Kỳ vọng 'thay áo mới' cho y tế cơ sở

Trên thực tế, tại TPHCM, người dân khi có bệnh thường dồn về bệnh viện tuyến trên dẫn đến quá tải. Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM và các quận, huyện khẳng định sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, tăng thu nhập và đưa đội ngũ y, bác sĩ trẻ về tuyến Y tế cơ sở (YTCS)... để sớm đưa Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM vào cuộc sống, nhằm mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân ngay từ cơ sở.

Nỗ lực vượt khó

Chúng tôi đến Trạm Y tế thị trấn Cần Thạnh (đường Lê Thương, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM) đúng lúc nơi đây đang tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi. Ông Nguyễn Thế Nhân (72 tuổi, ngụ KP Miễu Nhì) kể, mỗi lần tới trạm y tế (TYT), ông rất vui vì đội ngũ y, bác sĩ tận tâm, chu đáo, nhưng cũng ái ngại khi thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị của TYT xuống cấp, không khí nóng bức, chật chội.

TYT thị trấn Cần Thạnh là dãy nhà cấp 4, được chia làm 5 phòng, mỗi phòng có diện tích khoảng 15m2 trên tổng diện tích đất gần 800m2. Hiện trạm có 1 bác sĩ và 6 y sĩ, có nhiệm vụ khám, phòng chống dịch bệnh cho trên 11.000 nhân khẩu, trong đó trên 1.000 người cao tuổi. Do cơ sở vật chất được tận dụng lại, không phải công năng của TYT nên mưa thì dột, ngập nước; mùa nắng nóng, trạm chỉ bật máy điều hòa lúc nóng nhất trong ngày vì sợ chập cháy hệ thống điện đã gần 10 năm chưa thay thế, sửa chữa.

“Tuy cơ sở vật chất cũ kỹ, nhưng được sự quan tâm của thành phố và huyện Cần Giờ nên trang thiết bị khám và phòng chống dịch bệnh, các loại thuốc mãn tính tại trạm không thiếu. Bình quân mỗi ngày, trạm khám, cấp phát thuốc cho khoảng 80 lượt người”, BS Đàng An, Trưởng TYT thị trấn Cần Thạnh, cho biết.

Thực tế cho thấy, đa số TYT ở khu vực vùng ven, ngoại thành như TP Thủ Đức, các quận 12, Bình Tân, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi được xây dựng sau năm 2000 có quy mô rộng rãi, hạ tầng tốt, đầu tư bài bản… Tuy nhiên, do sử dụng đã trên dưới 20 năm nên cơ sở vật chất của TYT xuống cấp. Có trạm thiếu nhân lực nên phòng khám cũng chỉ trưng bảng hiệu, bên trong được tận dụng làm kho hoặc thiết bị lâu ngày không sử dụng nên “đắp chiếu”. Ở khu vực nội thành, TYT chủ yếu là các căn nhà phố được tận dụng làm trụ sở, sử dụng đã lâu, đa số xuống cấp, nhỏ hẹp, chật chội. Dù có đến 317/319 TYT xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về YTCS (chiếm tỷ lệ 99,4%), nhưng chiếu theo Đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới” theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức của TPHCM đều có nhu cầu đầu tư trang thiết bị y tế, sửa chữa cải tạo hàng trăm TYT và xây mới hàng chục TYT.

Mong mỏi bộ mặt YTCS của địa phương sớm “thay da đổi thịt”, BS-CKII Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, bày tỏ tin tưởng thành phố sẽ sớm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết 98 để bộ mặt YTCS thực sự thay đổi; đội ngũ y, bác sĩ yên tâm công tác.

“Chia lửa” với tuyến trên

Đầu tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Quận 7 tiếp nhận một bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch. Bé A. nhập viện trong tình trạng bị vật nhọn đâm thủng tim, khiến cơ thể ngưng tim, ngưng thở. Các y, bác sĩ ở bệnh viện đã kiên trì hồi sức cấp cứu bệnh nhi, nhất định không bỏ cuộc, đồng thời “hợp sức” với Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) giúp bệnh nhi thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Phòng phẫu thuật khang trang, đầy đủ thiết bị hiện đại tại Bệnh viện quận 7, TPHCM

Phòng phẫu thuật khang trang, đầy đủ thiết bị hiện đại tại Bệnh viện quận 7, TPHCM

Bệnh nhi A. là một trong gần 200 ca bệnh rất nặng (77 ca ngưng tim ngoại viện), nguy kịch, nhiều bệnh nền như suy hô hấp, viêm phổi nặng, choáng nhiễm trùng, choáng tim, điều trị đợt cấp COPD (rối loạn chức năng hô hấp) nặng cần thở máy… Nếu như trước đây, đa số sẽ được chuyển tuyến do thiếu đội ngũ y, bác sĩ giỏi chuyên môn và trang thiết bị, nhưng giờ đây lại được cấp cứu kịp thời, điều trị tích cực và khỏe mạnh trở về với gia đình.

BSCKI Dương Phát Triểng, Phó trưởng Khoa điều hành, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Quận 7, nhấn mạnh, đơn vị sẽ có thể cứu chữa được nhiều bệnh nhân nặng hơn nếu như được đầu tư máy CT- Scan. Do Bệnh viện Quận 7 chưa có thiết bị này lên nhiều ca bệnh phải chuyển qua bệnh viện khác chụp CT- Scan rồi đưa về lại Bệnh viện Quận 7, mất “thời gian vàng” trong điều trị.

Không riêng gì Bệnh viện Quận 7, các bệnh viện khác trên địa bàn TPHCM như Bệnh viện Quận 11, Bệnh viện Quận 12, Bệnh viện Quận Tân Phú, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), Bệnh viện Huyện Bình Chánh, Bệnh viện Huyện Củ Chi… đã hạn chế được việc chuyển tuyến bệnh nhân, dần khẳng định “thương hiệu” trong công tác khám chữa bệnh.

“Bệnh viện Huyện Củ Chi hiện có 130 bác sĩ cơ hữu; có nhiều máy móc, thiết bị dùng cho kỹ thuật cao và mỗi ngày khám chữa bệnh cho trên 1.000 bệnh nhân nội trú và ngoại trú… Để đạt được kết quả này, ngoài việc khẳng định tên tuổi, đem lại sự an tâm nơi người bệnh thì bệnh viện còn phải tạo uy tín về chất lượng, các kỹ thuật triển khai và kết quả thực hiện trên từng ca bệnh qua nhiều năm”, BSCKII Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Huyện Củ Chi, nhấn mạnh.

PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế TPHCM:

Nâng chất y tế cơ sở

Việc nâng cao chất lượng của tuyến YTCS là hoạt động xuyên suốt thời gian qua của ngành, trong đó củng cố cơ sở hạ tầng là hoạt động ưu tiên mà TPHCM rất quan tâm. Sau khi đã thí điểm thành công đưa máy X-quang có trí tuệ nhân tạo (AI) về xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, sở sẽ tham mưu UBND TPHCM tiếp tục cho thực hiện ở những TYT xa trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và phát triển kết nối từ xa giữa các bác sĩ công tác ở TYT với các bác sĩ chuyên khoa các bệnh viện của thành phố để được hội chẩn, tư vấn chuyên môn từ xa. Đồng thời, Sở Y tế sẽ mở rộng danh mục thuốc cho TYT, thuốc BHYT, nhất là các thuốc điều trị ngoại trú cho các bệnh không lây nhiễm như: đái tháo đường, tim mạch, phổi mạn tính, ung thư (giai đoạn chăm sóc giảm nhẹ).

Bà LÊ THỊ ANH THƯ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, TPHCM:

Xây mới 7 trạm y tế

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 98, trong thời gian tới, huyện Nhà Bè sẽ đề xuất thành phố một số cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng YTCS. Bên cạnh việc đẩy nhanh, đảm bảo chất lượng hoàn thành xây mới Bệnh viện Huyện Nhà Bè (khởi công tháng 12-2022), huyện sẽ đầu tư, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho trung tâm y tế huyện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn TPHCM giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, huyện nhân rộng mô hình phòng khám vệ tinh chuyên khoa của bệnh viện thành phố đặt tại TYT, như mô hình Phòng khám Nhi khoa của BV Nhi đồng TPHCM đặt tại TYT Phước Kiển. Huyện thực hiện chương trình luân phiên cán bộ y tế tuyến thành phố về hỗ trợ tại trung tâm y tế huyện để nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.

Ông NGUYỄN NGỌC XUÂN, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, TPHCM:

Tái lập bệnh viện huyện

Theo định hướng phát triển của TPHCM đến năm 2023, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực… Để đồng hành và đi trước, đón đầu, đối với lĩnh vực y tế, huyện Cần Giờ sẽ tham mưu thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị cho các TYT xã, thị trấn và trung tâm y tế huyện để hoàn thiện mạng lưới YTCS. Xây dựng mới TYT thị trấn Cần Thạnh và TYT xã đảo Thạnh An có khu mổ cấp cứu, hệ thống Telemedicine, PACS… Thành lập trạm cấp cứu đường thủy (thuộc xã đảo Thạnh An) trực thuộc Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố nhằm đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe, cấp cứu cho nhân dân và ngư dân, khách du lịch trên biển.

Huyện đầu tư thêm 170 giường bệnh, nâng tổng số giường là 420 giường tại trung tâm y tế huyện và phòng khám đa khoa khu vực Bình Khánh - An Nghĩa; trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại theo chuẩn để đáp ứng như cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, đến cuối năm 2030, tái lập Bệnh viện Huyện Cần Giờ (trước đó sáp nhập vào trung tâm y tế huyện) có các điều kiện chăm sóc sức khỏe kết hợp nghỉ dưỡng. Cùng trong năm này, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 97%; hàng năm, 7 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế…

AN KHÁNH

QUANG HUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ky-vong-thay-ao-moi-cho-y-te-co-so-post702178.html