Kỳ vọng tích cực từ việc Fed hạ lãi suất

Lãi suất thấp hơn không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình tại Mỹ mà còn giúp các nền kinh tế toàn cầu mở rộng các chính sách phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm để mở đầu cho chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ mới, trong bối cảnh lạm phát dần hạ nhiệt và kèm những lo ngại về khả năng suy thoái của nền kinh tế.

Giải tỏa áp lực tài chính toàn cầu

Trong báo cáo vừa được công bố, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đã có những đánh giá nhanh về việc Fed thực hiện lộ trình hạ lãi suất và những tác động đối với kinh tế - tài chính thế giới cũng như Việt Nam.

Theo đó, lãi suất toàn cầu có xu hướng giảm sẽ kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, giúp kinh tế thế giới giữ đà tăng trưởng.

Từ đó, thúc đẩy nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam ở mức cao và Mỹ, Châu Âu là các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Cùng với đó, kỳ vọng dòng vốn FDI vào các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam cũng sẽ tăng lên.

Đồng thời, việc Fed giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD xuống giá so với hầu hết các đồng tiền khác, làm giảm sức ép tỷ giá USD/VND. Thực tế là thị trường đã chiết khấu một phần lớn, tỷ giá hạ nhiệt từ mức tăng khoảng 4,9% hồi cuối tháng 5/2024 xuống còn 1,6% hết ngày 18/9/2024. Dự báo tỷ giá USD/VND sẽ chỉ tăng khoảng 1,3-1,7% cả năm 2024.

Việc tỷ giá ổn định hơn góp phần giảm chi phí nhập khẩu trong khi tác động không nhiều đối với xuất khẩu của Việt Nam do cấu trúc nền kinh tế.

Thêm nữa, mặt bằng lãi suất sẽ ổn định hơn, giảm chi phí vốn nợ và đầu tư bằng ngoại tệ của doanh nghiệp tại Việt Nam đối với cả vốn vay cũ và mới. Ngoài ra, chi phí vốn vay của Chính phủ và doanh nghiệp FDI bằng ngoại tệ cũng giảm một phần. Điều này vừa góp phần giảm rủi ro nợ vay vừa kích cầu tín dụng, đầu tư trong thời gian tới.

Tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán và dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Trong tám tháng đầu năm, TTCK Việt Nam tiếp tục phục hồi dù còn nhiều thách thức.

Lũy kế tám tháng đầu năm, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng 64.000 tỷ đồng (2,6 tỷ USD), một phần là do chênh lệch lãi suất USD/VND còn cao thời gian qua.

Khi Fed và ngân hàng trung ương các nước phát triển bắt đầu tiến trình hạ lãi suất, chênh lệch lãi suất sẽ giảm, xu hướng rút vốn từ các thị trường mới nổi / cận biên (trong đó có Việt Nam) quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro, hưởng chênh lệch lãi suất, sẽ giảm dần.

Hơn nữa, giá chứng khoán Việt Nam hiện nay đang tương đối hấp dẫn và kỳ vọng thị trường Việt Nam có thể được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi bởi tổ chức FTSE Russel trong năm 2025... Thực tế là từ đầu tháng 9/2024 đến nay, xu hướng mua ròng của khối ngoại đã bắt đầu tăng trở lại.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS), việc Fed hạ lãi suất sẽ giúp chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều dư địa để giảm lãi suất, đặc biệt là sau ảnh hưởng từ siêu bão Yagi. Qua đó, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn, dư địa phục hồi tốt hơn.

Với các doanh nghiệp đang vay nợ nhiều như trong các lĩnh vực bất động sản, sản xuất, xuất khẩu, lãi suất hạ giúp chi phí vốn giảm, biên lợi nhuận tăng. Thêm nữa, doanh nghiệp phục hồi thì nợ xấu ngân hàng giảm, giảm trích lập dự phòng, sức khỏe hệ thống ngân hàng tốt hơn.

“Kinh tế phục hồi thì tốt cho tất cả. Ngành ngân hàng là ngành xương sống của nền kinh tế nên vẫn có dư địa tốt để phục hồi”, ông Sơn cho biết.

Kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”, Fed có thể tiếp tục hạ lãi suất

Được biết, mục tiêu hiện tại của Fed là giữ lạm phát ổn định đồng thời đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp không tăng cao hơn. Hiện lạm phát của Mỹ đã giảm xuống còn 2,5% trong tháng 8/2024 từ mức đỉnh 9,1% vào giữa năm 2022.

“Cách tiếp cận kiên nhẫn của chúng tôi trong năm qua đã mang lại kết quả. Lạm phát hiện tiến triển bền vững hướng tới mục tiêu 2%. Chúng tôi đang cố gắng đạt được sự khôi phục ổn định về giá cả mà không phải để tình trạng thất nghiệp gia tăng. Các nhà đầu tư nên coi động thái cắt giảm mạnh tay này là dấu hiệu cho lời cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc đạt được mục tiêu đó”, Chủ tịch Fed - ông Powell nhấn mạnh trong bài phát biểu tại cuộc họp bàn lãi suất.

Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng, việc Fed cắt giảm mạnh lãi suất cho thấy mối quan ngại ngày càng tăng của cơ quan này về thị trường lao động Mỹ nhưng ông Powell vẫn khẳng định “không thấy bất cứ điều gì trong nền kinh tế hiện nay cho thấy khả năng xảy ra suy thoái”.

Ngay trước thềm cuộc họp của Fed, doanh số bán lẻ tháng 8 được Bộ Thương mại Mỹ công bố đã bất ngờ ghi nhận mức tăng 0,1%, đảo ngược lại dự báo trước đó là giảm 0,2%. Những dữ liệu này đang giúp củng cố niềm tin vào kịch bản "hạ cánh mềm" mà Fed kỳ vọng.

Cùng với sự đi lên của doanh số bán lẻ, các dữ liệu kinh tế khác của Mỹ cũng ghi nhận sự mạnh mẽ bất ngờ như sản lượng công nghiệp tháng 8 đạt mức tăng lên tới 0,8%, so với dự báo chỉ là 0,2% hay tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ cũng tiếp tục chạm mức cao kỷ lục 164.000 tỷ USD trong quý II.

Những số liệu này, cùng với việc các chỉ số giá cả CPI và PPI tháng 8 tiếp tục hạ nhiệt, đều đang cho thấy khả năng "hạ cánh mềm" (tăng trưởng giảm tốc) thay vì suy thoái đối với nền kinh tế số một thế giới.

Do đó, trong buổi họp thị trường vừa qua, Fed còn phát tín hiệu sẽ cắt giảm thêm 0,5 điểm phần trăm lãi suất nữa ngay trong năm nay. Sang năm 2025, các quan chức Fed dự kiến có thể cắt giảm tổng cộng 1 điểm phần trăm, còn năm 2026 là 0,5 điểm phần trăm.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/ky-vong-tich-cuc-tu-viec-fed-giam-manh-lai-suat-d37096.html