Kỳ vọng từ những mô hình HTX nông nghiệp, du lịch sinh thái

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kết hợp với du lịch nông nghiệp, bao gồm homestay, farmstay và các trang trại cung cấp dịch vụ trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, phong trào xây dựng HTX nông nghiệp du lịch sinh thái đã lan tỏa ở nhiều địa phương, kỳ vọng mở ra hướng phát triển mới cho khu vực kinh tế tập thể, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Dịch vụ chèo bè tre trên suối Chàm được thành viên HTX du lịch nông nghiệp Ban Công triển khai đã và đang thu hút được sự quan tâm của du khách.

Xã miền núi Ban Công (Bá Thước) được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, Đảng ủy xã Ban Công đã ban hành nghị quyết về việc phát triển du lịch xã Ban Công giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xã đã tăng cường triển khai các dự án đầu tư phát triển cho loại hình du lịch nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá đề án phát triển nông nghiệp gắn với XDNTM và phát triển du lịch đến với các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành; quảng bá sản phẩm nông nghiệp du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút khách du lịch. Cùng với những mô hình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch của các doanh nghiệp, HTX du lịch nông nghiệp Ban Công đã tận dụng được lợi thế sẵn có, xây dựng được các loại hình dịch vụ du lịch nông nghiệp, sinh thái, thu hút được du khách tham quan, trải nghiệm.

Chị Bùi Thị Tâm, thành viên ban quản trị HTX, cho biết: Là địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, song được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho khí hậu mát mẻ, địa hình đồi núi thấp với những địa danh, như: hang Phà Máy, hang Nước, hang Bụt. Cùng với đó, cảnh đẹp của ruộng bậc thang, hệ thống xe hàn (cọn nước) được bà con trong thôn dựng lên để tưới lúa... đã tạo nên sức hút đối với khách du lịch trong, ngoài nước. Tận dụng lợi thế đó, HTX đã vận động các hộ thành viên tích cực tham gia phát triển du lịch sinh thái, trong đó trọng tâm là phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng cộng đồng và hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Nhờ đó, từ việc phát triển các điểm, mô hình nhỏ lẻ, chưa tận dụng hết tiềm năng, đến nay các hộ thành viên HTX tham gia phát triển du lịch đã tạo ra sự liên kết, góp phần cho việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trải nghiệm.

Được biết, để hình thành được hệ sinh thái bền vững cho du lịch nông nghiệp trải nghiệm, HTX du lịch nông nghiệp Ban Công đã hình thành được một số tuor du lịch trải nghiệm, như: chèo bè tre trên suối Chàm, chụp hình sống ảo cùng guồng nước... Ngoài ra, các thành viên HTX đã xây dựng được vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại các khu ruộng bậc thang. Trong đó, có 20ha sản xuất lúa nếp bản địa để cung ứng cho dịch vụ du lịch địa phương. Đặc biệt, năm 2023, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm gạo nếp Cú Mắc Cải từ lúa nếp bản địa trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Đây không chỉ là bước đệm để phát triển mạnh nền nông nghiệp mà còn là động lực để đẩy mạnh du lịch sinh thái gắn với quảng bá nông sản đặc sản địa phương.

Tại xã Bình Sơn (Triệu Sơn), khi nhận thấy tiềm năng du lịch sinh thái, ông Lê Đình Tú, giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn và một số thành viên đã mạnh dạn tổ chức đón tiếp, cung cấp dịch vụ trải nghiệm thu hái, sao chè cho khách du lịch, người dân trong và ngoài tỉnh. Ông Tú cho biết: Sau khi đa dạng hóa dịch vụ sản xuất gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, sản phẩm chè Bình Sơn ngày càng được nhiều người dân, du khách biết đến. Khi đến với Bình Sơn, du khách không những được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, chiêm ngưỡng cảnh đẹp tự nhiên mà còn được quảng bá về quy trình sản xuất sản phẩm sạch, được tìm hiểu giới thiệu về văn hóa sinh hoạt, sản xuất của các đồng bào dân tộc đang sinh sống trên địa bàn xã. Thông qua hoạt động này, các sản phẩm của địa phương cũng nâng sức tiêu thụ khá mạnh mẽ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 824 HTX nông nghiệp, song chỉ có không quá 10 HTX tham gia phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái. Hầu hết các mô hình mới được các HTX manh nha thực hiện, chưa có sự đầu tư bài bản, quy mô song vẫn truyền bá được nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo của từng địa phương với người dân và du khách. Từ đó, các sản phẩm nông nghiệp và giá trị văn hóa của các vùng quê được lan tỏa rộng rãi. Để phát triển và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp du lịch sinh thái, Liên minh HTX tỉnh đã triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ quản lý, nghiệp vụ, thành viên, người lao động trong HTX nhận biết những cơ hội lớn phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, từ đó hình thành ý tưởng đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, khảo sát lựa chọn các HTX có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để hỗ trợ xây dựng thành các mô hình sản xuất gắn với kinh doanh, dịch vụ du lịch; tăng cường sự liên kết, phát triển các tuyến điểm du lịch giữa doanh nghiệp với HTX trong và ngoài tỉnh tạo thành các chuỗi liên kết để đưa du khách về với vùng nông thôn, miền núi của tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ky-vong-tu-nhung-mo-hinh-htx-nong-nghiep-du-lich-sinh-thai-216999.htm