Kỳ vọng tiết kiệm 1.000MW điện từ việc loại bỏ thiết bị hiệu suất thấp
Việc loại bỏ các thiết bị sử dụng năng lượng kém hiệu quả và tổ máy phát điện hiệu suất thấp có ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng cũng như về kinh tế-xã hội và môi trường.
Sau 1 tháng triển khai Quyết định 14/2023/QĐ-TTg của Chính phủ về việc loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất thấp, trong khi hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn đều đã nắm rõ chủ trương và có kế hoạch, lộ trình thực hiện thì vẫn còn một số bộ phận người dân, tiểu thương chưa hiểu đúng về nội dung của quyết định này và tỏ ra băn khoăn, lo lắng trong việc kinh doanh cũng như sử dụng những sản phẩm nằm trong danh mục bị ngừng, cấm.
Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hải Dũng, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương để làm rõ các nội dung liên quan của Quyết định số 14 và các giải pháp trong quá trình thực hiện chủ trương tiết kiệm năng lượng điện năng.
- Theo phản ánh từ thực tế, những thông tin liên quan tới những mặt hàng trong danh mục của Quyết định 14 gắn với cụm từ "cấm bán", bị “loại bỏ” đang khiến không ít hộ gia đình, người dân băn khoăn liệu có được tiếp tục sử dụng hay không. Ông có thể chia sẻ cụ thể về vấn đề này để người dân hiểu rõ?
Ông Đặng Hải Dũng: Chương trình về chuyển đổi hiệu suất năng lượng cũng như quản lý hiệu suất năng lượng của các phương tiện thiết bị hiệu suất năng lượng được xây dựng có lộ trình và được Bộ Công Thương thiết kế chương trình chuyển đổi hiệu suất năng lượng gồm các hoạt động liên quan đến loại bỏ, cấm sản xuất, nhập khẩu các phương tiện thiết bị lạc hậu theo quy định. Có nghĩa là, đến thời điểm 1/4/2025 thì tất cả những thiết bị tiêu thụ điện mà dưới mức hiệu suất năng lượng tối thiểu sẽ không được nhập khẩu và buôn bán.
Ở đây có 2 điều phải làm rõ, đó là việc cấm sản xuất kinh doanh các phương tiện thiết bị có hiệu suất thấp thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, là những nguồn cung của các sản phẩm bán ra thị trường.
Tuy nhiên, những quy định này sẽ không ảnh hưởng đến người dân đang sử dụng, vận hành các phương tiện đó. Tất cả những phương tiện đã và đang sử dụng thì sẽ được tiếp tục sử dụng cho đến hết vòng đời, chu kỳ sản phẩm. Do vậy, người dân đang sử dụng các phương tiện, thiết bị này thì hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi quy định tại Quyết định 14.
Thực tế thì chương trình loại bỏ thiết bị hiệu suất năng lượng không phải là mới được tiến hành. Lần đầu tiên, chương trình này được áp dụng từ Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg, sau đó là Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg… và bây giờ đến chu kỳ tiếp theo là 2025 thì chúng ta tiếp tục triển khai.
Do vậy, cần phải làm rõ một số thông tin mà có thể gây hiểu nhầm đối với người dân. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều chủng loại phương tiện, thiết bị khác nhau nên chỉ những thiết bị công nghệ thấp, lạc hậu, dưới mức hiệu suất năng lượng mà do Nhà nước quy định thì mới phải loại bỏ, còn những phương tiện, thiết bị hoặc sản phẩm tiêu thụ năng lượng mà trên mức quy định thì vẫn được sản xuất, lưu thông, hoàn toàn bình thường. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã đưa ra những lộ trình từ trước khi xây dựng các Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN) liên quan đến hiệu suất năng lượng.
- Để triển khai Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã có các giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Hải Dũng: Để triển khai Quyết định 14 cũng các chủ trương chung liên quan đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Tiêu chuẩn và các phòng thử nghiệm để chuẩn bị các năng lượng thiết bị, hạ tầng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa ra các chiến dịch truyền thông, thông tin đến các cơ quan hoặc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các sản phẩm, phương tiện thiết bị tiêu thụ năng lượng chịu tác động của quyết định này để họ nắm rõ được những quy định mới, tránh ảnh hưởng đến công việc sản xuất kinh doanh.
Đối với các phương tiện thiết bị nằm trong danh mục của Quyết định số 14/2023/QĐ-TTg, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp để triển khai kiểm tra và giám sát thị trường.
Ở những lần thực hiện trước, để chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng phương tiện, thiết bị đạt được những kết quả, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg. Cụ thể, chúng tôi tổ chức các đoàn kiểm tra làm việc định kỳ hằng năm với các Phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh phương tiện, thiết bị áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu trên thị trường. Kết quả, năm 2018 đã tiến hành kiểm tra được 07 phòng thử nghiệm, 07 doanh nghiệp; năm 2019: 09 phòng thí nghiệm, 09 doanh nghiệp; năm 2020: 07 phòng thử nghiệm, 06 doanh nghiệp.
Trong quá trình kiểm tra, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị Phòng thử nghiệm khắc phục các điểm không phù hợp, bổ sung lại các tài liệu văn bản quy trình, lưu trữ báo cáo riêng những phiếu thử nghiệm không đáp ứng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu để phục vụ công tác hậu kiểm; đã xử lý vi phạm cảnh cáo đối với 01 doanh nghiệp vi phạm quy định trong việc dán nhãn năng lượng, nhắc nhở yêu cầu đối với các hành vi không phù hợp trong hoạt động thử nghiệm hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng của doanh nghiệp.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành danh mục các mặt hàng thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, trong đó bao gồm danh mục hàng hóa có gắn mã hồ sơ thuộc Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg tại Quyết định số 1182/QĐ-BCT ngày 06/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã phối hợp với cơ quan Hải quan hướng dẫn các thủ tục nhập khẩu hàng hóa theo danh mục phương tiện, thiết bị tại Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg như nồi hơi nhiệt dư, máy biến áp…
Đối với các hàng hóa lưu thông trên thị trường, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2539/QĐ-BCT ngày 30/9/2020 về việc hướng dẫn kiểm tra hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu lưu thông trên thị trường (hậu kiểm) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Khi Quyết định 14 được ban hành, Bộ Công Thương tiếp tục tiến hành theo các lộ trình đã thực hiện. Chúng tôi sẽ thông báo các nội dung, quy định tới các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất trong nước để họ có sự chuẩn bị trong việc kinh doanh và tuân thủ các quy định.
Bên cạnh đó, đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường, lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh để đảm bảo sự minh bạch. Các doanh nghiệp có sai phạm, vi phạm hay công bố sai thì Bộ Công Thương cũng có các đơn vị để xử lý.
-Việc thực hiện Quyết định 14 có ý nghĩa như thế nào theo Chỉ thị 20 của Chính phủ và việc tiết kiệm năng lượng nói chung, thưa ông?
Ông Đặng Hải Dũng: Quyết định 14/2023 hay các “phiên bản” trước đây như Quyết định số 78/2013 hay Quyết định số 24/2018 đã có tác dụng và loại bỏ các chủng loại, thiết bị tiêu tốn điện năng khỏi thị trường.
Cụ thể, những sản phẩm như điều hòa chúng ta đã quy định mức hiệu suất từ tiêu chuẩn TCVN:2009; TCVN:2015 cho đến TCVN:2021… cho thấy có thể tiết kiệm hàng trăm triệu kWh mỗi năm. Tương tự, đối với các sản phẩm khác như nghe nhìn, quạt điện, sản phẩm bếp, điện tử… đang được đưa vào danh mục và chúng tôi cũng kỳ vọng đến năm 2030 sẽ tiết kiệm được số lượng điện tương đương với một nhà máy khoảng 1.000MW mỗi năm.
Có thể thấy việc loại bỏ các thiết bị phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng kém hiệu quả và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng cũng như về kinh tế-xã hội và môi trường. Quyết định số 14 đã thể hiện sự quyết tâm, kiên quyết của Chính phủ nhằm thực hiện chống lãng phí trong sử dụng năng lượng.
Xin cảm ơn ông!