Kỳ vọng từ 'Thành phố đáng sống' (bài 1)
Trong nỗ lực 'bắt kịp, tiến cùng, bứt phá và vượt lên', Việt Nam đang ưu tiên nguồn lực và tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, đặc biệt quan trọng như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật…
Và việc Bộ Chính trị, Quốc hội có chủ trương tán đồng thí điểm thành lập khu thương mại tự do – mô hình chưa từng có trong tiền lệ và pháp luật quốc gia, cho thấy tầm nhìn - khát vọng cùng với quyết tâm chính trị rất cao để đất nước sang trang mới của tiến trình hội nhập sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững. Đây cũng là cấu hình cốt lõi của kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã định hướng và cả nước đang kỳ vọng, đặt trọn niềm tin…
Đà Nẵng hiện là địa phương duy nhất của cả nước được Trung ương chọn thí điểm thành lập khu thương mại tự do (TMTD). Các chuyên gia tính toán, sau khi có khu TMTD, tổng thu ngân sách Nhà nước của địa phương này dự kiến đạt 60.000 tỷ đồng vào năm 2030, 163.000 tỷ đồng vào năm 2040 và vọt lên mức 511.000 tỷ đồng vào năm 2050.
Thiên thời, địa lợi, nhân hòa…
Nhiều năm qua, Đà Nẵng được mệnh danh là “Thành phố đáng sống” của Việt Nam, được bạn bè thế giới chú ý. So với nhiều địa phương khác của cả nước, Đà Nẵng không đơn thuần chỉ là nơi có hạ tầng đô thị và dịch vụ công vượt trội, môi trường sống trong lành, chỉ số chất lượng môi trường cao và ít ô nhiễm, điều kiện sống của người dân được đảm bảo an toàn, tiện lợi,… mà điều hấp dẫn trong “mắt xanh” của nhiều nhà đầu tư chính là địa phương này có vị trí chiến lược – một lợi thế đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng các ngành phù hợp, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên và khả năng kết nối khu vực.
Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của Việt Nam, cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây, kết nối thuận lợi với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và xa hơn là Thái Lan, Myanmar.
Đà Nẵng đóng vai trò là điểm kết nối trung chuyển quan trọng trên cả hành lang Bắc – Nam và hành lang Đông – Tây, đồng thời sở hữu mặt tiền biển thuận lợi cho việc phục vụ các khu vực nội địa không giáp biển như Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Nơi đây cũng dễ dàng tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế lớn, nơi tập trung lưu lượng vận chuyển hàng hóa cao giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hầu hết các trung tâm thương mại và dịch vụ lớn của khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương đều nằm trong bán kính 2.000km, giúp Đà Nẵng có lợi thế vượt trội về kết nối hàng không với tầm bay lý tưởng.
Nhiều nhà đầu tư đã sớm nhận ra Đà Nẵng có lợi thế lớn về giao thông đường hàng không khi có sân bay Đà Nẵng chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế (liên tục thuộc top 100 sân bay tốt nhất thế giới; hiện là sân bay duy nhất của Việt Nam có nhà ga đạt tiêu chuẩn 5 sao của Skytrax và Top 5 đề cử cho Giải thưởng Routes Asia 2024 hạng mục “Sân bay có công suất phục vụ 5-20 triệu hành khách năm”). Đến nay, sân bay Đà Nẵng có 16 đường bay quốc tế thường kỳ, kết nối trực tiếp với 35 thành phố thuộc 11 quốc gia, vùng lãnh thổ (tần suất khai thác trung bình 51 chuyến/ngày), trong đó có các trung tâm kinh tế toàn cầu như Hồng Kông, Thượng Hải, Seoul, Tokyo, Thâm Quyến, Singapore và nhiều nơi khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, cảng Đà Nẵng hiện không phải chỉ là cảng biển container lớn nhất miền Trung, mà còn là một khâu quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics khu vực miền Trung - Tây Nguyên; hiện đang có gần 1.700m cầu bến với khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 Teus và tàu khách đến 170.000 GRT, cùng với các thiết bị xếp dỡ và kho bãi hiện đại. Cảng Đà Nẵng được chọn là điểm cuối cùng của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, nối liền Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam, là cửa ngõ chính ra Biển Đông cho toàn khu vực.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cũng là yếu tố hấp dẫn của Đà Nẵng, giúp Khu TMTD Đà Nẵng tới đây dễ dàng thu hút các nhà đầu tư trong các ngành công nghệ cao và gia công phần mềm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhân lực chất lượng của các doanh nghiệp quốc tế.
Theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, với vị trí địa kinh tế quan trọng và hạ tầng kết nối tốt, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về việc xúc tiến và triển khai các chương trình hợp tác song phương cấp địa phương. Đến nay, thành phố đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với gần 50 địa phương của 22 quốc gia, vùng lãnh thổ với 104 thỏa thuận đã ký kết. Những mối quan hệ đối ngoại này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm phát triển hạ tầng logistics, công nghệ và nguồn nhân lực. Đây chính là nền tảng quan trọng để Đà Nẵng thành lập và phát triển khu TMTD…
Đà Nẵng không lo… “cô đơn”
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu nhấn mạnh như vậy gần cuối năm ngoái khi ông làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng ngay sau cuộc khảo sát một số vị trí dự kiến xây dựng khu TMTD. Theo Thủ tướng, Đà Nẵng không phải tự lo liệu, không “cô đơn” khi thực hiện Nghị quyết 136/2024/QH15 (hiệu lực từ 1/1/2025, có nội dung thí điểm thành lập Khu TMTD Đà Nẵng - PV) bởi bên cạnh đó, luôn có sự lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, có sự hướng dẫn, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương cùng sự ủng hộ của người dân, của doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, việc Quốc hội cho phép TP Đà Nẵng được thí điểm thành lập khu TMTD là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, là "cú hích", động lực lớn để kinh tế Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung phát triển. Chính sách thí điểm khu TMTD mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm để thử nghiệm một mô hình đã được thế giới khẳng định nhưng chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ (về việc phân công nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15), đến cuối năm 2024, Đà Nẵng đã hoàn thành việc xây dựng đề án, hồ sơ thành lập Khu TMTD Đà Nẵng, gửi Bộ KH&ĐT thẩm định, trình cấp thẩm quyền. Theo dự kiến, trong quý 1/2025 này, Thủ tướng sẽ ban hành quyết định thành lập Khu TMTD Đà Nẵng.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Vũ Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, theo đề xuất, Khu TMTD Đà Nẵng có tổng diện tích tự nhiên khoảng 2.348,3ha, bao gồm các khu chức năng (như sản xuất, logistics, thương mại - dịch vụ và các khu chức năng khác theo quy định pháp luật) được bố trí tại 10 vị trí không liền kề, gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng. Các khu chức năng thuộc Khu TMTD Đà Nẵng sẽ được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hệ thống an ninh hiện đại, đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan, cũng như quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan liên quan.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng nhìn nhận, quỹ đất dành cho phát triển các khu chức năng của Khu TMTD Đà Nẵng hiện tại còn hạn chế và khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, vì vậy cần có các biện pháp triển khai quyết liệt để không bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư. Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Đà Nẵng nghiên cứu và triển khai sớm hoạt động lấn biển (dự kiến khoảng 420ha) nhằm mở ra không gian mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố; đồng thời, cần có kế hoạch phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại và thông minh.
“Thủ tướng nói Đà Nẵng có thiên thời, địa lợi, nhân hòa để triển khai Nghị quyết 136/2024/QH15. Vấn đề là tổ chức thực hiện với tư tưởng tấn công mạnh mẽ hơn, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, triển khai đồng bộ, bài bản, khoa học hơn. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo trình đề án thành lập Khu TMTD Đà Nẵng trước ngày 28/2 tới. Tôi nghĩ rằng, Khu TMTD Đà Nẵng không chỉ là mô hình thí điểm riêng cho Đà Nẵng mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu cho cả nước. Để thành công, cần sự vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt của các ngành, địa phương, sự chỉ đạo mạnh mẽ từ lãnh đạo thành phố và hỗ trợ tích cực từ Trung ương. Cả nước đang kỳ vọng sẽ sớm thấy được hình hài của Khu TMTD, tạo động lực phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới…”, ông Vũ Quang Hùng chia sẻ và bộc bạch thêm.
Theo tính toán của nhóm chuyên gia nghiên cứu dự thảo đề án, tổng mức đầu tư bên trong Khu TMTD Đà Nẵng dự kiến khoảng 35.887 tỷ đồng cho giai đoạn 1 (trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 20.755 tỷ đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 15.132 tỷ đồng) và trên 4.324 tỷ đồng cho giai đoạn 2 (tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng). Cơ cấu nguồn vốn của cả 2 giai đoạn sẽ được lấy từ nguồn vốn tư nhân, hạn chế tối đa việc tăng áp lực lên ngân sách nhà nước.
Sau khi có khu TMTD, dự kiến tổng thu ngân sách Nhà nước trên toàn địa bàn Đà Nẵng đạt 60.000 tỷ đồng vào năm 2030, 163.000 tỷ đồng vào năm 2040 và 511.000 tỷ đồng vào năm 2050. Năm 2030, Khu TMTD Đà Nẵng dự kiến thu hút khoảng 41.000 lao động; giai đoạn 2030 - 2040, số lao động sẽ tăng lên khoảng 100.000, tập trung vào các ngành sản xuất bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghệ hàng không vũ trụ, điện tử, công nghệ sinh học…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/ky-vong-tu-thanh-pho-dang-song-bai-1--i758191/