Kỳ vọng vào một diện mạo mới của Hội Xuất bản Việt Nam

Ông Hoàng Vĩnh Bảo mong rằng Hội Xuất bản ở nhiệm kỳ V sẽ tiếp tục bám sát những nhiệm vụ đề ra, để Hội có diện mạo mới, nâng cao vị thế, đóng góp vào sự phát triển của ngành sách.

Ngành xuất bản bước vào kỳ Đại hội mới với nhiều kỳ vọng. Hôm nay, 12/7, ban chấp hành mới của Hội Xuất bản Việt Nam sẽ được bầu ra. Trả lời phỏng vấn của Tri thức trực tuyến, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV, chia sẻ góc nhìn và những kỳ vọng dành cho Hội Xuất bản ở nhiệm kỳ tới.

Chú trọng phát triển văn hóa đọc

- Thưa ông, sau hơn 5 năm gắn bó với Hội Xuất bản Việt Nam vừa qua, ông nhận thấy Hội có vị trí thế nào trong ngành xuất bản?

- Thứ nhất, trong nhiệm kỳ thứ IV vừa qua (2017-2023), Hội Xuất bản Việt Nam đã có những bước đổi mới căn bản cả về phương thức, nội dung và hoạt động Hội theo hướng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có liên quan để đẩy mạnh xây dựng nền xuất bản phát triển lành mạnh.

Hội cũng đã và đang chú trọng các nội dung phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao nhân lực ngành xuất bản, tăng cường hội nhập quốc tế, xây dựng Hội vững mạnh.

Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Xuất bản có một số đặc trưng đáng chú ý. Thứ nhất, trong một nhiệm kỳ, những quan điểm nêu trong nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII đều được cụ thể hóa trong nghị quyết nhiệm kỳ Đại hội Hội Xuất bản và đồng thời trong nghị quyết của Ban chấp hành Hội Xuất bản thời gian qua.

Thứ hai, trong những năm cuối của nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nhiều đến kinh tế chung, trong đó có kinh tế xuất bản. Nhưng trong những nguy cơ đó, cũng có những cơ hội mở ra cho ngành xuất bản. Xuất bản và phát hành điện tử được quan tâm và đẩy mạnh.

Thời gian qua, các doanh nghiệp nội dung số, doanh nghiệp công nghệ cũng hăng hái, quan tâm đến xuất bản.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19, nhiều đơn vị xuất bản tự thấy rằng mình phải tham gia xuất bản, phát hành online để tiếp cận độc giả dễ dàng hơn. Công tác quảng bá, giới thiệu sách trên môi trường số được đẩy mạnh.

Chúng ta còn phát triển cả một sàn thương mại điện tử Book365 - sàn thương mại không chỉ bán sách mà còn để trao đổi về nghiệp vụ, giới thiệu những cuốn sách, trao đổi bản quyền...

Cũng bởi thế, có lẽ chưa có nhiệm kỳ nào các doanh nghiệp nội dung số, doanh nghiệp công nghệ cũng hăng hái, quan tâm đến xuất bản như thời gian vừa qua. Tôi nhận thấy các doanh nghiệp công nghệ tham gia vào lĩnh vực xuất bản, phát hành sách càng ngày càng nhiều. Đây là một dấu hiệu rất tốt.

- Chăm lo phát triển văn hóa đọc là một trong những mục tiêu quan trọng mà Hội Xuất bản Việt Nam đề ra. Hội đã có những hành động gì để hiện thực hóa mục tiêu ấy?

- Tôi cho rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Xuất bản Việt Nam để lại một số dấu ấn như sau: Thứ nhất, những mô hình văn hóa đọc được Hội phát huy từ những gì đã làm được ở nhiệm kỳ III và đạt được nhiều thành tựu mới. Từ kinh nghiệm tổ chức mô hình Đường sách TP.HCM, Hội giúp các địa phương xây dựng một số mô hình tương tự. Có nơi gọi đường sách, có nơi gọi vườn sách, có nơi gọi phố sách.

Tất nhiên, độ thành công ở mỗi nơi một khác, tôi đề nghị Hội Xuất bản nhiệm kỳ tới chủ động tổng kết lại những gì đã làm được để đưa ra các mô hình phát triển văn hóa đọc phù hợp với từng địa bàn: ở thành phố, trung tâm lớn hay vùng nông thôn, mỗi nơi đều cần có cách tiếp cận riêng.

Tôi nhận thấy công tác phát triển văn hóa đọc còn có một điểm mới mà trước đây chưa có: Nhiều nhà xuất bản, công ty phát hành sách đã mạnh dạn chọn địa điểm đặt nhà sách ở những trung tâm mua sắm, những siêu thị lớn. Người vào nhà sách tại đây không chỉ để mua sách, mà còn trải nghiệm văn hóa đọc, không khí trong nhà sách. Một vài đơn vị nổi bật là Phương Nam, Nhã Nam, Fahasa… Đi vào siêu thị, người ta không chỉ thấy hàng hóa, thực phẩm, mà còn thấy sách. Tôi tin người dân vẫn quan tâm đến sách, vẫn thích nhìn thấy sách và trải nghiệm không gian sách vở.

Ngoài ra, còn có những mô hình hoạt động như ngày hội khuyến đọc, ATM sách của Thái Hà Books; hoạt động phát triển không gian đọc sách ở nhà văn hóa nông thôn của Tân Việt.

Rồi những hoạt động phát triển tủ sách trong nhà trường, khuyến khích mở thư viện, mở tiết đọc trong nhà trường. Hội Xuất bản Việt Nam hướng đến phát triển văn hóa đọc ở các đối tượng, các vùng miền bằng đa dạng cách thức khác nhau.

 Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam, tại lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai tổ chức ở Huế. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam, tại lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai tổ chức ở Huế. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Một dấu ấn đáng chú ý nữa là Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để tổ chức Hội sách nhân Ngày Sách Việt Nam 21/4. Trước đây, Bộ và Hội thống nhất đề xuất Thủ tướng quyết định chọn ngày này làm Ngày Sách Việt Nam. Quốc hội tổng kết lại ý kiến và thấy đề xuất rất ý nghĩa nên quyết định đưa vào luật với tên gọi mở rộng ra là Ngày Sách và Văn hóa Đọc Việt Nam. Hội phối hợp rất chặt chẽ với Bộ để chọn từng thời điểm, từng khu vực để tổ chức.

Ví dụ, Hội sách nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay chúng ta tổ chức ở Huế - một không gian văn hóa rất đặc thù. Trước đây, địa điểm được chọn chủ yếu là TP.HCM hoặc Hà Nội, nhưng giờ đây, chúng ta hướng tới phát triển văn hóa đọc đồng đều hơn, do vậy ngày hội sách gắn với kỷ niệm Ngày sách và Văn hóa Đọc Việt Nam tới đây sẽ diễn ra ở những điểm khác nhau. Tôi cho đây là hình thức để lan tỏa văn hóa đọc hiệu quả.

- Nhiệm kỳ vừa qua, Hội Xuất bản Việt Nam cũng tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia, tạo dấu ấn trong lòng công chúng. Ông có thể chia sẻ thêm về những thay đổi trong công tác tổ chức giúp giải có được những thành công đó?

- Đây là nhiệm kỳ đầu tiên Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia. Giải này có tiền thân là Giải Sách Việt Nam, sau đó Hội Xuất bản Việt Nam đã báo cáo, trình thủ tướng, đề nghị nâng cấp lên thành Giải thưởng Sách Quốc gia. Đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 5 mùa giải rồi.

Giải thưởng Sách Quốc gia đã tạo được sức hút lớn. Cứ đến mùa giải là người làm sách và người đọc sách đều theo dõi, chờ đợi. Sự thành công của Giải đã phần nào khẳng định vị trí Hội Xuất bản Việt Nam trong xã hội. Qua từng lần tổ chức, chúng ta cũng ngày càng nâng vị thế Hội Xuất bản lên.

Giải thưởng Sách Quốc gia không đặt nặng về số lượng giải, hội đồng chọn trao giải ít mà chất lượng. Các sách/bộ sách được chọn đều là những tác phẩm hay, có ý nghĩa, giá trị lớn.

Ngoài ra, uy tín của Giải thưởng Sách Quốc gia cũng đã thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Giải do Hội Xuất bản Việt Nam đứng ra tổ chức, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, nên kinh phí cho tổ chức giải lần I chỉ khoảng độ hơn 800 triệu từ ngân sách Bộ Tài chính.

Nhằm mở rộng quy mô giải và nâng cơ cấu giải thưởng, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Hội phối hợp với nhau đặt vấn đề xã hội hóa; một doanh nghiệp tài trợ đến nay cũng được 4 mùa giải rồi, vì thế giá trị giải thưởng cũng tăng lên.

 Giải thưởng Sách Quốc gia không đi vào số lượng, hội đồng chọn trao giải ít mà chất lượng. Ảnh: Việt Linh.

Giải thưởng Sách Quốc gia không đi vào số lượng, hội đồng chọn trao giải ít mà chất lượng. Ảnh: Việt Linh.

Kiên trì thực hiện các nhiệm vụ đã đặt ra

- Thời gian này, Hội đã đổi mới hoạt động như thế nào, thưa ông?

- Hoạt động Hội Xuất bản Việt Nam thời gian qua có một số thay đổi phù hợp với xu thế của xã hội. Đầu tiên là hình thức trao đổi, cung cấp thông tin cho các hội viên, các ủy viên trong ban chấp hành Hội. Chúng tôi sử dụng công nghệ thường xuyên hơn. Điều này xảy ra nhiều vào thời điểm dịch Covid-19, chúng tôi gần như không họp trực tiếp được và phải sử dụng công nghệ để cung cấp thông tin cho hội viên.

Các hội viên tổ chức, cá nhân trong Hội Xuất bản Việt Nam sống và gắn bó với nhau rất tình nghĩa. Vì thế, khi Trung ương Hội cần huy động gì, dù không được cấp kinh phí nhưng tinh thần của hội viên Hội luôn rất tích cực, nhiệt tình giúp đỡ, hoạt động vì ngành xuất bản. Tôi cho rằng việc khi cần đều sẵn sàng là điểm rất đáng ghi nhận của các hội viên, tổ chức, cá nhân của Hội Xuất bản Việt Nam.

Một việc nữa mà trong nhiệm kỳ vừa qua Hội rất coi trọng là tham gia vào góp ý, xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến xuất bản và ngành sách. Thời gian đầu của nhiệm kỳ khi chưa có đại dịch Covid-19, Hội đã cùng các đơn vị làm xuất bản tổ chức các hội thảo góp ý về chính sách thuế, mô hình các nhà xuất bản, công tác biên tập, phát hành online. Gần đây, chúng tôi có những đề xuất sửa đổi luật xuất bản.

Trong đại dịch Covid-19, hoạt động của các đơn vị làm sách hầu như đóng băng. Hội Xuất bản đã phối hợp với UBND TP.HCM để có những văn bản đề nghị tạo điều kiện cho một số nhà xuất bản hoạt động, tìm cách để vừa đảm bảo an toàn y tế, vừa đảm bảo cung cấp sách cho đời sống tinh thần của người dân. Tôi cho là Hội đã rất nhanh nhạy và tham mưu kịp thời.

- Ông có điều gì gửi gắm đến lãnh đạo Hội trong nhiệm kỳ tiếp theo?

- Có 5 mục tiêu Hội Xuất bản Việt Nam vẫn cần kiên trì thực hiện ở nhiệm kỳ tới: Xây dựng nền xuất bản lành mạnh, phát triển văn hóa đọc, nâng cao chất lượng nền nhân lực, hội nhập quốc tế và xây dựng hội vững mạnh. Tất nhiên, tên gọi và nội hàm của từng mục, ban chấp hành Hội nhiệm kỳ V sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp.

Tôi hy vọng rằng ban chấp hành mới, với sức trẻ của mình, sẽ có những đổi mới táo bạo, quyết liệt hơn.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV

Ví dụ, trước đây ta đưa ra các mục tiêu đầu nhiệm kỳ IV, xu thế công nghệ chuyển đổi số chưa nổi trội, chưa cấp bách như bây giờ; ở nhiệm kỳ này, chúng ta cần đặt vấn đề xem trong bối cảnh 4.0, xây dựng nền xuất bản lành mạnh cần thêm gì, phát triển văn hóa đọc cần thêm gì…

Tôi hy vọng rằng ban chấp hành mới, với sức trẻ của mình, sẽ có những đổi mới táo bạo, quyết liệt hơn.

Một điều quan trọng nữa là đại diện Hội cần góp ý, kiến nghị với cơ quan có chức năng, cơ quan nhà nước, để sớm thể chế hóa việc Hội Xuất bản Việt Nam được xếp vào 1 trong 30 hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Quan điểm của Đảng có rồi, Ban Bí thư đã ra thông báo rồi, nhưng các cơ quan Nhà nước chưa thể chế hóa thì Hội chưa thực hiện được.

Với tinh thần là một tổ chức được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Hội Xuất bản Việt Nam vẫn cần được cấp một nguồn kinh phí nhất định để đảm bảo công tác, có số nhân sự tối thiểu giúp vận hành hoạt động Hội. Khi Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ bằng hình thức đặt hàng, cấp một phần kinh phí cho bộ máy hoạt động, Hội sẽ được tạo điều kiện xây dựng chương trình công tác, cơ chế hoạt động chặt chẽ hơn.

Mong rằng khi thực hiện được những điều trên, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ chuyển biến, có diện mạo mới, nâng cao được vị thế và góp phần đưa ngành xuất bản phát triển.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-vong-vao-mot-dien-mao-moi-cua-hoi-xuat-ban-viet-nam-post1446370.html