Kỳ vọng người trẻ cất lên tiếng nói Việt Nam trên trường quốc tế
Trong buổi tọa đàm với chủ đề 'Nhân dân làm ngoại giao, việc nhỏ ý nghĩa lớn', nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cùng các khách mời đã có những nhắn nhủ thiết thực đến với thanh niên TP.HCM.
Thuộc khuôn khổ Đại hội “Thanh niên tiên tiến TPHCM làm theo lời Bác” năm 2024, diễn đàn “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” với chủ đề “Nhân dân làm ngoại giao, việc nhỏ ý nghĩa lớn” diễn ra vào chiều 11/5 tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố.
Khách mời tại buổi tọa đàm đều là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực ngoại giao của Việt Nam, như: bà Tôn Nữ Thị Ninh - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và ông Trần Văn Thông - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Lào - Campuchia, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia.
Rèn luyện phẩm chất “ngoài mềm, trong cứng”
Việt Nam hiện nay đang có thể đứng ngoại giao đa phương vững chắc, vừa thiện chí, hòa hảo với các cường quốc, vừa thân tình, bền chặt với các nước anh em, láng giềng như Cuba, Lào, Campuchia. Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, với điều kiện như vậy, đối ngoại nhân dân sẽ là yếu tố quan trọng tiếp theo để đưa hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam vươn ra thế giới.
Theo bà Ninh, năng lực ngoại giao là “quyền năng mềm”, trong 1 - 2 năm tới sẽ là thời điểm quan trọng của Việt Nam với kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Do đó, người trẻ cần phải đứng lên, trở thành lực lượng nòng cốt phát huy “quyền năng mềm” hiệu quả, mạnh mẽ để nắm bắt thời điểm đặc biệt này.
Tuy nhiên, bà Ninh cũng lưu ý: “Thời buổi hòa bình, Việt Nam làm bạn với các nước, có điều kiện khách quan để phát huy quyền năng mềm. Thế nhưng luôn hồ hởi, luôn "say yes" với bạn bè quốc tế liệu có phải là đúng?”.
“Nước ta có phương châm đối ngoại cương nhu linh hoạt. Ở bên ngoài chúng ta có thể thể hiện thái độ niềm nở, hiếu khách nhưng bên trong phải luôn giữ vững lập trường, cá tính và lòng tự trọng của người Việt Nam. Phải lưu ý rằng ranh giới giữa mến khách và khúm núm là rất mong manh”, bà Ninh nói.
Trong thời buổi thế giới có nhiều thay đổi, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, bà Ninh nhắn nhủ người trẻ cần phải luôn nghiên cứu, tìm tòi, lắng nghe thật kỹ trong các công tác đối ngoại nhân dân. Đồng thời, các bạn trẻ phải duy trì tinh thần hiếu học và khát vọng vươn lên.
Hành trang để trở thành tiếng nói của Việt Nam trên thế giới
Trong buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, giới trẻ hiện nay có rất nhiều phương tiện để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các bạn cũng phải tìm hiểu thật kĩ đặc điểm văn hóa, xã hội, ngôn ngữ và tính cách con người của nước bạn để tránh gây hiểu lầm và xung đột.
Ông Trần Văn Thông nhắn nhủ: “Khi quan hệ với bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng, chúng ta cư xử đầy thiện chí và thể hiện tình cảm chung thủy. Chúng ta tự hào với lịch sử nước nhà nhưng cần biểu đạt điều đó trong chừng mực. Và, tuyệt đối không được thể hiện thái độ bi quan”.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong giao lưu đối ngoại và phát triển các lĩnh vực quan trọng như văn hóa, giáo dục, y tế, kinh tế và thương mại, ông Hồ Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM khuyến khích sinh viên tham gia các tổ chức thành viên của Liên hiệp.
Đồng thời, ông Lâm đặt hàng Thành Đoàn TPHCM về việc thành lập Hội hữu nghị Việt Nam – Nam Sudan TP và kêu gọi các bạn trẻ làm nhiệm vụ tiên phong trong tăng cường hoạt động giao lưu quốc tế để nâng cao hiểu biết về Việt Nam trên thế giới.
Để người trẻ có thể cất lên tiếng nói trên trường quốc tế, tiếng Anh là một kỹ năng thiết yếu phải được trang bị bài bản. Song, như vậy vẫn là chưa đủ. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng ngoài tiếng Anh, các bạn trẻ còn phải để ý tới việc nâng cao nội hàm của bản thân. Từ đó mới có thể diễn đạt được quan điểm một cách trôi chảy và thuyết phục.
Quốc tế hiện nay đang nhìn nhận Việt Nam là một ngôi sao đang lên của châu Á. Do đó, người trẻ được kỳ vọng sẽ là lực lượng tiên phong trong công tác ngoại giao nhân dân, cất lên tiếng nói Việt Nam thế hệ mới, hãnh diện và đầy hoài bão, trên trường quốc tế.