Kỳ vọng OCOP giúp nâng cao hiệu quả nghề muối
Vùng muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình (TX Sông Cầu). Ảnh: LÊ TRÂM
Lâu nay, diêm dân vùng muối TX Sông Cầu chủ yếu sản xuất muối theo phương thức thủ công nên chất lượng, sản lượng thấp, giá cả bấp bênh dẫn đến đời sống khó khăn. Thông qua Chương tình OCOP, hạ tầng cơ sở vùng muối sẽ được nâng cao, kỳ vọng tăng thu nhập cho diêm dân.
Giá cả bấp bênh
Nhà ông Bùi Văn Vinh ở vùng muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình (TX Sông Cầu) có sở ruộng với 9 ô muối, sản xuất theo quy trình thủ công; trong đó có 6 đám ăn (kết tinh). Thường 1 đám ăn trong 1 tháng cào 7 lứa, mỗi lứa trung bình thu 4 bao muối (50kg/bao). “Muối nền đất 800 đồng/kg, muối nền bạt (trải bạt) là 1.200 đồng/kg. Với giá muối hiện nay, cả muối nền đất và nền bạt cao hơn 200 đồng/kg so với năm ngoái”, ông Vinh cho biết.
Theo ông Vinh, hiện thương lái mua 40.000 đồng/bao muối, trừ chi phí thuê công cào dồn đống, công gánh, ông còn lại 4 triệu đồng/tháng. Muối làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, diêm dân phấn khởi. Còn trước đây, muối làm ra kêu bán mà tư thương không mua. Muối đổ đống gần đường bán được, còn xa đường thì phải phủ bạt.
Trên các đồng muối Tuyết Diêm, chạy dọc theo con rạch Bình Phú cập vô đường bờ kè khu vực Bến Đò (xã Xuân Bình), ngày nào diêm dân cũng cào gánh vào sân hàng chục tấn muối ráo. Ông Phạm Văn Tiến, diêm dân ở vùng muối Tuyết Diêm, chia sẻ: Trong vòng 1 tháng trở lại đây, trời nắng gắt cộng với gió nam thổi mạnh nên ruộng mau “đội muối” (kết tinh). Thời điểm tháng 6 âm lịch này, từ khi lấy nước mặn vào đám chịu sang qua đám ăn cỡ 4 ngày là cào dồn được lứa muối. Trước đó, trời mưa thường xuyên, ruộng ngâm nước ngọt không làm muối được.
Trên đồng muối các thôn Lệ Uyên, Trung Trinh, xã Xuân Phương (TX Sông Cầu), diêm dân cũng vui mừng vì sản lượng muối tăng cao, muối ráo đổ đống trắng ruộng. Bà Trần Thị Liên, diêm dân làm muối ở Trung Trinh phấn khởi: Nắng nên ruộng “bắt” muối nhanh, sản lượng đạt cao. Thường đám ruộng 1 ô cào dồn 5 đống nay cào được 7 đống. Mỗi đống muối trung bình 1 bao muối, bán với giá 40.000 đồng/bao, cao hơn đầu vụ 15.000-20.000 đồng/bao.
Theo nhiều diêm dân, vụ muối năm nay, thời tiết thuận lợi ở gần cuối vụ nhưng bất lợi ở đầu và giữa vụ. Thời điểm giữa vụ gặp mưa kéo dài. Còn đầu vụ giá muối thấp chỉ 500 đồng/kg, làm muối lỗ, diêm dân bỏ ruộng. Khó khăn hiện nay của diêm dân là không có vốn đầu tư sản xuất muối trải bạt làm ra muối trắng bán giá cao nên phải làm muối thủ công, trong khi đó muối thủ công thương lái chê vì thị trường khó tiêu thụ. Vụ muối năm trước, diêm dân làm ra muối thủ công, lứa muối sau đổ chồng lên lứa muối trước, bờ ruộng “ngốn” đầy muối. Muối tồn đến đầu vụ năm nay, dẫn đến nhiều ruộng muối bỏ hoang.
Ông Nguyễn Tiến Duy, Giám đốc HTX Muối Tuyết Diêm cho biết: Diêm dân sản xuất muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nắng gắt thì sản lượng muối tăng, còn mưa thì giảm. Nhãn hiệu Muối Tuyết Diêm đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận. Tuy nhiên, lâu nay diêm dân chủ yếu sản xuất muối theo phương thức thủ công nên chất lượng, sản lượng còn thấp, giá cả bấp bênh. Có năm muối tồn 2.000-3.000 tấn, đời sống người làm muối còn gặp nhiều khó khăn. Một số gia đình lấy công làm lời, có nhà bỏ hẳn ruộng muối.
Đầu tư hạ tầng cơ sở nghề muối
Theo thống kê của Chi cục PTNT Phú Yên (Sở NN-PTNT), vùng làm muối toàn tỉnh có gần 184ha nhưng diện tích sản xuất thực tế năm nay là 128,6ha. Nguyên nhân là do đầu vụ giá muối thấp, trong khi chi phí đầu tư cao nên diêm dân bỏ ruộng muối. Thời tiết 6 tháng đầu năm không thuận lợi, thường xuyên có mưa nên sản lượng muối thu hoạch cũng thấp so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, sản lượng muối sản xuất 6 tháng đầu năm 2021 khoảng 1.300 tấn, trong đó 1.050 tấn muối thô, 250 tấn muối sạch. Còn năm 2020, sản lượng muối 11.900 tấn, riêng 6 tháng đầu năm 5.000 tấn.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục PTNT, nhận định: Chất lượng muối làm ra không cao chủ yếu dùng để muối cá, làm mắm, không thể dùng trong công nghiệp chế biến hoặc xuất khẩu nên giá thấp, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Hiện tại vùng muối chưa có bãi chứa muối, người dân thường tập kết muối ngay tại ruộng, sau đó dùng bạt nhựa phủ lên tránh mưa nắng, vì vậy lượng muối thất thoát sau thu hoạch tăng cao. Cùng với đó, thị trường muối tiêu thụ thông qua các thương lái ở địa phương, sau đó vận chuyển và tiêu thụ các tỉnh lân cận nên diêm dân bị ép giá.
“Chi cục PTNT Phú Yên đang xây dựng đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối trong Chương trình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Theo đó, Nhà nước hỗ trợ diêm dân chuyển toàn bộ diện tích sản xuất muối trên nền đất sang nền bạt. Đồng thời hỗ trợ xây nhà kho, đầu tư thiết bị chế biến, đóng gói; nâng cấp hạ tầng cơ sở đồng muối, đầu tư hệ thống thoát nước, lọc nước, đảm bảo tiêu chuẩn về muối công nghiệp và muối ăn, hướng đến xuất khẩu”, ông Thắng cho hay.
UBND tỉnh vừa có công văn triển khai các hoạt động sản xuất nông nghiệp trong điều kiện giãn cách xã hội, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thông dụng, thiết yếu. Trong đó có hoạt động sản xuất và tiêu thụ muối. Đối với nghề muối, tỉnh yêu cầu xây dựng đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030… Qua đó nâng cao hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho diêm dân.