Kỳ vọng vào Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Hiện nay, hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trình Quốc hội xem xét lần đầu trong kỳ họp này được nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng.
Bất cập khi không có Luật Đầu tư PPP
Hơn chục năm trước, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 là một trong những nhà đầu tư góp vốn để thực hiện dự án quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên theo hình thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Theo hợp đồng, nhà đầu tư được khai thác, thu phí hơn 20 năm. Nhưng vì một số lý do, thời gian thu phí đã bị giảm 9 năm so với hợp đồng ký kết.
“Dự án đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài dẫn đến rủi ro cao. Cơ chế pháp lý không ổn định. Quy định về cơ chế chính sách chia sẻ rủi ro, giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia thực hiện dự án chưa rõ ràng dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp”, đại diện công ty này phàn nàn.
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 cũng đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường dẫn nối cầu Hàn với quốc lộ 37 tại Hải Dương theo hình thức PPP, hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo hợp đồng ký kết, thời gian bàn giao mặt bằng đợt 1 phải thực hiện xong trước ngày 15.7.2018 và bàn giao mặt bằng đợt 2 trước ngày 15.11.2018. Nhưng đến nay, việc giải phóng mặt bằng vẫn vướng mắc nên việc triển khai thi công bị chậm. Thời gian thực hiện dự án càng kéo dài thì chi phí đầu tư và rủi ro của nhà đầu tư càng lớn.
Ông Đặng Long Diệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 cho biết hiện nay, dự án PPP đường dẫn nối cầu Hàn với quốc lộ 37 vẫn ở giai đoạn đầu. Đến thời điểm này, doanh nghiệp chưa gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Nhưng công ty rất lo ngại đến giai đoạn tiếp theo, khi hoàn thành dự án đường dẫn cầu Hàn và chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án đối ứng sẽ vướng mắc về quy trình, thủ tục như nhiều dự án PPP khác.
Theo số liệu tại Báo cáo số 25/BC-CP ngày 30.1.2019 của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, toàn quốc có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, gồm 140 dự án theo hợp đồng BOT, 188 dự án BT và 8 dự án được áp dụng các loại hợp đồng khác. Tại Hải Dương, hiện có 2 dự án theo hợp đồng BOT, 4 dự án BT, đều thuộc lĩnh vực hạ tầng, giao thông và chưa có dự án nào thu hút được vốn đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về hoạt động đầu tư PPP trong thời gian qua, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định, Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho biết văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư PPP mới ở mức nghị định của Chính phủ nên trong quá trình thực hiện còn phụ thuộc nhiều vào các luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Nhà ở...
Trong quá trình triển khai còn phải tuân thủ nhiều quy định khác nên thủ tục khá phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh của nhà đầu tư. Việc sớm ban hành Luật Đầu tư PPP là rất cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư thực hiện thống nhất về trình tự, thủ tục và tăng hiệu lực pháp lý thực hiện.
Luật sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Dự án PPP trong thời gian qua đã góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhưng còn nhiều bất cập. Các dự án PPP phần lớn được thực hiện theo đề xuất của nhà đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu thông qua chỉ định thầu do chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện hoặc chỉ có một nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển nên chưa bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch. Công tác giám sát còn lỏng lẻo… Nguyên nhân chính của các hạn chế này do chưa có một khuôn khổ pháp lý cao nhất, rõ ràng, đầy đủ cho nhà đầu tư theo phương thức PPP.
Trước thực tế này, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Luật Đầu tư PPP, trình Quốc hội lấy ý kiến lần thứ nhất vào kỳ họp này. Dự thảo Luật Đầu tư PPP sẽ tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch.
Quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt, ký kết hợp đồng dự án phù hợp với lĩnh vực, quy mô dự án. Dự thảo luật được dựa trên cơ sở kế thừa các quy định đang thực hiện hiệu quả tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP, đồng thời bổ sung một số chính sách, định hướng mới như lĩnh vực đầu tư, quy mô đầu tư, phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, trình tự thực hiện dự án PPP, cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP. Dự thảo Luật Đầu tư PPP gồm 11chương với 102 điều.
Một trong những nội dung được nhà đầu tư quan tâm trong dự thảo Luật Đầu tư PPP là các cơ chế bảo đảm của Chính phủ nhằm chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét 2 cơ chế, gồm bảo đảm cân đối ngoại tệ và chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Các cơ chế này chỉ áp dụng đối với một số dự án PPP đặc biệt quan trọng, trên cơ sở xem xét cẩn trọng thông qua Hội đồng thẩm định liên ngành cấp trung ương chứ không áp dụng tràn lan cho mọi dự án PPP.
Hiện nay, dự thảo Luật Đầu tư PPP đang được cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư đặt kỳ vọng lớn, mong muốn Quốc hội sớm thông qua để tạo căn cứ pháp lý cao nhất, tháo gỡ được các vướng mắc trong thời gian qua.