Kỳ vọng quan hệ Việt - Mỹ vươn lên những tầm cao mới
Các chính khách, nhà ngoại giao và giới học giả đều đánh giá, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam trong ngày 10 và 11-9 là sự kiện lịch sử quan trọng, là dịp để hai nước điểm lại những gì đã đạt được và lên kế hoạch cho tương lai chung, để quan hệ Việt - Mỹ vươn lên những tầm cao mới.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper: Mỹ hiểu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ với Việt Nam
“Để thể hiện tầm quan trọng mà chúng tôi nhìn nhận đối với mối quan hệ Việt Nam - Mỹ, không có cách nào tốt hơn là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam từ ngày 10 đến 11-9. Đây lần đầu tiên Tổng thống Mỹ đến theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước đó, trong chuyến thăm Mỹ năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp ông Joe Biden (khi ấy đang là Phó Tổng thống của chính quyền Barack Obama). Kể từ đó, hai nhà lãnh đạo đã thiết lập được mối quan hệ cá nhân.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 3-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden cũng đã có cuộc điện đàm cấp cao. Trong đó, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi lời mời đến thăm lẫn nhau. Vì thế, chuyến thăm là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện mối quan hệ cá nhân mà hai nhà lãnh đạo đã xây dựng được và sự tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ sang Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ. Phó Tổng thống Kamala Harris sang thăm Việt Nam vào tháng 8-2021. Chỉ tính riêng trong các tháng vừa qua của năm 2023, đã có 5 đoàn cấp Bộ trưởng Mỹ đến Việt Nam. Ngoài ra còn có các đoàn của Quốc hội Mỹ, đoàn doanh nghiệp lớn và tàu sân bay USS Ronald Reagan. Tất cả các chuyến thăm này, đặc biệt là chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Joe Biden, cho thấy Mỹ thực sự quan tâm và hiểu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ với Việt Nam.
Việt Nam và Mỹ chia sẻ các mục tiêu liên quan đến các vấn đề xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, y tế, đại dịch toàn cầu, thượng tôn luật pháp quốc tế... Trải qua 10 năm thiết lập Đối tác toàn diện (năm 2013), tôi cho rằng hai bên đã đạt được nhiều thành quả đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Do đó, hy vọng chuyến thăm lần này sẽ làm nổi bật tất cả những gì đã đạt được và là dịp để hai nước nghĩ về việc sẽ đi bao xa trong tương lai”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ Phạm Quang Vinh: Dư địa phát triển còn rất nhiều để hai bên có thể khai thác
“Nhìn lại chặng đường 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện trong suốt 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, tôi đánh giá quan hệ hai nước đã có sự phát triển mạnh mẽ về cả chiều rộng và chiều sâu, trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy tăng cường hiểu biết và tin cậy chính trị. Tôi hy vọng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden lần này, hai nước sẽ định hướng quan hệ trong những thập kỷ tới, làm sâu sắc hơn những gì đang có trên tất cả các lĩnh vực.
Theo tôi, có hai lĩnh vực có thể sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác, đó là bảo đảm tính bền vững của chuỗi cung ứng và phát triển những ngành nghề kinh tế mới gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Khi bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ tại Mỹ vào tháng 11-2014 (tức là hơn 1 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện), tôi trăn trở là sẽ làm được gì trong nhiệm kỳ? Kim ngạch thương mại đến thời điểm đó đã tăng 70 lần, liệu còn không gian phát triển không? Năm 2013 đặt dấu mốc thiết lập Đối tác toàn diện, vậy các năm tiếp theo sẽ nhân lên thế nào? May mắn là đến khi tôi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 7-2018, thương mại song phương đã đạt xấp xỉ 70 tỉ USD, tăng gấp đôi. Rõ ràng dư địa còn nhất nhiều, thị trường Mỹ có sức hấp dẫn lớn mà ta có thể khai thác. Hai nền kinh tế có thể bổ sung, hỗ trợ nhau để cùng hưởng lợi.
Điều may mắn nữa là trong nhiệm kỳ đó, giữa hai nước đã có chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam - chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư đã hội đàm cùng Tổng thống Barack Obama, trao đổi về việc thúc đẩy quan hệ lên tầm cao mới, đồng thời ra tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt - Mỹ, nhấn mạnh đến việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác, khẳng định các nguyên tắc về chỉ đạo quan hệ, bao gồm hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Trong 3 năm rưỡi đó, đã có 2 chuyến thăm Việt Nam của hai Tổng thống Mỹ là Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Donald Trump.
Từ góc độ nhiệm kỳ như vậy, tôi cho rằng, sự hiểu biết, tin cậy đã được nhân lên, cùng với dư địa phát triển còn rất nhiều, hai bên có thể khai thác, tạo đà cho quan hệ Việt - Mỹ vươn lên những tầm cao mới”.
Ông Andrew Wells-Dang, Ph.D (Chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ): Chuyến thăm thể hiện sự phát triển của lòng tin và hợp tác
“Chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Hà Nội vào chủ nhật tuần này đánh dấu đỉnh cao của quá trình gần 50 năm xây dựng lại quan hệ song phương sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Chuyến thăm thể hiện sự phát triển của lòng tin, sự hợp tác và hiệu quả ngoại giao.
Những người Mỹ đã đến Việt Nam trong hơn 30 năm qua luôn ngạc nhiên trước sự tiếp đón nồng nhiệt và không gặp phải sự thù địch nào. Có nhiều lý do về mặt văn hóa và tâm lý giải thích điều này, một trong số đó là chính sách chính thức: Tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ VII năm 1991, Việt Nam đã xác định mục tiêu “trở thành bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế để đấu tranh vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Người Việt Nam biết rằng các cường quốc có lợi ích xung đột nhau. Thay vì liên minh với một cường quốc này để chống lại một cường quốc khác, vốn đã gây ra những hậu quả tai hại như vậy ở một nước Việt Nam bị chia cắt, họ sẽ tìm cách hợp tác với tất cả.
Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đặc phái viên đầu tiên của Mỹ là ông Desaix Anderson đến Hà Nội đã “cảm giác rằng sự thù địch của chúng ta là một sai lầm”. Mỹ chậm rãi đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam về dọn dẹp bom chùm và chất độc da cam cũng như hỗ trợ người khuyết tật do chiến tranh. Với sự hỗ trợ của các cựu Thượng nghị sĩ như ông John McCain và Patrick Leahy, sự hỗ trợ của Mỹ đã tăng đều đặn cả về quy mô và phạm vi, hiện đang ở mức cao nhất cho đến nay. Mỹ hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Và thỏa thuận mới sẽ chứng kiến Washington giúp Việt Nam thúc đẩy sản xuất, cùng với các hỗ trợ liên quan đến công nghệ.
Đồng thời, Việt Nam đã tăng cường quan hệ ngoại giao với các đối tác khác thông qua các bước đi vững chắc. Các đối tác lịch sử Trung Quốc và Nga là những nước đầu tiên được trao mức “đối tác chiến lược toàn diện” ở mức cao nhất lần lượt vào năm 2008 và 2012, tiếp theo là Ấn Độ vào năm 2016. Trên thực tế, động thái này là tiền đề để nâng cấp quan hệ với Mỹ, thể hiện với các nước láng giềng lớn gần Việt Nam rằng, chính sách đa phương vẫn được giữ nguyên. Trong năm qua, Việt Nam đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc và chuẩn bị nâng cấp quan hệ với Australia, Singapore.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden chứng tỏ thế giới không phân chia rõ ràng thành bạn và thù. Có nhiều quốc gia có những khác biệt đáng kể về chính trị với Mỹ vẫn có thể hưởng lợi từ đối thoại, hợp tác an ninh và kinh tế. Mối quan hệ đối tác mới cho thấy tiềm năng của một hình thức ngoại giao, độc đáo nhằm duy trì hòa bình trên khu vực và thế giới”.