Kỳ vọng sự đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Những tháng cuối năm, hội LHPN các cấp trên cả nước phấn khởi triển khai Dự án 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Tại Phú Yên, những hoạt động của Dự án 8 cũng đã bắt đầu khởi động, kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đổi thay cho cuộc sống người dân miền núi.
Khởi động Dự án 8
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1719 gồm 10 dự án thành phần, trong đó Dự án 8 được Chính phủ giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện. Tại Phú Yên, ngày 22/6/2022, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 125 về Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021-2025, trong đó đề nghị Hội LHPN tỉnh chủ trì thực hiện Dự án 8.
Thực hiện nhiệm vụ này, Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Dự án 8. Qua đó, bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đã giới thiệu hoạt động chung của dự án; hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá Dự án 8 theo Thông tư 01 của Ủy ban Dân tộc; hướng dẫn thực hiện quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện dự án theo Thông tư 15 của Bộ Tài chính và triển khai kế hoạch, hướng dẫn cụ thể thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi tập huấn, các học viên còn được nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện các chuyên đề: vận động, lồng ghép giới trong các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thành lập, vận hành, quản lý và giám sát việc triển khai thực hiện các mô hình, câu lạc bộ Tổ truyền thông cộng đồng, Địa chỉ tin cậy cộng đồng, Thủ lĩnh của sự thay đổi; hướng dẫn các hoạt động đối thoại chính sách…
Theo bà Binh, cán bộ hội LHPN các huyện, thị xã và các ngành đã được trang bị kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới và lồng ghép giới; phương pháp, cách thức triển khai các hoạt động và vận hành các mô hình, câu lạc bộ của Dự án 8 để có thể áp dụng tại địa phương. Ngoài ra, trong tháng này, Hội LHPN tỉnh sẽ triển khai thí điểm một số mô hình, hoạt động; thiết kế và in ấn phẩm truyền thông liên quan đến Dự án 8, thành lập ra mắt điểm Tổ truyền thông cộng đồng; kiểm tra, giám sát hỗ trợ thực hiện Dự án 8.
Kỳ vọng sự thay đổi mạnh mẽ
Vùng DTTS và miền núi đến nay vẫn là vùng lõi nghèo của tỉnh, mặc dù giao thông đã được cải thiện nhưng dân trí, điều kiện sống ở nhiều địa phương vẫn còn rất khó khăn. Tại các địa phương này, phụ nữ và trẻ em là đối tượng đã và đang phải chịu nhiều thiệt thòi.
Trước nay, mặc dù hội phụ nữ ở các địa phương hoạt động rất tích cực, nhưng chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động mà ít có nguồn vốn để thực hiện những hoạt động thiết thực giúp cải thiện đời sống phụ nữ, trẻ em. Với Dự án 8, Hội LHPN tỉnh sẽ có thêm nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Với việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn, Phú Yên phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đạt mục tiêu thành lập và duy trì hoạt động 63 tổ truyền thông cộng đồng; 21 tổ tiết kiệm vay vốn thôn, buôn được củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới và duy trì; 4 tổ, nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, HTX) ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất. Đồng thời cũng sẽ có 8 địa chỉ tin cậy cộng đồng được củng cố, nâng chất lượng trên cơ sở mô hình hiện có hoặc thành lập mới; 13 câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi được thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động; 31 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, buôn được tổ chức tại các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Ông Phạm Minh Tú, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân cho biết, trên địa bàn huyện có 2 xã và 5 thôn đặc biệt khó khăn, đời sống của người dân còn nhiều vất vả. Với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 nói chung, Dự án 8 nói riêng, Chính phủ dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ các mô hình sản xuất mới, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, Dự án 8 chú trọng đến đối tượng thụ hưởng chính là phụ nữ và trẻ em gái, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người DTTS trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình... Những sự hỗ trợ thiết thực này có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện đời sống người dân.
Nói về việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn Phú Yên, bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phấn khởi cho biết: Đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng DTTS và miền núi. Hy vọng, việc triển khai Dự án 8 sẽ góp phần vào mục tiêu thúc đẩy “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” vùng đồng bào DTTS và miền núi Phú Yên.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:
- Thu nhập bình quân của người DTTS tăng 2 lần so với năm 2020
- Tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm trên 3% mỗi năm
- 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa bê bông.
- Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất cho đồng bào.
- Tỉ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh học tiểu học trên 97%, học THCS trên 95%, học THPT trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông trên 90%...
(Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1, từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên).