Kỳ vọng sức bật thị trường những tháng cuối năm
Phát triển thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng nhu yếu phẩm, hoàn thiện chuỗi cung ứng hệ thống bán buôn, bán lẻ… là nỗ lực của các 'ông lớn' ngành bán lẻ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng từ nay đến cuối năm 2023.
Các siêu thị tập trung phát triển chuỗi cung ứng nội địa, giảm giá sản phẩm, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Aeon Mall
Thích nghi để phát triển
Trong nhiều năm qua, tại Bình Dương, mạng lưới bán hàng ngày càng phát triển, hệ thống hạ tầng thương mại có sự biến chuyển phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Các hình thức bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh chóng, hàng hóa lưu thông trên thị trường ngày càng đa dạng, phong phú, giá cả ổn định, chất lượng bảo đảm.
Tuy nhiên, theo ông Phan Thế Thảo, Giám đốc Siêu thị Co.op 30-4, những tháng đầu năm 2023, dưới tác động của những khó khăn kinh tế toàn cầu, sự sụt giảm của các đơn hàng trong các doanh nghiệp sản xuất, hoạt động thương mại và dịch vụ của tỉnh đối mặt với nhiều thách thức tăng trưởng. “Người tiêu dùng hạn chế mua sắm, ưu tiên cho các mặt hàng thiết yếu. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Đòi hỏi các nhà bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi và có giải pháp phù hợp để bảo đảm kinh doanh phát triển”, ông Phan Thế Thảo cho biết.
Ông Võ Nhất Vũ, Giám đốc Siêu thị GO! Thủ Dầu Một, cũng cho rằng trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, mức tăng trưởng của đơn vị chưa đạt được mục tiêu đề ra. Điều này đòi hỏi đơn vị có kế hoạch để phấn đấu trong quản lý, điều hành và kết nối với khách hàng.
Ông Võ Văn Lớt, Giám đốc Siêu thị AEON Mall Bình Dương, cũng cho biết duới sức ép của thị trường, các đơn vị bán lẻ nỗ lực không ngừng trong khâu quản lý, chăm sóc khách hàng, quản trị chuỗi cung ứng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp chủ động làm việc với các nhà cung ứng để giảm một phần áp lực chi phí của khách hàng, hạ biên lợi nhuận. Đồng thời sắp xếp, đa dạng hóa các sản phẩm để thu hút khách hàng.
Giữ vững phân khúc đại chúng
Lãnh đạo các siêu thị trên địa bàn đều cho biết thực tế phân khúc hàng hóa bình dân phục vụ nhu cầu đại chúng như đồ gia dụng, dịch vụ sức khỏe, ăn uống đều hoạt động tốt. Càng về cuối năm, sức nóng của tiêu dùng nội địa càng tăng. Theo đánh giá của các đơn vị này, về cơ bản xu hướng phát triển của ngành bán lẻ trong năm 2023 và các năm tới vẫn dựa trên những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng sau đại dịch và sự áp dụng số hóa trên diện rộng toàn ngành. Những thay đổi gần đây của ngành bán lẻ, từ hành vi mua hàng, công nghệ, mô hình lao động, sự kết hợp các kênh bán hàng đến sự hình thành mô hình kinh doanh khác nhau tạo nên diện mạo mới cho ngành bán lẻ với những trải nghiệm mua sắm mới trong tương lai.
Ông Phan Thế Thảo cho biết các đơn vị kinh doanh ngày nay chú ý hơn đến tính chuyên nghiệp trong phục vụ khách hàng. Đó là việc nâng cấp cửa hàng với các thiết bị bán hàng hiện đại, sử dụng phần mềm quản lý để phục vụ khách hàng nhanh chóng, hiệu quả hơn, tăng đơn hàng và doanh số được kỳ vọng tăng lên.
Từ nay đến hết năm 2023, thị trường bán lẻ được dự báo có nhiều bước tiến đột phá và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ vào những cải tiến vượt bậc. Bên cạnh đó, tâm lý và xu hướng tiêu dùng thay đổi, tính trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường trở thành xu thế của thời đại, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và gây dựng niềm tin của khách hàng. Đây thực sự là động lực để các doanh nghiệp cố gắng trong thời gian tới. Các siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, bảo đảm ổn định đầu vào, đầu ra.
“Doanh nghiệp phân phối gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, liên kết với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng để thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao”, ông Phan Thế Thảo cho biết.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong thời gian tới, ngành công thương tập trung hỗ trợ với việc hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước vào các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa. Xây dựng các đề án phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa, thu hút và kết nối các cơ sở sản xuất cùng tham gia, trở thành thành viên của chuỗi. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị thương mại cho sản phẩm, có khả năng gắn kết và thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, chú trọng phát triển thương mại điện tử gắn kết với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh ước đạt 151.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 6, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 27.353 tỷ đồng, tăng 5,6% so tháng trước và tăng 19,2% so cùng kỳ.