằng Ngọc. Trong niềm vui, phấn khởi ấy và khi tiếng trống khai trường đã điểm, em cũng như các bạn trong lớp, trong trường nhận ra rằng phải quyết tâm thi đua học tập thật tốt, rèn luyện thật tốt”.
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị cho năm học mới, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường, quan tâm hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để không một học sinh nào không được đến lớp. Đồng thời phân công lãnh đạo chủ chốt trực tiếp kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học; dự lễ khai giảng ở các nhà trường.
Cùng với sự quan tâm ủng hộ của phụ huynh và các tầng lớp Nhân dân, Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức trang trọng, vui tươi trên khắp các vùng miền trong tỉnh đã tiếp tục khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu; Giáo dục và đào tạo hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm học 2023-2024, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa, Thanh Hóa có 84/90 thí sinh dự thi đoạt giải (đạt ty lệ 93%, cao nhất cả nước, tăng 23 giải so với năm học 2022-2023). Có 1 học sinh đoạt huy chương đồng cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev (IMChO) lần thứ 58; 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á (APhO) năm 2024; 1 huy chương bạc tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2024.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thanh Hóa xếp thứ 18 trong top các tỉnh có điểm thi cao nhất (tăng 3 bậc so với năm 2023), là tỉnh có điểm 10 nhiều nhất toàn quốc, có 2 học sinh đạt thủ khoa toàn quốc.
Cũng trong năm học 2023 - 2024, Thanh Hóa duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Năm học 2024 - 2025 là dấu mốc quan trọng, quyết định sự thành công của việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của tỉnh, ngành Giáo dục Thanh Hóa đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục được quan tâm. Đồng thời đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; trong đó, quan tâm đến đối tượng là của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, để không còn ai bị bỏ lại phía sau. Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo...
Thực hiện được những nhiệm vụ, giải pháp ấy trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, không ít trường học ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên còn chưa đồng đều... là một thách thức lớn. Vì vậy đòi hỏi tinh thần nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn của không chỉ riêng ngành Giáo dục, mà còn từ các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội tập trung thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tất cả vì học sinh thân yêu, vì tương lai đất nước.
Đó cũng là tinh thần chỉ đạo của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khi dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Lê Lợi (Thọ Xuân). Đồng chí nhấn mạnh: Ngành GD&ĐT, cấp ủy, chính quyền huyện Thọ Xuân cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, phải kiên trì, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, bất cập, những “điểm nghẽn”, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục, quan tâm bố trí ngân sách và khai thác mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; chú trọng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu công tác dạy và học.
Thầy và trò Trường THPT Lê Lợi cần khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, mỗi cán bộ, cô giáo, thầy giáo và các em học sinh cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học. Bám sát chủ đề năm học 2024 - 2025 “Kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, không ngừng cải tiến, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng nâng cao phẩm chất, năng lực của học sinh, khơi dậy tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-vong-mot-mua-vui-223925.htm