Kỳ vọng nguồn cung hồi phục mạnh tạo sức ép giảm giá cà phê đến 3.800 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (9/7) ghi nhận giảm mạnh từ 3.700 đến 3.800 đồng/kg so với hôm qua, ở mức 92.300 – 92.800 đồng/kg. So với mức đỉnh 135.000 đồng/kg hồi đầu tháng 3/2025, giá cà phê hiện đã giảm sâu.

Giá cà phê đã giảm gần 37.000 đồng/kg so với giữa tháng 4/2025.
Theo đó, tại tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê hiện ở mức 92.800 đồng/kg, giảm 3.700 đồng/kg so với hôm qua.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê giảm 3.800 đồng/kg so với hôm qua và được giao dịch ở mốc 92.600 đồng/kg. Còn tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê giảm 3.700 đồng/kg so với hôm qua và ở mức 92.300 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước đã quay đầu giảm mạnh sau hai ngày giữ giá và nhích nhẹ. Các chuyên gia nhận định, đợt giảm giá cà phê hiện nay do bắt nguồn từ kỳ vọng nguồn cung sẽ phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là từ hai nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới là Việt Nam và Brazil.
Hiện tại, Việt Nam — nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới — đang có điều kiện thời tiết thuận lợi cho mùa vụ. Khi cà phê thu hoạch bắt đầu được tung ra thị trường, tình trạng thiếu hụt nguồn cung dường như đang giảm bớt.
So với mức đỉnh 135.000 đồng/kg hồi đầu tháng 3/2025, giá cà phê hiện đã giảm sâu. Nếu lấy mốc giá cao 129.300 – 130.200 đồng/kg ngày 16/4, mức giảm hiện tại gần 37.000 đồng/kg, tương đương hơn 28%. Mặt bằng giá hiện nay cũng thấp đáng kể so với thời điểm tháng 2, khi dao động trung bình từ 94.500 – 95.500 đồng/kg.
Đợt giá cà phê giảm lần này là xu hướng đã được dự báo trước. Trong nhiều tháng qua, giá cà phê được các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng đã bị đẩy lên quá cao, trong khi sản lượng cà phê thế giới lại đang trên đà phục hồi. Những biến động gần đây là kết quả của sự điều chỉnh theo cung cầu thực tế toàn cầu.
Trong quý I và đầu quý II năm nay, giá cà phê tăng mạnh do lo ngại thiếu cung và rủi ro thời tiết. Tuy nhiên, khi sản lượng từ Brazil và Việt Nam phục hồi, áp lực bán ra gia tăng, đặc biệt khi các doanh nghiệp bắt đầu chốt lời và giải phóng hàng tồn kho. Các nhà rang xay lớn cũng thận trọng hơn khi mua vào, khiến giá cà phê tiếp tục chịu sức ép giảm trên thị trường.
Thời gian gần đây, Trung Quốc nằm ngoài top 10 thị trường lớn nhất nhập khẩu cà phê Việt, sản lượng nhập khẩu giảm trong khi giá trị tăng 23% do giá cà phê tăng.
Trong khi đó, Đức, Italia và Tây Ban Nha là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 16,3%, 7,9% và 7,4%.
So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu cà phê 5 tháng đầu năm 2025 sang thị trường Đức tăng 2,2 lần, thị trường Italia tăng 45,1%, thị trường Tây Ban Nha tăng 55,8%.
Trên thế giới, giá cà phê tăng giảm trái chiều trên hai sàn. Cà phê Robusta (sàn London) giao tháng 9/2025 giảm 18 USD/tấn, còn 3.508 USD/tấn, giao tháng 11/2025 giảm 16 USD/tấn, còn 3.447 USD/tấn; Cà phê Arabica (sàn New York) giao tháng 9/2025 tăng 2,35 cent/lb, lên 280,6 cent/lb; giao tháng 12/2025 tăng 1,9 cent/lb, lên 275,1 cent/lb.
Giá cà phê robusta chủ yếu dùng cho sản phẩm cà phê hòa tan đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Tính đến ngày 26/6, giá robusta tại sàn London chỉ còn 3.459 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2024. Đầu tháng 7, giá vẫn quanh ngưỡng 3.600 USD/tấn, thấp hơn gần 40% so với đỉnh 5.849 USD/tấn hồi tháng 2 năm ngoái.