Kỳ vọng những 'đòn bẩy' sẽ giúp Quảng Bình phát triển mạnh mẽ
Sáng 25/6, tỉnh Quảng Bình tổ chức 'Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Xúc tiến đầu tư 2023'.
Tham dự hội nghị có ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng; các Ủy viên Trung ương Đảng; Lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương; Lãnh đạo TP Hà Nội và các tỉnh bạn; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng hàng trăm đại biểu khách mời.
Hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay: Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng trên các hành lang phát triển kinh tế và hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nền kinh tế tổng hợp, đa dạng, đặc biệt là phát triển du lịch.
Quảng Bình có hệ thống giao thông đồng bộ, gồm Quốc lộ 1A và cao tốc Bắc – Nam đang khẩn trương thi công; đường Hồ Chí Minh 2 nhánh Đông Tây, đường Quốc lộ 12A - con đường ngắn nhất nối Việt Nam với nước bạn Lào, Thái Lan qua cặp Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo - Nà Phàu, Quốc lộ 9B nối Việt Nam với Lào qua tỉnh Savannakhet. Ga đường sắt Đồng Hới là ga chính. Có sân bay Đồng Hới, Cảng biển Hòn La.
Hai Khu kinh tế và 10 Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, thích ứng với môi trường hợp tác, cạnh tranh để phát triển công nghiệp, logistics, năng lượng tái tạo, kinh doanh thương mại dịch vụ.
Quảng Bình có bờ biển dài 116km với nhiều bãi tắm đẹp; có tỷ lệ che phủ rừng trên 68%, đứng thứ 2 cả nước cùng nhiều di tích lịch sử, nhiều di sản văn hóa, tâm linh nổi tiếng như: đường Trường Sơn huyền thoại, hang Tám Cô, bến phà Long Đại, Đền Thánh Mẫu...
Đặc biệt, Quảng Bình có Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Nơi đây được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu, phần lớn diện tích là đá vôi và liên kết với khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Nậm nô của Lào tạo thành khối Karst rộng lớn vùng Đông Nam - châu Á.
Bên cạnh đó, du lịch Quảng Bình còn hấp dẫn du khách bởi chuỗi các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, thể thao đặc sắc hấp dẫn ở vùng ven biển với hệ thống các sân golf đẳng cấp quốc tế, văn hóa ẩm thực đa dạng, hấp dẫn và suối nước nóng Bang đang được đầu tư thành khu du lịch sinh thái, phục hồi chức năng theo mô hình Onsen (Nhật Bản).
Những “đòn bẩy” để bứt phá phát triển mạnh mẽ
Tại “Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư 2023”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đã xác định rõ các định hướng, ưu tiên phát triển của tỉnh gồm: Hai trung tâm động lực tăng trưởng; Ba trung tâm đô thị; Ba hành lang kinh tế; Bốn trụ cột phát triển kinh tế và Ba đột phá chiến lược.
Điểm nhấn quan trọng của hai trung tâm động lực tăng trưởng cho Quảng Bình là xây dựng Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành Trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và Khu Kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Ba trung tâm đô thị gồm: Trung tâm đô thị TP. Đồng Hới và vùng phụ cận, lấy Đồng Hới làm hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối gồm; Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười.
Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Ba Đồn gắn với trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, các khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa và Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.
Ba hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo – thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; Hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ là một trong những “đòn bẩy” để Quảng Bình trở thành một trong những tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc miền Trung trong thời gian tới.
“Về phía tỉnh Quảng Bình, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm tạo lập môi trường đầu tư thân thiện, an toàn, bình đẳng, công khai, minh bạch; xây dựng các chính sách ưu đãi, điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh; khuyến khích và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh Quảng Bình mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân cùng đồng hành với tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh để cùng nhau biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu trong Quy hoạch thành hiện thực”, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.
Đồng thời, Bốn trụ cột trong phát triển kinh tế là: Đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Kêu gọi đầu tư vào sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo để sớm đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế; Cùng với đó là tận dụng lợi thế để phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển.
“Tuy nhiên, để cụ thể hóa những mục tiêu này vào thực tiễn, đưa Quảng Bình bứt phá đi lên, trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực, một trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, tỉnh Quảng Bình rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của Trung ương Đảng, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức trong nước và quốc tế, các tỉnh bạn, đặc biệt là sự tìm kiếm cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Trần Thắng, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình bày tỏ.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình cần có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và đặc biệt là tạo môi trường đầu tư thông thoáng, phù hợp với cơ chế, nhu cầu phát triển của đất nước.
“Thu hút doanh nghiệp và phải giữ chân doanh nghiệp”
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Quy hoạch đến năm 2030, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung, Quảng Bình cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; các nghị quyết của Quốc hội, Trung ương, Chính phủ.
Đẩy mạnh đột phá với 4 trụ cột phát triển, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng và 3 đột phá chiến lược. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quy hoạch.
Đặc biệt, cần phải tiếp tục tiết giảm các thủ tục, chi phí để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Bình, thu hút doanh nghiệp và phải giữ chân doanh nghiệp. Phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương, từ lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, địa phương, đến đội ngũ chuyên viên để giúp các doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng các giấy tờ, thủ tục đầu tư.
Bên cạnh đó, trong phát triển du lịch, tỉnh đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, và phát triển để trở thành một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Du lịch Quảng Bình bước đầu đã có những khởi sắc và gây được tiếng vang trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Bình cần phải xác định tầm nhìn lớn, đủ sâu, đủ rộng hơn nữa để phát triển du lịch; nâng cao nhận thức của người dân về du lịch; làm tốt hơn nữa công tác truyền thông; cần phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của địa phương; phục vụ du lịch chuyên nghiệp hơn; phát động nhiều phong trào trong phát triển du lịch, mọi người đều phải làm du lịch, mỗi người dân là một sứ giả của du lịch.
Tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.
Tiếp đến là khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương; quan tâm an sinh xã hội; tăng cường đầu tư cho y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Tại Hội nghị, tỉnh Quảng Bình đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 29 nhà đầu tư/32 dự án, với tổng vốn đăng ký 112.165 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,0 tỷ USD)”.