Kỳ vọng và thách thức khi tòa án Singapore thử nghiệm công nghệ Trí tuệ nhân tạo trong 2 năm
Trong tương lai, các đương sự ở Singapore có thể khai thác công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp họ đưa ra yêu cầu bồi thường hoặc bào chữa. Trước tiên, các tòa án Singapore đang thử nghiệm việc sử dụng AI trong xử lý các vụ kiện nhỏ, với khoảng 10.000 vụ việc mỗi năm, từ đó có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác như giải quyết ly hôn và khiếu nại dân sự.
Thẩm phán Aedit Abdullah - phụ trách vấn đề chuyển đổi và đổi mới của Tòa án Singapore cho biết, vào tháng 8-2023, cơ quan này đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty khởi nghiệp Harvey AI của Mỹ về cho phép thử nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo trong 2 năm. Thỏa thuận được đưa ra sau chuyến thăm của Chánh án Sundaresh Menon tới New York (Mỹ), trong đó có cuộc làm việc với người sáng lập và Giám đốc điều hành của Harvey AI, công ty có sản phẩm dựa trên mô hình GPT của Open AI.
Mô hình hoạt động
Thẩm phán Aedit Abdullah trong cuộc họp báo hôm 26-9 cho biết, vì không có luật sư trong các phiên tòa xử lý các vụ kiện nhỏ nên đây được coi là nơi thử nghiệm thích hợp. Trọng tâm của sáng kiến này là việc sử dụng Generative AI, một nhánh của thuật toán học sâu có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh và nội dung chất lượng cao dựa trên dữ liệu mà chúng được đào tạo. Tòa án Singapore thử nghiệm chương trình với mục đích tăng cường khả năng tiếp cận công lý, cố gắng cung cấp thông tin dễ tiếp cận và quy trình thân thiện cho người dân. Tham vọng của chương trình là hỗ trợ người dùng gửi yêu cầu bồi thường một cách chính xác bằng cách tự động điền thông tin được cung cấp vào biểu mẫu hoặc chỉ ra thông tin chưa đầy đủ.
Thẩm phán Abdullah đưa ra ví dụ về một người đang yêu cầu bồi thường về chiếc máy giặt bị lỗi với giá 2.000 SGD từ một nền tảng mua sắm trực tuyến và muốn nộp đơn khiếu nại nhà cung cấp lên Tòa án khiếu nại vụ việc nhỏ. Khách hàng có thể hỏi AI mình có quyền lợi gì, thực hiện các bước tiếp theo như thế nào, có thể nhận được bồi thường bao nhiêu và chi phí pháp lý ra sao. Lý tưởng nhất là AI có thể chỉ cho đương sự cách thực hiện khiếu nại và dẫn đến các trang web và biểu mẫu có liên quan. Hệ thống cũng hướng dẫn cho đương sự những tài liệu cần có, như biên lai mua hàng, bằng chứng về sự cố và chứng minh rằng lỗi không phải do người dùng.
Ông Tan Ken Hwee, Giám đốc chuyển đổi và đổi mới của cơ quan tư pháp cho biết, hệ thống máy học sẽ được cung cấp thông tin cụ thể dựa trên luật pháp, các vụ án trước đây và hệ thống tòa án của Singapore. Động thái mới nhất này là một phần trong nỗ lực đổi mới sâu rộng hơn của Tòa án Singapore. Trước đó, kể từ tháng 8-2022, các đương sự nước này có thể sử dụng ứng dụng SG-
Notify qua Singpass (Định danh kỹ thuật số cấp quốc gia) để gửi thông báo đến người mà họ muốn tống đạt giấy tờ. Đây là một hình thức dịch vụ kỹ thuật số thay thế giấy tờ truyền thống, vì như trước kia, họ sẽ phải quảng cáo trên báo hoặc dán thông báo trước cửa nhà. Vào tháng 11-2020, các tòa án Singapore cũng đã triển khai dịch vụ ký tài liệu trong đó hầu hết các tài liệu pháp lý có thể được ký kỹ thuật số. Ngoài ra, các vụ việc chứng thực di chúc - giải quyết tài sản theo di chúc cũng đã được đơn giản hóa đối với các vụ việc không phức tạp, thời gian kỷ lục là gần 7 ngày 18 giờ. Hiện nay, trang web thử nghiệm công nghệ AI đã có những câu trả lời tự động về tranh chấp hàng xóm, trình báo tội phạm hoặc di chúc...
Tác động với giới luật sư
Tuy nhiên, công nghệ AI có thể tác động đến tương lai của bất kỳ người lao động nào làm trong ngành nghề xử lý văn bản, trong đó có luật sư. Thẩm phán Abdullah cho biết, Bộ Tư pháp Singapore đã cân nhắc về thách thức đặt ra đối với ngành luật do tác động của AI cũng như những thay đổi công nghệ khác. “Những gì chúng tôi đang làm hiện nay với sự hợp tác của Harvey AI là nhằm vào các vụ kiện yêu cầu bồi thường nhỏ, nó không ảnh hưởng trực tiếp đến các luật sư, nhưng rất dễ dàng nhận ra tác động. Nếu những vụ việc bồi thường nhỏ đó có thể xử lý được, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, luật sư sẽ làm việc gì?”, thẩm phán nói.
Nhưng rõ ràng là sự thay đổi không thể dừng lại bởi hệ thống tòa án cũng như các dịch vụ công cần có quy trình diễn ra liền mạch và ngày càng thuận tiện. Theo Thẩm phán Abdullah, việc chuyển đổi hay áp dụng công nghệ AI có thể sẽ có một số tác động đến công việc và khả năng nghiên cứu của các luật sư trẻ. Điều này là do công nghệ có thể đưa ra kết quả chính xác các vấn đề pháp lý cụ thể, không chỉ dựa trên các vụ việc tương tự mà thậm chí còn dự đoán các câu hỏi mà tòa án có thể đặt ra.
“Vì vậy, thách thức đặt ra đối với tòa án Singapore cùng ngành luật là với sự ra đời của các công cụ dựa trên AI, việc đào tạo luật sư sẽ như thế nào?”. Thẩm phán Abdullah cho rằng, các luật sư phải chuẩn bị cho mình tâm thế làm việc trong một thế giới mới đòi hỏi sự linh hoạt và nhiều kỹ năng hơn. Trong vòng 5 đến 10 năm tới, các luật sư có thể phải thay đổi cách nghĩ về nghề, về vai trò mà họ cần hướng tới sẽ là người giải quyết vấn đề, chứ không đơn thuần là thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu.
Theo Channel News Asia