Kỳ vọng 'quy chế kinh tế thị trường' hỗ trợ cho xuất khẩu cá tra
Tại thủ đô Washington D.C, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa tổ chức phiên điều trần xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Việc Hoa Kỳ tổ chức phiên điều trần để xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường là động thái tích cực, được giới doanh nghiệp (DN), doanh nhân xuất khẩu cá tra trong nước hoan nghênh. Phiên điều trần là bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ, công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Khi được công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này sẽ cạnh tranh “công bằng hơn” với hàng hóa của các nước khác trên thế giới, tạo lập sân chơi “bình đẳng”, giảm được thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời thu hút các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sẽ được dễ dàng hơn, uy tín quốc gia tiếp tục được nâng lên trên trường quốc tế.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới, từ lâu, Hoa Kỳ xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, vì vậy hàng hóa của DN Việt khi xuất vào thị trường này phải chịu mức thuế cao (trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá). Tính đến thời điểm này, đối với mặt hàng cá tra, DOC đã có 20 lần rà soát hành chính thuế chống bán phá giá. Sau mỗi lần rà soát, đa phần họ đều áp mức giá khá cao, điều này làm cho sản phẩm cá tra Việt Nam bị kém sức cạnh tranh so với sản phẩm cá nheo của Hoa Kỳ.
Ông Doãn Tới đơn cử cho lần xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2013 - 31/7/2014. Trong đợt xem xét này, DOC sử dụng Indonesia làm nước thay thế để tính toán biên độ phá giá nên đã xác định mức thuế đối với 2 DN bị đơn bắt buộc là 0,36 USD/kg và 0,84 USD/kg.
Đối với 16 DN bị đơn tự nguyện, mức thuế suất tạm thời là 0,6 USD/kg, trong khi mức thuế suất toàn quốc tiếp tục được giữ ở mức cao 2,39 USD/kg. Với mức thuế này, sản phẩm cá tra Việt Nam kém sức cạnh tranh so với sản phẩm cá nheo và các loại cá thịt trắng khác có mặt trên thị trường Hoa Kỳ lúc bấy giờ.
Từ lần xem xét thứ 11 trở về lần thứ 19, Hoa Kỳ từng bước giảm nhẹ các mức thuế chống bán phá giá cho sản phẩm cá tra Việt Nam, việc này nhằm tiến tới thực hiện các cam kết mà 2 bên dành cho nhau.
“Ở đợt rà soát hành chính lần thứ 19 (POR19), mức thuế của 2 DN bị đơn bắt buộc là 0,18 USD/kg và 0,2 USD/kg; mức thuế toàn quốc được hủy bỏ, đây là thiện chí của Hoa Kỳ nhằm hướng đến thực hiện cam kết 2 nước là đối tác chiến lược toàn diện của nhau” - ông Doãn Tới chia sẻ.
“Sản phẩm cá tra Việt Nam xuất vào thị trường Hoa Kỳ có giá bán cạnh tranh so với sản phẩm cá nheo của họ là do chúng ta có được lợi thế về nguồn nước, khí hậu, thổ nhưỡng, chi phí thuê lao động rẻ hơn. Nông dân Việt Nam cần cù, thông minh, sáng tạo, thích ứng với mọi hoàn cảnh để vươn lên. Những lợi thế này làm cho giá cá tra rẻ hơn so với cá nheo của Hoa Kỳ…” - ông Nguyễn Văn Cường (ngư dân thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú) khẳng định.
DN xuất khẩu cá tra hoan nghênh Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam bởi trên thực tế, từ lâu nền kinh tế Việt Nam đáp ứng được 6 tiêu chí do phía Hoa Kỳ đưa ra, bao gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; các vấn đề, như: Đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; sở hữu Nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực, giá cả và các yếu tố khác…
Hơn thế nữa, thời gian qua, Việt Nam đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, khoảng 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế. Đã có 72 nước trên thế giới công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn, như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hoa Kỳ ban hành quy định chống bán phá giá và chống trợ cấp vào năm 1997. Đây là cách Hoa Kỳ chống lại cạnh tranh mà họ cho là “không lành mạnh”, ảnh hưởng tới sản xuất trong nước. Trên thực tế, có nhiều vụ việc liên quan đến thuế chống bán giá phá và nhiều DN ở nước khác cũng rơi vào thế bị động khi bị kiện.
Việc Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao 2 nước, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ. Qua đó, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho DN và người dân 2 nước. Động thái Hoa Kỳ tổ chức phiên điều trần để xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam được ngư dân khu vực ĐBSCL phấn khởi, bởi Hoa Kỳ là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam.